LTS: Nhân kế hoạch thí điểm cấm xe máy ở tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương của Tp Hà Nội đang gây sốt cộng đồng,óôtôxemáyđạigiasaolạiđixebuýlịch thi đấu cup liên đoàn anh chuyên trang Ô tô xe máy mở Diễn đàn “Bỏ xe máy, đi xe bus có khó không?” Trân trọng kính mời bạn đọc cùng tham gia gửi bài viết chia sẻ góc nhìn cá nhân qua email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Dưới đây là bài viết của độc giả Bùi Thị Hồng Nhung, một công chức đang công tác tại Sở Du lịch Tp HCM.
Từ lâu, tôi đã bỏ xe máy, sử dụng xe buýt hàng ngày đi làm, gặp đối tác, mua sắm ở siêu thị hay thăm người thân nằm viện và đến các địa điểm vui chơi trong thành phố như Suối Tiên, Đầm Sen...
Đường phố hiện nay đã quá đông phương tiện cá nhân. Mỗi khi đi xe máy, tôi luôn căng thẳng vì cố tập trung lái xe để kịp xử lý nhằm tránh va chạm, phần thì lo xe phía sau đụng phải và rồi kèm theo bên mình nào là áo mưa, áo phủ chống nắng, nón bảo hiểm, kính mát, khẩu trang.
Tôi chuyển sang đi xe buýt bởi thấy tiện lợi, an toàn, giá vé lại rẻ và không phải chen lấn gửi xe. Khói bụi, nắng nóng hoặc mưa to cũng không lo. Ngồi trên xe buýt có thể làm việc riêng, ngắm cảnh, nghe nhạc, đọc sách báo. Và với tiện ích phần mềm cài trên điện thoại, tôi có thể dễ dàng tối ưu hành trình đi lại, nhờ biết được cụ thể lộ trình, biểu đồ thời gian để chọn xe...
Thế nhưng cho đến bây giờ, ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn tâm lý hoài nghi, kỳ thị xe buýt. Họ xem xe buýt chỉ là phương tiện dành cho những người nghèo, thu nhập thấp, người lớn tuổi, hoặc học sinh, sinh viên chưa có đủ tiền mua xe máy.
Xe buýt đâu chỉ dành cho người nghèo? |
Có lần, hẹn nhóm bạn ở công viên 30-4 trước Dinh Thống Nhất, thấy tôi vừa từ trên xe buýt bước xuống thì một người bạn liền nói: “Đại gia sao lại đi xe buýt?”
Một lần khác, tôi đi đám cưới, lúc gần tan tiệc, chuẩn bị ra về thì có một chị ngồi cùng bàn hỏi tôi: “Đi bằng xe gì?”, tôi trà lời: “Đi xe buýt” . Ngay lập tức, chị này tỏ vẻ ngạc nhiên rồi nói: “Xe hư hay sao mà lại đi xe buýt?”
Tôi đi đám cưới bằng xe buýt vì thuận tiện. Nhà tôi ở gần ngã tư Lão Tử - Châu Văn Liêm (Q.5), đám cưới ở nhà hàng Saphire trên đường Điện Biên Phủ gần ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), tôi chỉ cần đi bộ 120m là đến điểm đón xe buýt số 150, đường Hồng Bàng.
Hay như cháu tôi đang là sinh viên năm thứ hai, hàng ngày đi học bằng xe buýt cũng có lần nói: “Xe buýt chỉ dành cho người ít tiền như tụi cháu thôi”. Khi nghe vậy, tôi vặn lại: “Sao cháu lại nghĩ thế?” thì nhận được câu trả lời “Đi xe buýt là dân lao động nghèo. Ít khi cháu thấy người giàu, cán bộ, công chức nhà nước đi xe buýt”.
Nhiều người Việt đang có tâm lý kỳ thị ấy.
Trong khi đó, thực sự, chiếc xe máy, ô tô hay xe buýt chỉ là một phương tiện di chuyển và cách mà chúng ta chọn nó để đi còn phải dựa vào điều kiện giao thông, hơn là cả nhu cầu hay sở thích cá nhân.
Em con cô tôi có ôtô nhưng vẫn ít khi sử dụng trong khung giờ cao điểm, thay vào đó là đi xe buýt kết hợp đi bộ, vừa không phải gửi xe, bớt mệt hơn khi gặp cảnh kẹt xe, đi tiệc cưới có uống bia xong chỉ việc lên xe buýt về nhà an toàn hơn tự lái ôtô vừa căng thẳng vừa lo bị phạt nặng.
Năm trước em sang Đài Loan, những đứa bạn dẫn đi chơi trong thành phố bằng xe buýt. Ở lãnh thổ này, nhiều nơi không cấm xe máy, người dân dù có ôtô nhưng đi làm phần lớn sử dụng phương tiện công cộng.
