Trước việc Viện Y dược học dân tộc TPHCM "treo" đơn xin nghỉ của viên chức hơn 2 năm; thu phí xác nhận thực hành dù là nhân viên cống hiến cho đơn vị nhiều năm; đòi lại nhiều khoản được gọi là "tạm ứng thu nhập tăng thêm" mới giải quyết cho nghỉ việc; Công đoàn ngành Y tế (Sở Y tế TPHCM) cho biết,ôngđoànYtếsẽbảovệquyềnlợiviênchứcViệnYdượchọcdântộkq swansea đơn vị sẽ vào cuộc, làm rõ vấn đề để bảo vệ quyền lợi người lao động khi Công đoàn cơ sở Viện Y dược học dân tộc TPHCM không giải quyết được vụ việc.
Xử lý đúng quy định
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Đăng Công Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế TPHCM, cho biết, đơn vị đã nắm được các trường hợp viên chức ở Viện Y dược học dân tộc TPHCM bị "treo" đơn xin nghỉ việc. Với các trường hợp này, Công đoàn ngành Y tế đã gửi nội dung đến Công đoàn cơ sở Viện Y dược học dân tộc TPHCM, để trao đổi với các bên liên quan, xử lý theo đúng quy định. Đơn vị đang đợi báo cáo từ cấp dưới về vụ việc.
Theo ông Trần Đăng Công Nghĩa, khi công đoàn cơ sở không giải quyết được vụ việc và có đơn thư, Công đoàn ngành Y tế TPHCM sẽ vào cuộc, làm rõ vấn đề để bảo vệ quyền lợi người lao động. "Chúng tôi đang đợi báo cáo từ công đoàn cơ sở. Nếu cấp dưới giải quyết không ổn thỏa, cấp trên sẽ tham gia để giải quyết cho ổn. Đồng thời, chúng tôi báo cáo thông tin vụ việc này lên Đảng ủy Sở Y tế TPHCM", Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế TPHCM nói.
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế TPHCM, vụ việc xảy ra vừa qua tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM là do cách giải quyết giữa các bên không ổn thỏa nên xảy ra tranh chấp, bức xúc giữa viên chức với cơ sở y tế.
"Thời gian tới, mọi việc cần được giải quyết êm đẹp; nếu không, Công đoàn ngành Y tế sẽ vào cuộc trên tinh thần bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động", ông Trần Đăng Công Nghĩa nói thêm.
Bên cạnh đó, một lãnh đạo cơ quan công đoàn ở TPHCM cho biết, khi nhân viên, viên chức xảy ra tranh chấp với cơ quan đang làm việc, công đoàn cần vào cuộc làm rõ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Việc này thực hiện theo quy trình, từ công đoàn cấp cơ sở đến công đoàn cấp cao hơn… thậm chí là công đoàn cấp thành phố.
Theo vị này, trước tiên, viên chức gửi đơn khiếu nại đến công đoàn cơ sở đang công tác. Cơ quan này xác định đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của công đoàn hay chính quyền. Thẩm quyền công đoàn thì công đoàn giải quyết; có yếu tố chính quyền thì công đoàn sẽ có ý kiến, yêu cầu chính quyền giải quyết, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Khi công đoàn cơ sở không giải quyết được (với nội dung thuộc thẩm quyền của công đoàn cơ sở), vụ việc được chuyển lên công đoàn cấp trên. Công đoàn cấp trên sẽ yêu cầu công đoàn cơ sở báo cáo lại nội dung vụ việc đã giải quyết đến đâu.
Vấn đề nào đã được giải quyết thỏa đáng, công đoàn cấp cao hơn sẽ không giải quyết lại. Nội dung nào còn thắc mắc, giải quyết không thỏa đáng, công đoàn cấp trên tiếp tục giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.
"Khi công đoàn các cấp không giải quyết được, vụ việc được chuyển lên công đoàn thành phố xem xét, xử lý", vị này nói thêm.
Có dấu hiệu vi phạm trong công tác tổ chức nhân sự
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, theo Khoản 4, 5 và 6, Điều 29 Luật Viên chức 2010, viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày. Trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục, phải báo trước ít nhất 3 ngày.
Viên chức làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp, như: Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được đảm bảo các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc.
Ngoài ra, nhân viên không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc, bị ngược đãi, cưỡng bức lao động, bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn, không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, nữ viên chức có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh, viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 3 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục, có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, Viện Y dược học dân tộc TPHCM được quyền căn cứ vào "do yêu cầu công tác, chưa bố trí được người thay thế", để chưa giải quyết đơn xin nghỉ việc của các viên chức đang công tác tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM; tuy nhiên, việc kéo dài thời gian hơn 2 năm, không có phương án giải quyết cụ thể vấn đề về công tác, bố trí người thay thế cho viên chức đang có nhu cầu nghỉ là không hợp lý. Việc này gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống của các viên chức đang thật sự có hoàn cảnh khó khăn, không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Về trách nhiệm của Viện Y dược học dân tộc TPHCM trong vụ việc trên, thông thường các kỳ thi tuyển viên chức diễn ra cách nhau 3-12 tháng trong cùng một cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi tuyển.
"Do đó, việc kéo dài thời gian giải quyết đơn xin nghỉ của các viên chức hơn 2 năm vì "yêu cầu công tác, chưa bố trí được người thay thế" là không phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của đơn vị, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của các viên chức", Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM nói.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, lý do chưa bố trí được người thay thế để kéo dài thời gian quyết đơn xin nghỉ của các viên chức, Viện Y dược học dân tộc TPHCM có thể bị xem xét về dấu hiệu vi phạm trong công tác tổ chức nhân sự, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi vì, khi phát sinh trường hợp viên chức có nhu cầu nghỉ việc, bộ máy của đơn vị sẽ có vị trí trống, khi đó người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm tổ chức thi tuyển viên chức hoặc điều chuyển viên chức từ đơn vị khác vào vị trí bị khuyết.
"Trong vụ việc này, người đứng đầu Viện Y dược học dân tộc TPHCM nếu không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác tổ chức, quản lý bộ máy đơn vị sự nghiệp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của viên chức", luật sư Hậu nói.