Mới đây,ệtNamdướigócnhìnvịchuyêngiacómẹlàgiáoviênXôViếboóng đá trực tuyến Viện Công nghệ Schaffhausen (SIT, Thụy Sĩ) và Đại học Jacobs tại Bremen (JUB, Đức) đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác với Đại học FPT nhằm tuyển chọn sinh viên Việt Nam và nâng cao trình độ chuyên môn công nghệ trong nước.
Nhân sự kiện này, PV VietNamNet đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ (TS) Serg Bell - nhà sáng lập Viện Công nghệ Schaffhausen (SIT) và Acronis, một trong những công ty hàng đầu thế giới về bảo mật an ninh mạng.
Tại buổi nói chuyện, Tiến sĩ Serg Bell đã chia sẻ nhiều góc nhìn về chất lượng nguồn nhân lực công nghệ Việt Nam cũng như những lời khuyên Việt Nam nên làm gì để trở thành một quốc gia phát triển về công nghệ.
Ấn tượng sâu sắc với Việt Nam từ người mẹ giáo viên Xô Viết
Đây là lần thứ 3 TS Serg Bell đặt chân đến Việt Nam. Theo chia sẻ của TS Serg Bell, ông rất ấn tượng với những gì mình đã thấy ở Hà Nội.
“Tôi đã đến Hà Nội lần đầu cách đây 26 năm và lần cuối cùng cách đây 10 năm. Trước đây, giữa Hà Nội và TP.HCM có sự khác biệt rất lớn, nhưng bây giờ sự khác biệt không còn nhiều lắm”, ông nói.
Trong câu chuyện của mình, TS Serg Bell cho biết ông rất ấn tượng với các sinh viên Việt Nam. Suy nghĩ này bắt nguồn từ chính những câu chuyện được kể bởi mẹ ông, một giáo viên Xô Viết từng dạy cho 2 học trò là sinh viên Việt Nam hồi những năm 1977.
Hình ảnh đó lại một lần nữa hiện ra khi ông được tiếp xúc với các sinh viên người Việt trong lần quay trở lại Việt Nam này. Đây cũng là lý do khiến ông ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tìm kiếm, giáo dục, đào tạo và giữ chân những nhân tài CNTT Việt Nam. Bên cạnh đó là dự định mở một trung tâm nghiên cứu, phát triển của Viện Công nghệ Schaffhausen (SIT).
Theo TS Serg Bell, người Việt rất chăm chỉ và có nền giáo dục phổ thông tốt. Điều đất nước này cần thêm là những kiến thức mới về giáo dục, khoa học và sự cộng tác nhiều hơn nữa với thế giới. Mối quan hệ hợp tác giữa Viện Công nghệ Schaffhausen (SIT) với các trường đại học Việt Nam sẽ góp phần lấp đầy khoảng trống đó.
“Việt Nam có gần 100 triệu người với dân số rất trẻ. Tôi nghĩ Việt Nam không nên tập trung phát triển một lĩnh vực công nghệ chủ đạo nào đó bởi người Việt có khả năng phát triển cùng lúc nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau”, ông chia sẻ.
Việt Nam phải là đất nước xuất khẩu công nghệ và sản phẩm ICT
Đây là lời khẳng định của vị chuyên gia sở hữu tới 350 bằng sáng chế khi được hỏi Việt Nam liệu có nên theo đuổi tham vọng trở thành quốc gia xuất khẩu nhân lực CNTT top đầu thế giới.
Theo TS Serg Bell, nếu chỉ nói về xuất khẩu nhân lực ICT, tuy Việt Nam có gần 100 triệu dân nhưng sẽ rất khó cạnh tranh với 1,3 tỷ người Ấn Độ, 1,4 tỷ người Trung Quốc, 200 triệu người Pakistan và gần 300 triệu người Indonesia. Do vậy, ý tưởng về việc xuất khẩu sản phẩm công nghệ của người Việt Nam sẽ tốt hơn so với xuất khẩu nguồn nhân lực.
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam nên trở thành đất nước xuất khẩu công nghệ và sản phẩm ICT”, ông nói.
Theo người sáng lập Viện Công nghệ Schaffhausen, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một quốc gia sản xuất ra các sản phẩm khoa học công nghệ tốt nhất.
Lý giải cho điều này, ông cho rằng, ở Châu Á, Trung Quốc là một đất nước tiềm năng nhưng sản phẩm công nghệ của họ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Ấn Độ là một quốc gia đa chủng tộc, không hoàn toàn thống nhất với nhiều bang nhỏ. Do vậy, Ấn Độ nổi tiếng hơn ở việc xuất khẩu nguồn nhân lực ICT ra nước ngoài.
Với Nhật Bản, quốc gia này đơn văn hoá, việc đưa các công nghệ mới và văn hóa mới vào Nhật rất khó khăn. Ở Hàn Quốc cũng khá giống với trường hợp của Nhật Bản.
“Đó là lý do ở góc độ của một nhà kinh doanh, tôi cho rằng Việt Nam có cơ hội phát triển tốt nhất với sự hiện diện của nhiều nhân tài xuất chúng trong lĩnh vực công nghệ”, ông chia sẻ.
Theo TS Serg Bell, điều quan trọng là Việt Nam cần tập trung vào một công ty có khả năng sản xuất ra các sản phẩm Việt Nam, bán sản phẩm thay vì bán dịch vụ.
“Việt Nam có thể hoạt động giống như mô hình kinh doanh của chúng tôi, đầu tiên là thuê ngoài, tiếp đến là mở các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ lõi và sau đó sản xuất các sản phẩm”.
Như để củng cố cho nhận định trên, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam đã xuất khẩu ô tô và sản phẩm đó khá cạnh tranh.
“Làm ô tô khó hơn làm sản phẩm phần mềm. Việc sản xuất các sản phẩm phần mềm Việt Nam sau đó xuất khẩu ra nước ngoài sẽ không khó”, ông chia sẻ.
Tiến sĩ (TS) Serg Bell sinh ra ở Liên Xô trong một gia đình có truyền thống về ngành vật lý. Năm 1993, ông chuyển đến Singapore và trở thành công dân Singapore, đồng thời là một doanh nhân công nghệ nổi tiếng của nước này. TS Serg Bell có bằng Cử nhân Vật lý, bằng Thạc sĩ danh dự về Vật lý - Kỹ thuật Điện và bằng Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học Vật lý Kỹ thuật Moskva (MIPT, Nga). Ông từng thành lập khoảng 20 công ty CNTT toàn cầu, một số quỹ mạo hiểm và trung tâm khoa học giáo dục, bao gồm Viện Công nghệ Schaffhausen (SIT), Acronis, Parallels, Virtuozzo, Acumatica, Webpros, Runa Capital và Terra.VC, đồng thời sở hữu hơn 350 bằng sáng chế. |
Trọng Đạt