"Mấy chục năm lăn lộn khắp mọi miền đất nước, bề ngoài đã tàn tạ. Chỉ có một cái tôi tin không thay đổi, đó là lòng yêu nghề". |
- “Bí thư tỉnh ủy” là lần đầu tiên phim truyền hình Việt Nam đưa một nhân vật chính luận lên màn ảnh. Ông gặp khó khăn gì đảm nhận vai chính trong phim?
- Bí thư Hoàng Kim lấy nguyên mẫu từ bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc - lá cờ đầu trong việc phát triển nền nông nghiệp đất nước, từ chỗ thiếu đói trầm trọng tới mức xuất khẩu đứng thứ hai thế giới. Ông là người rất nổi tiếng, được mọi người yêu quý, vì thế mỗi người đều có hình ảnh riêng về ông trong lòng. Người diễn viên phải làm thế nào để cái mình thể hiện trở thành cái chung của mọi người. Hơn nữa, tầm nhân vật của ông rất lớn, nếu chúng ta làm không tới sẽ rất đáng tiếc. May mắn là nhiều người thân, bạn bè ông còn sống nên tôi có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời một con người công lớn và có những lúc tưởng như có tội.
Bản thân tôi sinh trưởng ở Hà Nội nên việc cầm cầy cuốc không đơn giản. Cũng may lứa chúng tôi lớn lên trong những năm tháng chiến tranh, khi sơ tán tham gia gặt, đập lúa nên việc nhà nông không quá xa lạ.
- Người Tràng An có phong cách thanh thoát, nhàn tản nhưng bản thân ông thường vào những vai trắc trở, nhiều tâm trạng. Vì sao vậy?
- Nếu nhìn tôi bên ngoài chắc không ai nghĩ tôi giống nhân vật của mình. Ở nhà tôi xung quanh tiếng cu gáy, tôi lại có một mảnh vườn nhỏ ở Thạch Thất - Hà Tây. Những lúc làm phim xong, tôi về đó nghỉ ngơi, chơi với chó, mèo, gà, vào vườn chăm sóc hoa, ra ao xem cá thả - cái thú điền viên kiểu người ưa nhàn tản. Tôi xuất thân làm nghề dạy học, phong thái chậm, nói năng cũng vừa phải, không quyết liệt như những nhân vật của tôi. Nhưng lúc diễn, tôi không còn là tôi nữa. Khi đóng Năm Sài Gòn trong Bỉ vỏ, tôi phải thể hiện ra chất một tay anh chị nhưng khi hóa thân một đảng viên cộng sản trung kiên, tôi phải sáng tạo cho mình một thần thái, cốt cách cao quý. Bí thư Kim Ngọc xuất thân từ bần cố nông, ít được học, kiến thức đều thu lượm từ nhân dân nhưng có một tầm nhìn vượt thời gian. Tôi không bao giờ dám mơ tưởng mình sẽ thể hiện một cách trọn vẹn nhưng tôi hy vọng tải được phần nào cái hồn, cái thần của ông Kim Ngọc.
-Cả năm trời theo đoàn phim “Bí thư tỉnh ủy”, điều gì khiến ông ghi nhớ?
- Chưa bao giờ tôi đến một vùng đất nào mà nhân dân lại yêu nhân vật trong phim đến thế. Kim Ngọc chính là bí thư của họ và ông là người để lại cho họ nhiều tình cảm trân trọng. Ở đâu mọi người cũng hỏi, ai là người đóng ông Kim Ngọc, rồi nhìn ngắm, đánh giá xem tôi có phù hợp với vai không. Cảm động nhất là lần tôi quay cảnh bí thư về họp với nhân dân, một số bà lão kéo lên chùa xem rồi khóc. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Cảnh chúng cháu quay không có gì xúc động, sao các bà lại khóc?”, các cụ trả lời: “Tôi xem các anh làm, tôi thấy nhớ và thương ông Kim Ngọc quá”. Về sau tôi mới biết, tám bà cụ là những cán bộ trẻ thời ông Kim Ngọc, đã trực tiếp thực hiện việc khoán hộ của ông, chứng kiến cảnh ông bị khiển trách.
