Tập thơ gồm 55 bài,ọihoànghônquotvànhữngmậtngữcủanhàthơHồMinhThôc2 cúp được sắp xếp trong 3 đề mục thơ: Phần I có tên Cạn - 23 bài, Phần II - Gọi hoàng hôn - 18 bài; Phần III - Những cánh chim lành - 14 bài. Tập thơ đa dạng đề tài như về quê hương, thân phận, tình yêu... và là tập thơ trữ tình, đáng đọc. Biểu tượng nghệ thuật trong Gọi hoàng hôn đa dạng. Thời gian mùa được chị sử dụng khá nhiều: Đầu mùa, mùa xuân, mùa hạ; các tháng trong năm; biểu tượng cỏ, hoa, màu sắc.... Trong sự đa dạng ấy, thơ về đề tài tình yêu trong Gọi hoàng hôn, xác tín căn cước thơ Hồ Minh Thông. Đề tài tình yêu từ cổ chí kim muôn người khai thác nhưng Hồ Minh Thông có cách lập ngôn riêng, bước đầu tạo được dấu ấn, phong cách khó lẫn. Mở đầu tập thơ Gọi hoàng hôncủa Hồ Minh Thông là bài thơ viết về một cuộc tình chưa trọn vẹn: "Nàng tặng tôi một đêm không cùng/ Khi tôi thấy vô biên của nước mắt" (Đêm vô thường). Sự dang dở ấy cho dù được giấu kín bằng một giọng thơ mềm mại, uyển chuyển nhưng với câu thơ "Nàng tặng tôi một đêm từ bi/ Khi tôi không vứt đi cánh hoa tàn vừa rụng" thì lập tức lộ ra một tâm hồn vị tha, nhân ái. Sự vô thường tiếp tục được đẩy lên "Khi tôi đỡ lấy chút hương thơm rơi xuống/ Rồi hứng giọt nghìn trùng/ Nàng chưng cất từ một đêm sương". Cuộc sống của con người vốn là một giấc mộng, thoáng vụt qua rồi lại biến mất vào hư vô. Sinh mạng con người cũng thế, muôn vật đều thế, mọi thứ sinh ra không thể đứng yên hoặc trường tồn mãi mãi. Tình yêu hẳn nhiên cũng vậy. Đêm vô thườnglà đêm không có thật, đêm của ý niệm. Việc nhà thơ Hồ Minh Thông cho "người thơ" của mình "chưng cất" sự thật tình yêu trong đêm ấy, chắc chỉ ra một kết quả huyễn hoặc, mơ hồ? Bài thơ có một câu trả lời "ẩn", tác giả để người đọc thơ tự ngẫm. Trong Gọi hoàng hôn, mọi thứ bắt đầu từ sự khao khát, nâng niu vẻ đẹp cho dù đó là vẻ đẹp mong manh bé nhỏ. Nó hướng con người đến sự cao cả, cái thiện, cái mỹ, bởi vậy mọi vật hiện lên tinh khiết nguyên khôi, không bị pha trộn đổi màu. Sự khao khát này được nhà thơ viết lên bằng hình ảnh mang vẻ đẹp trong sáng "Và sớm mai một giọt mưa trong vắt/ Rơi ướt lời người nói… có đôi khi…" và sự dùng dằng không nỡ chia xa trước bóng ngày tê tái, biền biệt trôi đi "Ai rót vào đáy mắt/Chút bóng chiều đang trôi/ Người đi ngày tê tái/ Môi tìm rót vào môi". Ở bài thơ Những khe hở của đêm, tác giả không ngần ngại bộc lộ thái độ dám chấp nhận, dám sống thật dù sự thật đó là niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau, không né tránh và không sợ hãi. Suy cho cùng cuộc đời không phải lúc nào cũng tràn đầy ánh sáng mà còn có cả bóng tối, có gian nan dâu bể, nhầm đường lạc lối , không toàn mỹ. Nhưng rồi mọi thứ sẽ qua, nên phải luôn tỉnh táo, lạc quan. "Em rơi vào những khe hở của đêm/rồi tưởng mình lạc vào đêm khác/con dế tự ru mình bằng câu hát/ một hạt sương buồn/tỉnh giấc giữa canh thâu" (Những khe hở của đêm). Sự lạc quan này nói chính xác là sự lạc quan của một tâm hồn hướng thiện, một ý thức luôn khát khao sống và yêu, nâng niu, chăm chút từng chút cho cái đẹp. Tinh thần lạc quan là một phẩm chất có khả năng thức tỉnh làm cho cái đẹp đẹp hơn, cuộc sống ý nghĩa hơn, cao quý hơn, tin hơn vào con đường đã chọn. Cùng với sự lạc quan là nỗi buồn, là thân phận kiếp người, của nỗi tuyệt vọng và thất vọng, nhưng vẫn thấy ánh sáng bật lên sự sống "Đầm lầy hoang vắng/ tiếng một con cá quẫy đuôi hoan lạc/ sự sống bắn lên từ những tia bùn/ Sự sống bắn ra từ nụ cười em/ma mị/ tôi từ đầm lầy cõi chết/ nâng một chú cá con/ nằm cô đơn thoi thóp đớp trăng tàn". Sự sống này là sự sống của niềm tin, của cảm giác, của trí tưởng tượng mà tác giả sáng tạo ra. Có thể nói, trong Gọi hoàng hôn, Hồ Minh Thông đã sống một đời sống đến tận cùng dâng hiến cho vẻ đẹp, cho thơ, cho cuộc đời. Hồ Minh Thông là nhà thơ có tâm hồn mong manh, run rẩy nhưng cũng đầy độ lượng. Trong sự soi chiếu của chị, vạn vật đều có tình yêu, khao khát, thổn thức về tình yêu, ngay cả cánh buồm. "Những