Trong giờ cao điểm, buổi sáng đi xe cá nhân vất vả hơn, chậm hơn và tìm chỗ gửi xe cũng không dễ vì vùng trung tâm không đủ chỗ trông giữ xe máy, ô tô. Ngoài ra, chính quyền có chủ trương hạn chế xe cá nhân vào trung tâm trong khung giờ cao điểm để ưu tiên và tăng cường hoạt động cho các loại hình giao thông công cộng, trong đó có xe buýt.
Đi xe máy ở Việt Nam quá vất vả |
Trước đây, khi còn làm công tác ngoại giao nhân dân, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người nước ngoài. Một đối tác nữ người Singapore đến Tp HCM, sau khi làm việc với tôi ở cơ quan trên đường Lê Duẩn (Q.1), hỏi thăm tuyến xe buýt về nhà người thân ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cạnh bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) và tôi đã hướng dẫn chị đi xe buýt số 26.
Lần sau gặp lại, chị nói “Trên xe buýt chiều hôm đó còn nhiều chỗ trống, hành khách chủ yếu là sinh viên, nhưng thấy dưới đường lại quá đông xe máy và ôtô. Ngược lại, ở nước mình (Singapore), ra đường thấy phần lớn là xe buýt vào giờ cao điểm và hành khách có nhiều người làm ở nơi cố định như nhân viên văn phòng”.
Ở những nước phát triển, cũng có nhiều xe cá nhân mà nhất là ôtô, giá còn rẻ hơn ở nước ta nhưng nhiều người vẫn thích sử dụng phương tiện công cộng hay xe buýt.
Như một anh bạn người Pháp đến TP.HCM đã kể cho tôi nghe câu chuyện đi lại ở Paris: “Nhiều người là doanh nhân hay lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dù có sẵn xe cá nhân nhưng vẫn đi làm bằng xe buýt vì xem đây là phương tiện văn minh, an toàn, góp phần giảm kẹt xe cho thành phố”.
Anh còn nói vui rằng, “Ở Pari, người dân đi lại bằng phương tiện công cộng là chính, xa thì sử dụng tàu điện, gần thì đi xe buýt, người nghèo cũng có ôtô, người giàu cũng đi xe buýt”.
Tôi nghĩ rằng, bỏ xe máy, bỏ ôtô để đi xe buýt, không hề khó. Nhưng muốn vậy, đầu tiên, tư duy, quan niệm trong xã hội về việc sử dụng phương tiện cá nhân phải thay đổi. Cách mà người giàu đi xe buýt, người nghèo có ô tô cũng đi xe buýt ở các nước rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Rõ ràng, nếu ai trong chúng ta cũng có thói quen hạn chế xe cá nhân, đi lại nhiều bằng xe buýt, sẽ góp phần làm phương tiện này phát triển theo hướng văn minh và tốt hơn, hạn chế tai nạn trên đường phố, giảm kẹt xe và ô nhiễm môi trường.
Tất nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn những tồn tại rào cản cho người đi xe buýt như di chuyển khá chậm vào khung giờ cao điểm, tuyến xe chưa được phủ rộng khắp, hành khách đôi khi phải đi nhiều chuyến, vỉa hè nhiều nơi bị chiếm dụng nên gây khó cho người đi bộ...
Ngành giao thông sẽ cần phải khắc phục những nhược điểm này, tăng cường và nhân rộng mô hình xe buýt chất lượng cao. Cần đảm bảo thời gian giãn cách chuyến như thông tin công bố, đừng để hành khách chờ đợi quá lâu, tốt nhất nên có làn đường riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt.
Được vậy có lẽ nhiều người sẽ gạt bỏ tâm lý hoài nghi xe buýt chỉ dành cho người nghèo, thu nhập thấp, lớn tuổi, sinh viên, học sinh. Mà thay vào đó, xem xe buýt là phương tiện giao thông văn minh cho mọi đối tượng có nhu cầu vì sự thuận lợi, tiện ích, an toàn. Lúc đó, hành khách xe buýt sẽ tăng cao với những người đi làm, nhân viên văn phòng...
Khi đó, đề án "cấm xe máy, cấm ô tô của Hà Nội hay TP HCM cũng sẽ không gặp phải làn sóng phản ứng như hiện nay.
Bùi Thị Hồng Nhung (Công chức Sở Du lịch Tp HCM)
Trân trọng mời bạn đọc gửi tin bài tham gia Diễn đàn về email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Ba năm giã từ xe máy đi xe buýt, tôi an nhàn, khỏe khoắn hơn
Chúng tôi, những người bạn quen nhau trên xe bus thường nói đùa một câu "đã đi xe bus rồi thì không thể quay lại sử dụng xe máy nữa”, “đã quen đi bus rồi, nghĩ lại trước đây hàng ngày đi xe máy, mà sợ".