Từ năm học 2021-2022,ókhănsaunhữngthayđổiđộtphácủaThôngtưđánhgiáhọkèo nhà thông tư 22 sẽ có hiệu lực với lớp 6, đồng thời thông tư cũng định hướng cho sự thay đổi đánh giá học sinh trong các trường trung học theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để triển khai hiệu quả, vai trò của giáo viên - những người trực tiếp thực thi công tác đánh giá học sinh là rất lớn.
Sự thay đổi quan trọng nhất của thông tư này chính là mục đích đánh giá. Trước đây, việc đánh giá chất lượng giáo dục đối với học sinh được thể hiện sau mỗi học kỳ, mỗi năm học nhằm thúc đẩy học sinh rèn luyện, học tập thì thông tư này đề ra mục đích: “Đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học”.
Đây là thay đổi rất quan trọng, là sự tiến bộ rất lớn bởi nó thể hiện thống nhất mục tiêu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và tiếp cận đánh giá vì sự tiến bộ, giúp người dạy, người học tự điều chỉnh quá trình giáo dục, giúp kết quả giáo dục bền vững mà quốc tế đã và đang thực thi.
Để đạt được mục đích này, chủ thể của quá trình đánh giá bao gồm các giáo viên, học sinh, nhà trường, các cấp quản lý giáo dục cần thay đổi cả nhận thức, phương thức, nội dung công cụ đánh giá. Đánh giá học sinh được thực hiện liên tục, thường xuyên, toàn diện bao gồm thái độ, phẩm chất, kĩ năng và cả sự trưởng thành về kiến thức.
Nhiều điểm đột phá
Nét mới và cũng là ưu điểm của thông tư 22 là nội dung đánh giá, định hướng giáo dục toàn diện, đánh giá trong suốt quá trình học tập. Điều 8 về đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh cho thấy, nội dung đánh giá gắn liền với mô tả phẩm chất và năng lực chung trong chương trình; đòi hỏi đánh giá quá trình thường xuyên, liên tục; có phân biệt kết quả từng kỳ.
Đây là sự cụ thể và có định hướng rõ ràng hơn so với trước đó, việc đánh giá “hạnh kiểm” chủ yếu dựa vào kết quả của học kì II. Các căn cứ để đánh giá kết quả rèn luyện cũng chỉ rõ vai trò, chức năng của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, môn học nào cũng có trách nhiệm trong đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh.
Bên cạnh đó, Điều 9 về đánh giá kết quả học tập của học sinh kết hợp với Điều 5 cũng thể hiện tính mới, khi mang tính định hướng sử dụng các hình thức đánh giá phù hợp sẽ giúp cho thông tin về kết quả đánh giá phản ánh đúng lực của học sinh.
Đặc biệt, thông tư này đã làm rõ vai trò, chức năng và thời điểm đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ. Việc này giúp định hướng cách học của học sinh và đòi hỏi tính chuyên môn cao của giáo viên trong đánh giá học sinh.
Một ưu điểm mang tính đột phá của thông tư 22 là các tiêu chí xếp loại. Việc bỏ tiêu chí điểm trung bình chung các môn học sẽ tạo ra tính bình đẳng giữa các môn, tránh hiện tượng học lệch, loại bỏ hiện tượng lấy điểm môn này bù vào điểm môn kia để đạt một mức xếp loại theo kỳ vọng, hoặc đặt trọng số vào một số môn như Toán, Văn -Tiếng Việt, Tiếng Anh, dẫn đến ý niệm về môn chính/ môn phụ.
Bên cạnh đó, các danh hiệu, tiêu chí xếp loại dựa vào kết quả “phần lớn các môn học” cũng đòi hỏi học sinh phải học toàn diện, tạo điều kiện cho học sinh phát huy sở trường, sở thích của học sinh.
Tuy nhiên, xét theo mục đích sử dụng kết quả học tập, chẳng hạn trong phân luồng, định hướng nghề nghiệp, thì các thông tin trong học bạ cần chi tiết hơn để phục vụ cho chuyển cấp.
Ví dụ, đối với THPT, học sinh đã học theo các chuyên đề tự chọn để định hướng nghề nghiệp. Điều đó có thể dẫn đến kết quả học tập của các em ở các nhóm chuyên đề là khác nhau, được xếp loại ở mức độ khác nhau, gây ra tình trạng thiếu thông tin cho nhà tuyển dụng, thiếu công bằng đối với từng nhóm học sinh.
