Như đã thông tin,ịtreođơnnghỉviênchứcViệnYdượchọcdântộcTPHCMphảiquotngậmđắket qua bong rô thời gian qua Báo Dân trínhận được phản ánh của nhiều nhân viên y tế về các vấn đề tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, như bị "treo" đơn xin nghỉ việc kéo dài, bị thu phí xác nhận thời gian thực hành dù là nhân viên cống hiến cho đơn vị nhiều năm, phải trả lại nhiều khoản được gọi là "tạm ứng thu nhập tăng thêm" mới được giải quyết cho nghỉ việc…
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã có buổi làm việc liên quan đến nội dung giải quyết đơn thôi việc cho chị N.B., nhân vật trong bài viết "Sống lao đao vì 2 năm bị Viện Y dược học dân tộc TPHCM treo đơn xin nghỉ"báoDân tríđăng tải ngày 30/9. Buổi làm việc có sự tham dự của hai thanh tra viên là ông T.M.Đ và ông L.P.T.
Hết thời hiệu khiếu nại?
Theo biên bản làm việc ngày 8/10, Thanh tra Sở Y tế TPHCM thông tin lại nội dung đơn khiếu nại của chị N.B., gửi ngày 16/9. Theo đó, chị B. là nhân viên Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, trong giai đoạn 2018-2022.
Ngày 1/12/2021, chị nộp đơn xin nghỉ việc vì nhà neo đơn, không người chăm sóc mẹ già trên 70 tuổi và báo cáo thôi việc từ ngày 15/1/2022 (45 ngày theo Luật Lao động). Ngày 7/12/2021, Viện Y dược học dân tộc TPHCM có văn bản phản hồi về việc chưa bố trí được người thay thế, chưa chấp nhận cho thôi việc.
Sự việc kéo dài đến ngày 10/6 nhưng chưa được giải quyết, chị B. đã gửi đơn khiếu nại lần 1 đến Viện Y dược học dân tộc TPHCM. Sau đó, chị tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Y tế để được bảo vệ quyền lợi.
Chị N.B. cho biết, buổi làm việc ngày 8/10 diễn ra trong không khí cởi mở, rõ ràng. Chị B. được trao đổi trực tiếp với Thanh tra Sở Y tế, nêu việc đã gửi đơn khiếu nại lần 1 đến Viện Y dược học dân tộc TPHCM vào tháng 6, nhưng không nhận được phản hồi. Hơn 30 ngày không được giải quyết, đến ngày 1/8, nữ nhân viên y tế gửi đơn khiếu nại lần 2 đến Viện Y dược học dân tộc TPHCM, sau đó mới tiếp tục gửi đơn đến Sở Y tế.
Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho chị B. biết, hiện pháp luật Việt Nam có 3 dạng đơn, gồm: Đơn khiếu nại (theo Luật Khiếu nại 2011), đơn tố cáo (theo Luật Tố cáo 2018) và đơn phản ánh, kiến nghị (theo Luật Tiếp công dân 2013). Theo nội dung biên bản làm việc, Thanh tra Sở Y tế đề nghị chị B. xác định lại đơn gửi có đúng mục đích khiếu nại hay không.
Nữ nhân viên y tế đã chia sẻ, hiện Viện Y dược học dân tộc TPHCM chỉ cho biết sẽ đề xuất kỷ luật chị bằng hình thức buộc thôi việc, thể hiện trong các biên bản chị đã gửi cho Thanh tra Sở Y tế. Mốc thời gian Viện Y dược học dân tộc TPHCM không chấp nhận giải quyết đơn nghỉ việc là từ ngày 14/1/2022.
Lúc này, theo chị B., đại diện Thanh tra Sở Y tế đã giải thích từ mốc thời gian nêu trên đến ngày chị gửi đơn khiếu nại lên Sở Y tế là hơn 2 năm 9 tháng, hết thời hiệu khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại (90 ngày).
Chị B. tiếp tục chia sẻ, tại buổi làm việc vào tháng 3, Viện Y dược học dân tộc TPHCM yêu cầu chị đến làm việc thêm một thời gian, để nơi này giải quyết đơn xin nghỉ từ thời điểm quay lại làm việc nêu trên. Lúc này, chị B. đề cập việc sẵn sàng viết đơn xin nghỉ việc không hưởng lương để được giải quyết ngay, vì hoàn cảnh thực tế không thể trở lại làm việc, nhưng phía Viện Y dược học dân tộc TPHCM không chấp nhận.
Cũng qua tường thuật của chị B., trong buổi gặp mặt, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phân tích, chị B. là viên chức, khác với người lao động, nên Viện Y dược học dân tộc TPHCM áp dụng xử lý đơn nghỉ việc theo Luật Viên chức (thay vì theo Luật Lao động). Viện Y dược học dân tộc TPHCM tiến tới thi hành quy trình kỷ luật vì nhiều lần yêu cầu chị B. quay trở lại vị trí làm việc, nhưng nữ nhân viên không chấp hành.
