- Phong cách biểu diễn,đườngphongdanhcủacâysáosốViệket qua fa kỹ thuật chơi sáo của nghệ sĩ Diệu Hồng được đồng nghiệp, giới phê bình âm nhạc cũng như các chỉ huy trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Tham gia biểu diễn cũng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trên khắp thế giới và được đánh giá là cây sáo số một Việt Nam nhưng con đường phong danh của chị lại khá lận đận.
Nguyễn Diệu Hồng là cây flute hàng đầu của dàn nhạc, từng chơi solist cùng với Dàn nhạc thính phòng giao hưởng châu Âu trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam năm 2005. Chị là một nghệ sĩ tài năng, từng độc tấu ấn tượng các tác phẩm kinh điển dành cho sáo như bản Concerto số 2 cung rê trưởng của Mozart, Suite số 2 cung si thứ của Bach, Concerto cung la trưởng của nhạc sĩ nổi tiếng người Nhật Otaka, hay bản sonata của Francis Poulen...
Dọc con phố sầm uất Mai Hắc Đế, không khó để tìm đến căn nhà mà NSUT Diệu Hồng ở bởi nó rất đơn sơ so với các cửa hàng kinh doanh sầm uất nơi đây. Một chiếc đàn piano, vài cây sáo và mấy lồng chim - dường như nó là tất cả trong căn nhà vỏn vẹn 30m2 mà vợ chồng chị cùng gia đình chị dâu, bố chồng ở chung.
Với giọng nói trong trẻo, lảnh lót, đôi khi có chút nhõng nhẽo như trẻ thơ và nụ cười tươi rói, NSUT Diệu Hồng kể lại những tháng này khổ luyện để sống trọn đam mê với nghề.
NSƯT Diệu Hồng (bìa phải) cùng con gái Ngọc Ánh và chồng - nghệ sĩ Nguyễn Thiện Thắng (hàng trên, ngoài cùng bên trái) trong một buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng VN. |
Nếu chọn nghề bác sĩ thì...
Từ bé Diệu Hồng đã được sống trong một thế giới âm nhạc dù cha mẹ không ai theo nghệ thuật. Cha chị là nhân viên ngân hàng, còn mẹ là bác sĩ. Nhưng họ lại vô cùng yêu nghệ thuật, đặc biệt là cha chị. Ngày nhỏ, Diệu Hồng luôn được nghe cha hát, xem ông làm thơ, sáng tác. Đó là lý do cả 3 chị em Diệu Hồng sau này đều theo nghệ thuật.
8 tuổi, Diệu Hồng đã bắt đầu học sáo tại Nhạc viện Hà Nội với các giáo sư nổi tiếng giàu kinh nghiệm như Vũ Cúc, Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Thích... Rồi nhân duyên sau này, Diệu Hồng lại lấy chính con trai của thầy Nguyễn Thiện Tơ, anh Thiện Thắng làm chồng. "Ngày đi học, các bạn trong lớp cứ lao xao chỉ trỏ là con trai thầy Tơ kìa, nhìn đi, đẹp trai lắm. Tôi thì mắt kém, cứ nhìn theo tay các bạn nhưng cứ hỏi đâu đâu, có nhìn thấy gì đâu. Mãi hết giờ học, thấy một anh ra hỏi: Sao lúc này các bạn trong lớp chỉ trỏ gì mà ghê thế?
Tôi trả lời: À, các bạn nói con trai thầy Thiện Tơ đến lớp, đẹp trai lắm mà em có nhìn thấy gì đâu anh. Sau này, tôi mới biết người tôi nói chuyện chính là con anh Thiện Thắng và anh cũng có cảm tình với tôi từ ngày đó. Lấy anh rồi, nhiều người cũng nói là tôi lấy anh vì gia đình anh làm nghệ thuật như vậy, có nhiều thuận lợi cho tôi. Nhưng kỳ thực, lúc đó, cũng chỉ nghĩ đơn giản yêu là lấy thôi, không nghĩ sẽ nhờ cậy gì đó", NSƯT Diệu Hồng chia sẻ.