Ba thách thức
Với những ưu điểm như trên, thông tư 22 có cơ hội tạo ra sự thay đổi lớn, tích cực cho giáo dục trung học nói riêng, giáo dục phổ thông nói chung. Để thực hiện được những quy định của thông tư, chúng ta cần đạt được những điều kiện nhất định.
Thứ nhất, đó là năng lực triển khai của hệ thống giáo dục, trong đó đặt trọng tâm vào các giáo viên - những người trực tiếp thực thi công tác đánh giá học sinh. Giáo viên là trung tâm, là đối tượng cần được hướng dẫn, cần thay đổi nhất cho quá trình thực hiện thông tư này.
Giáo viên cần được trang bị, rèn luyện để thực hành được các công cụ đánh giá trên lớp học một cách phù hợp. Hiện nay, dù rất cố gắng, nhưng không ít giáo viên vẫn chưa được tập huấn về các công cụ đánh giá trên lớp, vận dụng cụ thể vào môn học của họ. Đồng thời, việc triển khai chương trình hiện nay khiến tài liệu dạy học, nội dung dạy học,… chưa được cập nhật cùng với cách đánh giá một cách đồng bộ. Đó là những trở ngại cho giáo viên.
Bên cạnh đó, việc giáo viên bộ môn vừa đánh giá bằng nhận xét, vừa đánh giá bằng điểm cũng có thể gây ra sự lúng túng hoặc quá tải bước đầu nếu họ không được hướng dẫn kỹ. Vì thế, cần phải có sự đầu tư và thực thi hiệu quả hơn nữa cho việc hướng dẫn giáo viên, để họ có được sự nhuần nhuyễn trong giảng dạy kết hợp với đánh giá quá trình học tập của học sinh.
Thứ hai, là các điều kiện kỹ thuật bao gồm điều kiện lớp học, cơ sở vật chất,… Ở mỗi địa phương, các điều kiện này có những nét riêng. Để triển khai được các nội dung trong quy định của thông tư, bắt buộc phải có sự đầu tư về hạ tầng, về các điều kiện lớp học.
Hiện tượng lớp học quá đông học sinh, thiếu các mô hình, kỹ thuật hỗ trợ đánh giá, điều kiện triển khai dạy các môn được đánh giá bằng nhận xét sẽ gặp khó khăn, có thể gây ra tính trạng lạm phát sổ sách, đánh giá hình thức.
Các địa phương trong phạm vi trách nhiệm của mình cần có chiến lược về thi và sử dụng kết quả đánh giá, phân luồng học sinh tránh tình trạng một mặt yêu cầu đổi mới trong quá trình, nhưng không có sự thống nhất trong sử dụng kết quả hoặc không có sự đầu tư cho thực thi tương xứng.
Thứ 3, là những vấn đề thuộc về tâm lý của phụ huynh, học sinh và cộng đồng. Thông tư 22 có nhiều đổi mới, trong khi nề nếp, suy nghĩ muốn ổn định, thói quen cũ vẫn đang phổ biến,… Đây là rào cản lớn không dễ phá vỡ trong thời gian ngắn.
Thông tư sẽ gây ra ảnh hưởng và đòi hỏi sự thay đổi toàn diện từ việc đánh giá trên lớp học đến sử dụng kết quả đánh giá như thế nào khi chuyển cấp, chuyển lớp, chuyển trường,… Rõ ràng, nó đòi hỏi tính thống nhất cao trong thực thi và đề ra các tiêu chí cụ thể về các mức độ đạt được trong phạm vi lớp học, trường học, địa phương, cho đến toàn quốc.
Đây có thể coi là một thách thức rất lớn, đòi hỏi các kỹ thuật để khắc phục được cả sự “hiểu sai, lạm quyền” của giáo viên, đến bệnh thành tích của trường học, của địa phương, tính thiếu tin cậy sẽ gây ra những hệ lụy khi sử dụng kết quả học tập cho các cấp học/tuyển sinh về sau.
Bên cạnh đó, thông tư 22 cũng đòi hỏi quá trình tự đánh giá của người học, phối hợp đánh giá giữa các giáo viên, giữa gia đình và nhà trường,… do đó, công tác quản lý và điều hành cũng gặp nhiều thách thức.
TS. Chu Cẩm Thơ– Trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)
Nhiều giáo viên cho rằng, quy định học sinh cần 6 môn bất kỳ đạt điểm trung bình trên 8 để được xếp học lực Tốt là một góc nhìn cởi mở. Điều này sẽ tạo động lực học tập, giúp học sinh phát huy thế mạnh.