cánh buồm hát về tình yêu/Khi gió thổi căng / Ngực nõn mềm phồn thực / Mơ giam cầm mắt người nơi ngực mềm tù ngục / Sau đêm lỡ làng / Người vội vàng bỏ lại cánh buồm / Đi hái mảnh sao rơi" (Những cánh buồm hát). Ngoài tình yêu, cánh buồm ấy phải chăng còn là biểu tượng cho những khát vọng mãnh liệt nhất của con người về tự do, về cái đẹp…? Đọc thơ Hồ Minh Thông ở mảng tình yêu, dễ nhận ra cảm xúc tưởng tượng của chị luôn có màu sắc từ cuộc sống; sâu xa hơn còn có nhiều khía cạnh khác, lớp lang khác. Đó chính là những thông điệp thơ. Có thể gọi đó là "mật ngữ Hồ Minh Thông". Chị luôn biết nói hộ lòng người, cả khát khao, rạo rực và cả khổ đau. Hay nói cách khác, trong thơ tình Hồ Minh Thông có vẻ đẹp của cả ngọt và đắng. Chị chân thành chia sẻ, an ủi với ai đó, trước hết là bạn đọc thích thơ tình Hồ Minh Thông. "Anh từng nói về một điều tiếc nuối/ Khi năm xưa quên nhặt sắc cầu vồng/ Cơn mưa làm đẫm ướt cả ngóng trông/ Những hạt nước khóc vùi trong lòng cát (Mưa biển). Ngôn ngữ tình yêu trong thơ vốn "phi giới tính". Đọc mảng thơ tình yêu của Hồ Minh Thông, dễ nhận ra thơ xác tính "thiên tính nữ" nổi bật, đây cũng là một phần của tiếng nói nữ quyền mà chị tham gia trong sáng tác của mình. Ngoài đời, Hồ Minh Thông mỏng mảnh, sương khói nên không có gì ngạc nhiên khi thơ tình yêu của chị đầy tinh tế, cất lên từ cảm xúc đã ngập tràn, từ giấc mơ đã đầy lên trong tâm hồn nhà thơ. "Em gấp gáp cơn mưa hữu hạn/chạm biển anh vô tận muôn trùng /Biển còn nhớ/ Cơn mưa chiều trống rỗng/ Cuốn về phía cầu vồng/ Muôn sắc thinh không" (Mưa biển). Nếu như thơ là những giấc mơ, là lời giải về những giấc mơ đó thì Hồ Minh Thông là nhà thơ giàu có giấc mơ về tình yêu. Chị đã và đang tìm "từ khóa" của tình yêu. Tuy nhiên, theo chủ quan của tôi, chị đang trong quá trình "giải mã" về nó. Tâm hồn thơ của Hồ Minh Thông đầy những "ăng ten" cảm xúc. Chị luôn run rẩy, bất ngờ và ngạc nhiên: "Bất ngờ hoa ứa mật /Gọi ong bướm ghé qua / Bất ngờ trước hiên nhà / Bóng một người đang đợi" (Xuân bất ngờ)... Hồ Minh Thông vốn là giáo viên Trường chuyên Lê Văn Thiêm (Hà Tĩnh), Hội viên chuyên ngành Thơ, Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh. Hiện nay chị là Chánh Văn phòng Hội, kiêm biên tập viên thơ của Tạp chí Hồng Lĩnh. Chị bộc lộ năng khiếu văn chương từ sớm và từng sáng tác thơ từ những ngày còn học phổ thông. Gia tài văn học của nhà thơ Hồ Minh Thông đến nay đã có: Những cánh rêu, (NXB Văn học, năm 2007); Miền tĩnh lặng dịu dàng (NXB Văn học, năm 2013); Mùa về trên ngói (NXB Văn học, năm 2014); Đêm trở dạ (NXB Văn học, năm 2019); Ngồi tựa vào trăng (NXB Văn học, năm 2020). Chị cũng đã gặt hái được một số giải thưởng như: Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc năm 2021; Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ V, VI, VII. Về sáng tác, chị chia sẻ: "Với tôi, thơ là hành trình gom nhặt và khám phá vẻ đẹp của cuộc đời, đặc biệt khi vẻ đẹp đó ẩn khuất sau những nỗi buồn, nỗi đơn độc mang tên thân phận con người. Tôi nhặt nhạnh những mảnh vỡ trong tâm hồn mình để tái tạo nên những gì nguyên lành và thánh thiện trong tác phẩm. Thơ với tôi là chốn trụ ngụ linh thiêng và đẹp đẽ, là "cuộc đuổi bắt" đầy thăng hoa, hấp dẫn với những ma lực của ngôn từ…". Hồ Minh Thông là nhà thơ giàu lòng trắc ẩn, hướng thiện, hướng tới cộng đồng. Gần như có một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Năm 2020, khi chị xuất bản tập thơ Ngồi tựa vào trăng, các tỉnh Bắc miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh xảy ra lũ lụt. Trong lễ ra mắt, nhà thơ Hồ Minh Thông đã dành toàn bộ số tiền 20 triệu đồng thu về từ việc bán tập thơ mới để trao tặng quà cho 10 em học sinh nghèo vùng lũ trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2024 này, Gọi hoàng hôncủa Hồ Minh Thông khi vào nhà in, chuẩn bị chạy máy thì cơn bão số 3 Yagi ập đến, gây hậu quả nặng nề với các tỉnh phía Bắc. Chị trăn trở với tất cả thánh thiện, ước muốn góp phần vào những điều đẹp đẽ.