Tháp tùng Thủ tướng có: Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành.
Ngoài ra, tham gia chuyến công tác lần này còn có lãnh đạo nhiều địa phương đi theo sự phân công của Thủ tướng, như Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng và Chủ tịch các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Khánh Hòa…
Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản tại Tokyo diễn ra từ ngày 16-18/12. Đây là dịp đặc biệt quan trọng, vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên.
Dự kiến các lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản sẽ kiểm điểm lại quá trình hợp tác 50 năm qua, từ đó đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển quan hệ trong giai đoạn mới.
Hội nghị sẽ thông qua 2 văn kiện quan trọng gồm: “Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy”. Hai văn kiện này nhằm cụ thể hóa những kết quả trao đổi của các nhà lãnh đạo tại hội nghị.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính công tác đến Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Trước đó vào tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Hiroshima - Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.
Chuyến công tác đến Nhật Bản lần này của Thủ tướng có nhiều ý nghĩa quan trọng, diễn ra trong bối cảnh Việt Nam-Nhật Bản vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh tại châu Á và trên thế giới nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng 11 vừa qua.
ASEAN-Nhật Bản cũng chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện (CSP) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 tại Indonesia vào tháng 9/2023.
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của ASEAN
Sau 50 năm thiết lập quan hệ, ASEAN-Nhật Bản phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, cả về chính trị - an ninh, kinh tế lẫn văn hóa-xã hội. Hai bên đang tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch hành động (sửa đổi) thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN-Nhật Bản được thông qua năm 2017.
ASEAN-Nhật Bản hợp tác thông qua các cơ chế chính thức như Hội nghị Cấp cao, Bộ trưởng Ngoại giao, Quan chức cao cấp (SOM), Ủy ban hợp tác chung (JCC - cấp Đại sứ).
Nhật Bản cũng là đối tác tích cực tham gia các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như: Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và một số cơ chế chuyên ngành khác.
Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản trong 3 năm từ tháng 8/2018 - 8/2021.
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của ASEAN. Trong năm 2022, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đầu tư FDI đứng thứ 2 của ASEAN.
Hợp tác kinh tế đầu tư giữa hai bên được triển khai qua nhiều cơ chế/khuôn khổ khác nhau, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP).
Nhật Bản cũng là đối tác tích cực đóng góp cho triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
Ngoài ra, Nhật Bản có nhiều dự án hỗ trợ thực chất cho ASEAN trong các lĩnh vực văn hóa xã hội; là một trong những đối tác quan trọng hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và hội nhập khu vực thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN (JAIF).
Tháng 5/2019, ASEAN và Nhật Bản đã ký Hiệp định Hợp tác kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản (TCA) nhằm tạo điều kiện cho Nhật Bản hỗ trợ tốt hơn cho hợp tác phát triển cho toàn khu vực ASEAN.
Hai bên ủng hộ phối hợp duy trì đà hợp tác, nhất là tập trung kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm chuỗi cung ứng thương mại và đầu tư, thúc đẩy phục hồi.
Nhật Bản đã dành 50 triệu USD hỗ trợ ASEAN thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED), khẳng định tiếp tục hỗ trợ trung tâm này đi vào hoạt động bền vững.
Ngoài ra, đất nước mặt trời mọc đã hỗ trợ gói trang thiết bị y tế trị giá hơn 200 triệu USD song phương cho các nước ASEAN; đã hỗ trợ 16 triệu liều vắc xin cho các nước ASEAN trong tổng số 30 triệu liều cung cấp ra nước ngoài; dành 2,5 tỷ yên thiết lập kho lạnh bảo quản và vận chuyển vắc xin, hỗ trợ vật tư, công nghệ y tế, máy tạo o-xy cho nhiều nước ASEAN.
Trong thúc đẩy phục hồi toàn diện, hai bên nhất trí tăng cường thương mại và đầu tư, ủng hộ việc duy trì chuỗi cung ứng khu vực, đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế số, quản lý thiên tai, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh…
Nhật Bản tích cực hỗ trợ ASEAN triển khai Khung Phục hồi tổng thể với khoản cho vay trị giá 192 tỷ yên với lãi suất thấp nhất.
Các dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản- Năm 1973: ASEAN và Nhật Bản thiết lập quan hệ.
- Năm 1977: Quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản được chính thức hóa thông qua tổ chức Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản (tháng 3/1977), mở rộng các lĩnh vực hợp tác như phát triển công nghiệp, thương mại, lương thực và nông nghiệp. Cũng trong năm này, lần đầu tiên các lãnh đạo ASEAN có cuộc họp với lãnh đạo của các đối tác, trong đó có Nhật Bản (tháng 8/1977).
- Năm 2003: ASEAN-Nhật Bản nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược, thông qua “Tuyên bố Tokyo về quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản Năng động và Bền bỉ trong Thiên niên kỷ mới” và Kế hoạch hành động kèm theo triển khai Tuyên bố này.
- Năm 2004: Nhật Bản ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).
- Năm 2013: ASEAN-Nhật Bản thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn về quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN-Nhật Bản” và Kế hoạch hành động kèm theo triển khai Tuyên bố, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ.
- Năm 2023: ASEAN-Nhật Bản đã chính thức thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 tại Indonesia vào tháng 9/2023.