Học thật, vui thật Lãnh đạo trường Trường quốc tế Nam Mỹ (UTS) đang đẩy mạnh hành động hướng đến xây dựng ngôi trường giáo dục tích cực. Học sinh và giáo viên cùng nhau tạo ra môi trường dạy, học một cách hiệu quả, nhưng không quá chú trọng điểm số hay thành tích. Trên tinh thần giáo dục tích cực, trường xây dựng “văn hoá lời khen”: khen một cách văn minh, sâu sắc, ý nhị, thúc đẩy từ bên trong học sinh. Gần đây, nhà trường còn lan toả truyền thông điệp “khen không khó”, giúp các phụ huynh và giáo viên biết cách khen đúng, khen đủ, từ đó khích lệ học sinh tự tin hơn, phát triển tiềm năng của mình. Đặc biệt, một trong những việc mang tính đột phá, hướng đến giáo dục tích cực của UTS là đưa môn học Well-being (từ chương trình Quốc tế Oxfoxd) vào chương trình chính khoá cho học sinh lớp 1 đến lớp 12. Well-being là môn học giúp học sinh khoẻ mạnh về thể chất và hạnh phúc về tinh thần. Cụ thể, Well-being có 4 cấu phần: chăm sóc cơ thể, chăm sóc tâm trí, chăm sóc các mối quan hệ, chăm sóc bản thân và thế giới. Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan - Hiệu trưởng UTS khẳng định: “Ở UTS, nhà trường không nói suông mà luôn hành động cụ thể để giúp học sinh hướng đến việc trở thành những công dân toàn cầu có đủ kỹ năng cần thiết của thế kỷ XXI. Đích đến của thầy trò chúng tôi là giúp từng học sinh, tuỳ thế mạnh, năng khiếu của mình mà trở thành con người hạnh phúc, có đóng góp lớn cho xã hội. Có được diện mạo và kết quả đậm “màu sắc” hạnh phúc trong giáo dục như hiện nay là nhờ việc nhà trường đã nhất quán và kiên định xây dựng môi trường giáo dục tích cực". Học sinh hào hứng với bài tập Thầy Nguyễn Minh Khôi - Chuyên viên tham vấn trường học UTS hào hứng chia sẻ: “Khi UTS tạo ra môi trường giáo dục tích cực và áp dụng hiệu quả, điều nhận thấy đầu tiên là học sinh thay đổi thái độ học tập một cách rõ rệt. Hầu như học sinh không còn thái độ kháng cự, sự chủ động học tập cũng xuất hiện, thay vào chỗ của sự đối phó. Học sinh bớt “ghét” bài tập hơn, đa số học hành trong vui vẻ”. Bên cạnh đó, học sinh UTS mạnh dạn tìm đến phòng tham vấn tâm lý, cởi mở chia sẻ các vấn đề tâm lý, đời sống với chuyên gia. Thầy Khôi tiết lộ: “Cởi mở và tin tưởng từ cấp học nhỏ nhất là điều có thể thấy ở ngôi trường này. Mỗi khi gặp khúc mắc về tâm lý, các em đều mạnh dạn tìm đến phòng tham vấn. Bất ngờ hơn, phòng tham vấn tâm lý còn đón cả “khách” là những giáo viên trong trường. Mỗi khi các thầy, cô cần tham vấn về các vấn đề tâm lý của học sinh hoặc bản thân thì cũng được giải quyết trước khi bước vào lớp học”. Đồng thời, theo thầy Khôi, một trong những điều giúp học sinh tại UTS luôn chủ động, nhanh nhẹn, hoạt bát là những tiết học được thiết kế với nhiều tình huống đòi hỏi vận động liên tục, theo kiểu “chơi mà học”. Tức là, học sinh không còn ngồi một chỗ để nghe giáo viên giảng nữa mà hào hứng tăng tốc cùng “đồng đội”, tham gia liên tục từ chương trình này đến chương trình khác, qua đó lĩnh hội kiến thức một cách tự nhiên. Việc học tập đa dạng như vậy giúp học sinh UTS luôn cảm thấy thú vị. Đơn cử, một học sinh lớp 1 được cùng bạn chế biến món ăn có lợi cho sức khoẻ, sau đó thuyết trình món ăn đó bằng tiếng Anh. Qua hoạt động đó, học sinh được học nấu ăn, rèn luyện kĩ năng thuyết trình và trau dồi khả năng nói tiếng Anh. Dù học 3 nội dung trong một hoạt động, nhưng bé vẫn cảm thấy hào hứng. Chị Hà Thu Mai - phụ huynh em Trần Hà Dũng, học sinh lớp 10 tại UTS đánh giá: “Điểm tích cực mà tôi thấy rõ ở UTS là học sinh được học tập bằng dự án rất nhiều chứ không phải học theo cách “nhồi nhét” kiến thức. Học tập thông qua trải nghiệm dự án, tất nhiên là các em cảm thấy hào hứng hẳn lên. Trong năm 2024, tôi vui khi thấy con trai của mình liên tục cùng các bạn làm đề tài nhóm. Cậu bé từ chỗ nhút nhát, thụ động, ít biểu lộ cảm xúc, khi vào học tại UTS đã tự tin, hoạt bát và vui vẻ hẳn lên”. “Quá trình phát triển nhân cách, bồi đắp trí tuệ của một đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ môi trường giáo dục. Hẳn nhiên, một đứa trẻ gặp môi trường giáo dục tích cực như UTS là sự thuận lợi lớn. Đó cũng là lí do mà tập thể giáo viên tại UTS dành hết tâm sức để mỗi ngày góp hết sự tích cực của cá nhân, tạo thành một môi trường giáo dục tích cực đáng khích lệ như hiện nay”, cô Nguyễn Thị Ngọc Lan - Hiệu trưởng UTS bày tỏ.
Đặng Nhung |