Chiều hôm đó nắng đẹp. Khi tôi đến,êuxiêuThanhTùkqbd u19 y ông - mặc chiếc quần màu xám, sơ-mi đen trắng cộc tay, đi đôi giày lười màu xám, đội chiếc mũ fedora - đã ngồi chờ sẵn. Trên tay ông ôm chiếc cặp da màu đen. Tôi hỏi có gì trong chiếc cặp, ông lắc đầu, ngọng nghịu bảo "Khô... ng". "Vậy ông ôm cho đẹp thôi phải không?", ông gật rồi cười khẽ. Con dâu nhạc sĩ kể, nghe có khách đến nhà, ông tự chọn trang phục và phụ kiện như thế, để bảnh bao đón tiếp.
Tôi ngồi hỏi chuyện nhạc sĩ trong khoảng sân vườn nhỏ xinh nối liền với phòng ngủ của ông. Khoảng vườn nhỏ nhưng có hoa và cây xanh, lưa thưa nắng, tràn ngập tiếng chim. Thi thoảng ông đưa những ngón tay gầy và dài chỉ trỏ những con chim đủ màu trong mươi cái lồng lủng lẳng trước sân. Ông muốn kể nhiều về chúng, nói nhiều về giàn hoa leo nhưng khó quá, chỉ còn có thể ê a như trẻ lên ba tập nói. Nếu ông nói được nhiều, có lẽ tôi sẽ bị cuốn vào những câu chuyện. Nhưng vì ông không nói được, trong khoảng lặng đó, tôi thấy vang lên những giai điệu quen thuộc: “Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi. Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi. Giọt nắng bâng khuâng. Giọt nắng rơi rơi bên thềm”.
Biệt thự gia đình ông ở nằm trong một khu đô thị thuộc hàng cao cấp nhất thủ đô. Thanh Tùng là một trong số ít nhạc sĩ không cam chịu sống nghèo sống khổ. Ông sống phong lưu, vương giả từ lâu bằng việc kinh doanh. Thậm chí, khi đã ngồi xe lăn, nói năng bập bẹ, ông vẫn chỉ đường đi nước bước trong công việc của các con. Nhưng Thanh Tùng không kinh doanh âm nhạc, ông từng nói: “Nghệ thuật là thứ để thưởng thức”.
Cuộc trò chuyện với ông củng cố thêm trong tôi niềm tin rằng, nghệ thuật là thứ để thưởng thức, được làm ra bởi những nghệ sĩ tài năng. Ông là người nghệ sĩ tài năng như thế. Âm nhạc của Thanh Tùng xuất hiện vào khoảng thập niên 1980, khi ông trở về từ khóa học nhạc ở Triều Tiên. Nhạc ông mới và khác hẳn so với âm nhạc lúc bấy giờ. Không tuyên truyền, không phục vụ chính trị, ca khúc của ông có giai điệu biến hóa, chất nhạc hiện đại, ca từ đẹp, buồn và trong sáng. Những bài hát đó là những gì tuổi trẻ muốn cất lên. Thanh Tùng và hơn 30 bản tình ca của ông đã góp phần định hình hai thập kỷ sôi động trong đời sống âm nhạc Việt Nam.
Nhưng chỉ bằng tài năng, tôi không dám chắc những ca khúc Thanh Tùng có thể đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng và đơn giản như thế. Mỗi giai điệu ông viết ra, ai cũng thấy thân quen, thấy một chút bản thân, một chút nỗi lòng mình trong đó: không u uẩn, không bế tắc mà lạc quan, mà trong trẻo. Tôi nghĩ bởi, ông sống sâu, yêu cuộc đời và con người, yêu từng cây hoa, cái lá hay đứa trẻ thơ quanh mình.
Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, ông không nhớ gì về những ca khúc mình sáng tác. Nhưng khi nhắc đến Một mình- bài hát viết cho người vợ quá cố - chừng như ông còn nhiều cảm xúc. Thanh Tùng lấy tay trái di di trên bàn, cố đánh vần năm ông sáng tác. Hỏi có nhớ bà không, ông gật... Và khi tôi hỏi trong nhà ông thương ai nhất, nhạc sĩ Thanh Tùng lấy hết sức nói gần tròn vành rõ chữ: "Bà".
Thanh Tùng, lúc nào cũng vậy, sống thực thà với những cảm xúc của chính mình. Ông từng thừa nhận mình yêu, mình hư khi vợ còn sống và cũng xót xa thừa nhận rằng mình cô đơn, rằng "trái tim mình mong manh", luôn cần sự chở che của người bạn đời bên cạnh. Con người tài năng dám làm giàu, dám sống hết mình, dám chân thật với từng cảm xúc của bản thân đã tạo nên những thứ không chỉ có giá trị nhất thời.
Khi tôi hiểu vì sao nhạc của Thanh Tùng đi vào lòng người, tôi cũng hiểu vì sao người ta bây giờ chán nản với thứ nhạc thị trường dễ dãi. Bởi nếu mỗi sự nghiệp sáng tác là một con đường thì trên con đường ấy phải in đậm bóng dáng người nghệ sĩ. Và với Thanh Tùng, cái bóng đó có lẽ là “liêu xiêu”.
Vì vậy, không phải ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ và không phải cái gì lao xao vần điệu cũng được gọi là âm nhạc.
Hoàng Anh
Trở lại Góc nhìnTrở lại Góc nhìn(责任编辑:Ngoại Hạng Anh)