NSƯT Lan Hương (trái) vào vai vợ bí thư Hoàng Kim. |
- Bốn mươi năm sự nghiệp, kinh qua rất nhiều dạng vai, ông ấn tượng nhất với những vai diễn nào?
- Tại khu vườn của mình, tôi có treo hình những bộ phim tôi thích từ hàng chục phim nhựa và hàng trăm phim truyền hình. Thứ nhất là phim đầu tay Bài ca ra trận, thứ hai là Bỉ vỏ- phim video đầu tiên của Việt Nam, tôi vào vai Năm Sài Gòn. Sau nữa là bộ phim năm 2000 - Mê Thảo thời vang bóng. Phim truyền hình, tôi ưng ý với Mùa lá rụng, Chạy ánvà bây giờ là Bí thư tỉnh ủy. Đó là những mốc dấu mà sau này khi không thể làm gì nữa, tôi sẽ nghĩ đến nó.
- Một diễn viên nổi tiếng như ông tại sao không khuyến khích con trai Lê Vũ Long đi tiếp với nghề diễn khi anh ấy đã có những vai rất ấn tượng?
- Gia đình nhà tôi lạ lắm, từ ông tôi, mẹ tôi, anh em tôi đến các con tôi đều làm nghệ thuật, nhưng mỗi người chọn cho mình một con đường riêng. Ông tôi bên tuồng, mẹ tôi là diễn viên kịch nói, dì là diễn viên ca múa, tôi làm điện ảnh, các em bên sân khấu, con trai và con dâu làm diễn viên ballet. Điều đặc biệt là tất cả đều từng tham gia đóng phim. Chúng tôi coi mảng đó là mảng tụ họp gia đình.
Các đạo diễn nhiều lần gặp tôi bày tỏ ý muốn Vũ Long tiếp tục đóng phim nhưng con tôi có sự nghiệp riêng. Năm nay Long cũng gần 40 tuổi và có những thành công ở nghề múa. Tôi tôn trọng quyết định của con. Có những phim nhựa mời nhưng Long không tham gia vì đưa đoàn múa đi lưu diễn. Được cái này mất cái khác, nhưng tôi rất muốn con trai theo nghề diễn.
- Vũ Long từng nói, nghề múa và nghề diễn đều không đủ đảm bảo thu nhập, khiến đời sống người nghệ sĩ bấp bênh. Đứng từ góc độ người có cả gia đình theo nghệ thuật, ông nghĩ sao về câu: “Cơm áo không đùa với khách thơ”?
- Cái đó là rõ ràng. Ngay như tôi đây, bây giờ đã về hưu, xem lại quá trình mình sống cũng phải thừa nhận, không sống được bằng tiền làm nghệ thuật. Bố con tôi yên tâm làm nghệ thuật đến ngày hôm nay đều nhờ hậu phương đằng sau. Hậu phương ấy lo chuyện kinh tế, ổn định chuyện gia đình. Nếu không có vợ tôi, không có cửa hàng cắt tóc con con dưới nhà, không có công việc đầu tắt mặt tối của cô ấy, chắc cha con tôi không thể làm gì được.
Dũng Nhi cho rằng, vai diễn trong "Bí thư tỉnh ủy" có thể xem là một mốc của cuộc đời ông. |
- Người phụ nữ đứng sau ông chăm lo mọi việc để ông có thể đi theo đoàn phim cả năm trời. Ông tạo niềm tin thế nào cho vợ?
- Vợ tôi cũng từng đóng phim, từng đi cùng với tôi trong các đoàn phim và những cảnh tôi đóng, kể cả những cảnh yêu đương, cô ấy chứng kiến ngay ở trường quay nên rất hiểu nghề tôi làm. Cho nên vợ tôi coi nghề của tôi không phải công cuộc trăng hoa mà là lao động thực sự. Chính vì thế những chuyện ghen tuông theo kiểu người đời hay tưởng tượng không bao giờ có ở gia đình này. Huống hồ, bản thân tôi từng là một giáo viên. Tạng nhà giáo không cho phép tôi có những chuyện động trời giống các “nghệ sĩ nhớn” khác. Tôi vẫn luôn quan niệm mình là diễn viên nghiệp dư và tôi chỉ làm công việc yêu thích của mình chứ không dùng nó làm phương tiện cho những mục đích mờ ám khác.