Lấy nhau rồi, cả gia đình làm nghệ thuật, lại nghệ thuật truyền thống, cuộc sống vô cùng vất vả. Đã có thời gian, chồng chị dù cũng chơi kèn clarinet trong giàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nhưng vẫn mở cửa hàng sửa xe máy để kiếm sống.
"Những năm đầu vào Dàn nhạc là thời kỳ khó khăn lắm. Khi đó hầu như không có lịch diễn, lương và phụ cấp không đủ sống. Tận dụng khoảng không vỉa hè trước nhà, anh Thắng mở cửa hàng sửa xe máy. Toàn khách quen dọc hai bên phố, lai rai cũng tạm đủ sống qua ngày. Nhưng bàn tay cầm kèn thì mềm, bàn tay sửa xe máy lại phải chai cứng. Nghệ sĩ chơi trong dàn nhạc cổ điển thì phục trang sang trọng lịch lãm, người thợ sửa xe máy thì dầu mỡ lấm lem. Tôi bảo:Thôi, thà nhịn đói nằm co còn hơn anh ạ. Làm thế nó bị hỏng hết tay". Rồi chồng tôi cũng nghỉ.
Nhưng để trang trải đủ cho cuộc sống hằng ngày và con cái đi học, tôi lại xoay sang kiếm tiền kiểu khác. Hồi đó, các khách sạn, nhà hàng bắt đầu rộ lên ở Hà Nội như nấm mọc sau mưa, và khi đó cũng có "mốt" chơi nhạc sống phục vụ khách hàng. Thế là vợ chồng tôi lại thay nhau đi thổi kèn, thổi sáo", NS Diệu Hồng tâm sự.
Được việc làm thêm đúng với chuyên môn của mình, chị nói là một diễm phúc. Mặc dầu cũng có lúc thấy mình chạnh lòng chơi nhạc trong lúc người ta ăn uống nói cười.
Chị bảo, trước khi gắn cuộc đời mình với cây sáo, chị từng có ý định học ngành y và trở thành bác sĩ. "Ngày còn nhỏ, ngoài việc nghe cha đàn, hát, làm thơ thì thời gian rảnh, chẳng có gì mà chơi cả. Thế là có một đống sách về y học của mẹ, tôi đọc ngấu nghiến, đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Tôi còn có ý định thi vào ngành y, nhưng nghề nghiệp đôi khi như là định mệnh. Nếu học ngành y, có lẽ cuộc đời sẽ khác", NSƯT Diệu Hồng chia sẻ.
Nhưng nếu bây giờ cho chị chọn lại, chị sẽ chọn ngành y chứ? - phóng viên hỏi. Không cần suy nghĩ, NSUT Diệu Hồng lại nở nụ cười tươi rói, và vẫn điệu bộ kiểu nhõng nhẽo trẻ con, chị trả lời: "Không, không bao giờ có chuyện đó, tôi vẫn yêu sáo vô cùng. Nghệ thuật là cuộc sống của mình rồi, dù nó có thế nào thì mình vẫn cứ theo và sống cuộc sống của mình thôi. Thực ra trong công việc của tôi cũng có sự thú vị riêng mặc dù rất vất vả. Không phải như các nghề khác, nghề này, nếu muốn theo một cách nghiêm túc thì luôn phải học, học nữa, học mãi. Lúc nào cũng học, kể cả bây giờ cũng đang học chứ không dừng được.
Mỗi chương trình khổ luyện hằng tuần mà chỉ biểu diễn 1, 2 buổi rồi lại thôi, đổi chương trình khác. Rồi với mỗi một chỉ huy dàn nhạc lại phải có một phương pháp làm việc khác nhau. Dàn nhạc Giao hưởng VN hiện nay, hầu như là làm việc với người nước ngoài, mà họ thì yêu cầu rất cao, nên đôi khi thấy mệt vô cùng. Nhưng mệt thì mệt, vẫn thấy sung sướng vì mình được làm nghề trong môi trường chuyên nghiệp, được phô diễn hết khả năng của mình.
Chẳng thế mà mấy lần, tôi cũng khuyên con gái nên chọn nghề gì đó mà học, đừng theo nghề giống bố mẹ, nhưng cháu không nghe, cả con trai tôi bây giờ cũng vậy, cháu cũng theo nghề bố mẹ và tôi tôn trọng sở thích của các cháu".