"Thanh tra Sở Y tế TPHCM nói rằng, tôi là viên chức, dù được quyền nộp đơn xin nghỉ việc vẫn phải do thủ trưởng đơn vị xem xét, sau đó ra văn bản phản hồi có chấp nhận giải quyết thôi việc hay phải chờ sắp xếp, bố trí công việc. Nghĩa là thời gian để được quyết định cho nghỉ việc có thể nhiều hoặc ít hơn con số 45 ngày từ lúc xin nghỉ (theo Luật Lao động), tùy tình hình ở Viện, thuộc thẩm quyền xem xét của Viện trưởng, người đứng đầu cơ quan.
Thanh tra Sở Y tế nói tôi là viên chức phải thực hiện đúng quy định, khác với người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Nếu không chấp hành thì thủ trưởng cơ quan có thể xem xét kỷ luật", chị B. thuật lại.
Đúng nhưng chưa đủ?
Kể thêm buổi làm việc ngày 8/10, chị B. nói đã đề cập với Thanh tra Sở Y tế về việc Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã bãi bỏ những quy định xử lý kỷ luật viên chức tự ý nghỉ việc bằng các hình thức cụ thể là khiển trách, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc ở nghị định trước đó. Vậy hiện nay, không còn quy định cụ thể về hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng.
Thanh tra Sở Y tế đã trả lời chị B., rằng điều này đúng nhưng chưa đủ, vì Nghị định 112 không nêu rõ các hình thức kỷ luật, nhưng không có nghĩa rằng viên chức sẽ không bị kỷ luật. Theo chị B., Thanh tra Sở Y tế TPHCM nói với chị rằng, theo quy định hiện tại, viên chức muốn nghỉ việc phải phụ thuộc vào quyết định lãnh đạo đơn vị, nhưng không có quy định mốc thời gian cụ thể xem xét giải quyết đơn xin nghỉ việc.
Nữ nhân viên y tế cho rằng, nếu không có quy định rõ ràng thời gian giải quyết thôi việc sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của viên chức, người lao động. Ngoài ra, chị có lý do nghỉ việc chính đáng, khi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bất khả kháng, không thể đi làm, và có các giấy tờ xác nhận.
Chị B. tiếp tục được Thanh tra Sở Y tế chia sẻ việc pháp luật vẫn có Luật Khiếu nại để người lao động khiếu nại, để đảm bảo quyền lợi. Ngoài ra, nếu chứng minh, trình bày được lý do chính đáng, chị B. có thể được hội đồng kỷ luật của Viện Y dược học dân tộc TPHCM xem xét không kỷ luật. Trường hợp không đồng ý với quyết định kỷ luật (nếu có), nhân viên y tế có quyền khiếu nại.
Chị B. có thắc mắc thêm, nếu chưa được giải quyết nghỉ việc thì chị vẫn còn là viên chức, vì sao khi sinh con không được Viện Y dược học dân tộc TPHCM hỗ trợ hưởng chế độ thai sản?
"Phía Thanh tra Sở Y tế TPHCM nói, họ chỉ có nhiệm vụ xử lý và giải quyết đơn thư. Những công tác về tổ chức, chế độ thai sản, nếu tôi có thắc mắc cần gửi phản ánh, kiến nghị đến nơi có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết. Nếu Viện Y dược học dân tộc TPHCM thừa nhận sai, viên chức có thể đưa ra các yêu cầu như xin lỗi, bồi thường…", chị B. kể lại nội dung Thanh tra Sở Y tế TPHCM trả lời.
Ngày 12/10, lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế TPHCM xác nhận với phóng viên Dân trí, cơ quan này đã mời chị N.B. lên làm việc vào ngày 8/10, trong buổi họp đã hướng dẫn chi tiết cho nữ viên chức trên các thủ tục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Nếu chị B. vẫn cần hỗ trợ, Thanh tra Sở Y tế TPHCM có thể tổ chức thêm buổi tiếp dân để trao đổi cho chị lần nữa.
Liên quan đến các vấn đề bất cập tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM do báo Dân tríphản ánh, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết vẫn đang trong quá trình thanh tra, làm rõ.
Như Dân trí đã thông tin, ngày 1/12/2021, chị N.B. nộp đơn xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình, báo cáo với Viện Y dược học dân tộc TPHCM sẽ thôi làm việc từ ngày 15/1/2022 (tức đúng 45 ngày sau khi nộp đơn theo Luật Lao động). Sau đó, Viện Y dược học dân tộc TPHCM viện dẫn "do yêu cầu công tác, chưa bố trí được người thay thế" và do viên chức "tự ý nghỉ việc", nên đơn xin nghỉ việc của chị B. không được giải quyết.
Sau hơn 2 năm bị "treo" đơn, cuộc sống gia đình nữ nhân viên y tế lao đao vì không xin được việc mới, không nhận được các khoản hỗ trợ thai sản khi sinh con, không được đóng bảo hiểm từ năm 2022.
Tương tự, chị M.T. cũng không được Viện Y dược học dân tộc TPHCM giải quyết nguyện vọng xin nghỉ việc từ đầu năm 2023 đến năm 2024, dù liên tục trình bày hoàn cảnh khó khăn. Hậu quả, nhiều tháng qua chị không có việc mới, cuộc sống và kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nặng.