- Ngày xưa, điều gì khiến ông chuyển từ nghề giáo sang nghề diễn?
- Tôi là sinh viên Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Có lần tôi tiễn mẹ đi công tác (mẹ tôi là diễn viên đoàn kịch Trung ương), phó đạo diễn đoàn phim Bài ca ra trậnđang tuyển diễn viên gặp tôi và quyết định mời tôi đóng vai Lê Mã Lương. Lúc ấy, tôi có quyết định nhập ngũ, đoàn phim lên can thiệp nhưng các anh bên quân đội trả lời: “Cứ để cho cậu ấy đi. Chúng tôi cần những Lê Mã Lương thật ngoài mặt trận chứ chưa cần Lê Mã Lương trên màn ảnh”. Năm 1973 ký hiệp định Paris, hai anh tôi đã hy sinh, gia đình tôi trong diện chính sách nên tôi được phân công trở lại trường. Khi đó, bộ phim vẫn chưa khởi quay, đoàn đã tìm được một người đóng vai Lê Mã Lương nhưng cuối cùng mọi người lại quyết định giao vai ấy cho tôi.
Sau đó tôi vừa đi dạy, vừa tiếp tục tham gia làm phim như Sao tháng Tám, Từ một cánh rừng, Dòng sông Lam… Mỗi ngày tôi lao động khoảng 16 tiếng. Năm 1979, tôi dạy trường Lê Ngọc Hân, đang lo phần giáo án cải cách chương trình 12 năm, công việc rất nặng. Phòng giáo dục đặt vấn đề: hoặc ở lại với nghề giáo, hoặc chuyển hẳn sang làm phim vì sức con người khó có thể kham được nhiều thứ. Thế là tôi chuyển về Hãng phim truyện Việt Nam. Công việc của tôi bắt đầu với thư ký đạo diễn - cấp bậc thấp nhất, đứng sau trợ lý và phó đạo diễn. Nhiều người hỏi tôi, đã làm nhiều phim, sao không xin thẳng là đạo diễn? Thực ra tôi yêu nghề này và muốn theo đuổi nó chứ tôi không ham chức danh. Tôi muốn đi lên từ đầu, bởi người học được nhiều nhất từ đạo diễn chính là thư ký.
- Phải chăng vì không ham chức danh nên đến giờ ông vẫn chỉ là diễn viên Dũng Nhi?
- Tôi ở bên đạo diễn nhưng nếu xét công việc đạo diễn thì tôi không có tác phẩm. Cho đến tận cuối đời, tôi vẫn là phó, dù có những phim tôi làm tất. Vì thế, tác phẩm đó không phải của tôi - không ai phong danh hiệu cho người thứ hai, đó cũng là lẽ thường. Tôi đi bộ đội về nhưng tôi không tham gia được Hội cựu chiến binh vì tôi không có thời gian. Tôi là giáo viên nhưng không ở Hội cựu giáo chức. Tôi đóng phim mà không hề ở Hội điện ảnh. Có lần tôi viết đơn gia nhập Hội điện ảnh, người ta bảo hãy cố gắng phấn đấu nữa, nhưng tôi đã phấn đấu đến tận lúc về hưu vẫn không ai nói năng gì. Nhiều người bảo tôi sao không viết lý lịch nghệ thuật của mình để xin phong tặng nghệ sĩ ưu tú, tôi nghĩ cơ chế “xin - cho” chúng ta đang phấn đấu bỏ, tại sao giờ lại đi xin. Ai xứng đáng gì thì trao cho người ta chứ.
"Bí thư tỉnh ủy" kể lại câu chuyện khoán hộ, khoán chui ở tỉnh Vĩnh Phúc dựa theo nguyên mẫu cố bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc. Phim lên sóng trên VTV1 từ ngày 27/9, lúc 21h10 thứ hai, tư, sáu hàng tuần. Kịch bản: Vân Thảo |
Ngọc Trầnthực hiện
Ảnh: VFC