Gian nan con đường được phong danh
Năm 1985, Diệu Hồng tốt nghiệp loại xuất sắc và được Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng VN đặc cách mời về giữ vị trí sáo 1, bè 1 (bè quan trọng nhất) trong dàn nhạc. Liên tục trong hơn 30 năm gắn bó với nghề, chị đã đi rất nhiều nước biểu diễn từ Nhật, Mỹ, Pháp... và đã diễn rất nhiều chương trình phục vụ Đảng, Chính phủ, các chiến sĩ ở ngoài đảo xa và còn nhiều bằng khen khác từ Bộ văn hóa và Thủ tướng Chính phủ.
NSƯT Diệu Hồng được Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đặc cách mời về |
Thế nhưng ngay từ lần đầu làm hồ sơ NSƯT, chị cũng bị đánh trượt. Đến kỳ xét tiếp theo, chị mới đạt. Hồi năm ngoái, khi đến đợt xét tặng NSND, NSƯT, chị cũng làm bản khai thành tích dày tới 3 mặt tờ giấy A4 nhưng rồi chị vẫn chưa được phong danh hiệu NSND.
Đưa cho phóng viên xem bảng thành tích đáng nể của mình, tôi hỏiSao chị không "kiện" để xem, mình còn thiếu thành tích gì nữa? NSƯT Diệu Hồng cười bảo: "Thôi kệ đi, chắc mình thiếu thì người ta đánh trượt thôi, mà kiện thì biết kiện ai bây giờ. Khi tôi bị đánh trượt, nhiều người trong Dàn nhạc bất ngờ lắm. Nhưng tôi thì kệ, danh hiệu NSƯT của tôi, bao năm nay cũng có hơn được diễn viên mới ra trường là mấy. Tôi chỉ sợ bị đánh trượt không cho lên sân khấu biểu diễn thôi, chứ danh hiệu NSND năm nay không được thì năm sau", NSƯT Diệu Hồng cười tươi chia sẻ.
Nếu không được diễn, sẽ không có tiền?- phóng viên hỏi. "Không cũng còn tùy, diễn là đam mê của tôi rồi. Chứ nhiều chương trình, đâu phải vì tiền mà mình diễn. Chẳng hạn như Điều còn mãi mà báo VietNamNet tổ chức đó. Năm nào tôi cũng được mời, không solo cũng diễn cùng Dàn nhạc. Lên sân khấu biểu diễn những chương trình như thế, vào thời khắc đặc biệt như thế, lần nào biểu diễn xong, tôi cũng như bị bay bổng, mãi không dứt ra được cảm xúc của tác phẩm, cứ điên điên ấy, nhưng mà vui".
Diệu Hồng chia sẻ rằng, lần này tại Điều còn mãi 2016, chị sẽ solo sáo bài Tình yêu của biển(nhạc Phú Quang). Bài này, chị cũng đã thổi mấy lần. "Tất cả những vẻ đẹp ngây ngất, dịu dàng và đằm thắm được hiện diện trên mỗi âm thanh dành cho nhạc cụ flute. Khi tiếp cận những giai điệu mỹ cảm bất tận này, rằng ở đây là hơi thở tình yêu của biển, rất bình yên. Thật ra không chỉ có thế, cùng với những gì cho ta niềm thương mến là sự xao động triền miên tuôn chảy, bởi, chẳng có bao giờ chỉ yên lành", NSUT Diệu Hồng mê đắm khi nói về tác phẩm này.
Chương trình hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi" 2016 sẽ trở lại với công chúng yêu nhạc vào 14 giờ, ngày Quốc khánh 2/9, tại Nhà hát lớn Hà Nội, tường thuật trực tiếp trên VTV3, tiếp sóng trên VietNamNet. "Điều còn mãi 2016" dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn do báo VietNamNet tổ chức với sự đồng hành của Tổng đạo diễn, NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Các ca sĩ Đăng Dương, Tùng Dương, Hồng Vy, Lê Anh Dũng, Thành Lê, Dàn hợp xướng ĐHSPNT Trung ương sẽ đồng hành cùng "Điều còn mãi 2016". |
T.Lê