TS Trương Đình Thăng (sinh năm 1975) đã có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Anh là thành viên Hội đồng khoa học liên ngành Tâm lý học – Giáo dục học của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) và nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương về Lãnh đạo (trực thuộc Trường ĐH Sư phạm Hongkong).
Anh tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Trường ĐH Sư phạm Dunedin,ếnsĩduhọcnướcngoàivềlàmhiệutrưởngngôitrườngdướiđátrận banh tối nay ĐH Otago (New Zealand) năm 2003-2004 và tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Trường ĐH Vitoria thành phố Wellington (New Zealand) năm 2013.
Nghiên cứu của TS Thăng tập trung vào các lĩnh vực: lãnh đạo và quản lý trường học, phát triển chuyên môn, lãnh đạo chuyên môn, văn hóa và lãnh đạo. Anh đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SSCI, Scopus và các chương sách trên các nhà xuất bản quốc tế có uy tín…
Với bản lý lịch khoa học như trên, TS Thăng khiến khá nhiều người ngỡ ngàng khi biết nơi công tác hiện nay là Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị, ở vị trí hiệu trưởng.
"11 năm học dưới ánh đèn dầu mà còn đi du học được…"
TS Thăng nói sau hơn 4 năm làm tiến sĩ ở New Zealand, có khá nhiều người khuyên anh ở lại.
“Tôi đi bằng học bổng 322, nên tất nhiên là có điều khoản ràng buộc là phải về nước làm việc. Tuy nhiên, nói thật là tôi biết một số người cũng du học bằng học bổng này và họ vẫn tìm cách ở lại bằng được, nên nếu muốn, tôi cũng có thể…”.
Khi đó, công việc của vợ anh Thăng cũng đang rất thuận lợi – chị làm quản lý tiệm nail khá lớn cho một người bạn. Người này cũng khuyên vợ anh suy nghĩ, nếu muốn họ sẽ thuê luật sư lo thủ tục ở lại cho.
“Vợ tôi băn khoăn lắm. Con tôi khi đó đã học được một học kỳ ở lớp 1. Mọi thứ có thể nói là khá thuận lợi nếu tôi quyết định không về” – anh Thăng nhớ lại.
“Vì vậy, về hay ở cốt lõi là sự lựa chọn. Có một số yếu tố khiến tôi không cần phải suy tính quá nhiều, mà trước hết, tôi tự thấy mình là người nặng tình".
TS Trương Đình Thăng (ngoài cùng bên phải) ngày tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Trường ĐH Sư phạm Dunedin, ĐH Otago (New Zealand) |
Tôi xuất thân từ nông thôn, ở một vùng rất nghèo của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Nơi tôi sinh ra nghèo khó tới mức đến tận năm lớp 12, tôi mới được học dưới ánh đèn điện. Nhưng không hiểu sao, chính sự nghèo khó này lại khiến tôi gắn bó với quê hương. Tôi nghĩ quê tôi cần những người con được học hành quay về.
Hơn nữa, đến thời điểm đó, tôi cảm thấy mình xa nhà đã quá lâu rồi, bố mẹ đã đến tuổi già, tôi muốn ở gần để tiện chăm sóc”.
Anh Thăng nhìn nhận rằng đa phần những người chọn ở lại thực chất mong muốn một môi trường tốt hơn cho con cái chứ không phải cho bản thân.
“Các cụ có câu “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Ở lại vì con, thì bản thân mình – thẳng thắn mà nhìn nhận – sẽ chỉ là “công dân hạng 2”, trừ khi mình đủ khả năng trở thành giáo sư, giảng viên trong các trường đại học lớn của nước bạn.
Trở về cũng có cái hay. Bản thân tôi học trường làng, làm bài dưới ánh đèn dầu mà vẫn có cơ hội du học như ai. Vì vậy, con cái mình mà có ý chí thì vẫn có cơ hội đi tiếp.
Đến bây giờ, với những người bạn mong con em du học sớm tôi vẫn có lời khuyên nếu không thực sự cần thiết thì cứ từ từ. Cứ để con ở bên mình trong giai đoạn niên thiếu, khi con cần sự quan tâm của cha mẹ trước những thay đổi về tâm sinh lý. Ở đây, con vẫn có môi trường học tập tốt và hoàn toàn có cơ hội du học sau này".
Và còn một điều quan trọng khác khiến anh Thăng không mất nhiều thời gian suy tính ở hay về.
“Tôi nghĩ rằng Nhà nước đã cho mình bao nhiêu tiền ăn học đến chừng này, thì việc của mình – dù nói thì có vẻ sách vở - phải là trở về để tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tôi không mong ước lớn lao, chỉ muốn trở thành một tác nhân cho những thay đổi tốt đẹp hơn trong giáo dục”.
Trở về với ngôi trường “dưới đáy”
Khi mới về Việt Nam, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và một số trường đại học ở Hà Nội, TP.HCM đều sẵn sàng tiếp nhận vị tiến sĩ này. Nhưng rốt cuộc, anh Thăng lại chọn về ngôi trường có vị trí rất khiêm tốn trong hệ thống các trường ĐH, CĐ của Việt Nam.
Đảm nhiệm vị trí phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng từ năm 2018, anh Thăng nói 3 năm qua đã dành mọi tâm huyết cho sự phát triển của nhà trường.
TS Thăng và GS Clive Dimmock - ĐH Glasgow (Scotland) |
TS Thăng chia sẻ rằng lúc mới về, anh đã mong Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị sẽ phát triển thành một trường đại học địa phương. Quả thực, với 15 tiến sĩ, 74 thạc sĩ, nhà trường có một đội ngũ giảng viên mạnh trong nhóm các trường cao đẳng. Tuy nhiên, mong muốn này đã không thành hiện thực.
Bên cạnh đó, vị tân hiệu trưởng còn phải đối mặt với thực trạng khắc nghiệt: “Tôi đảm nhận vị trí hiệu trưởng khi trường đã trong tình trạng “thủng đáy” - cơ sở khang trang, giáo viên chất lượng cao nhưng không tuyển được người học. Trường từng “được” lên báo khi khó khăn đến mức 1 khoa chỉ tuyển được... 5 sinh viên. Câu chuyện éo le này xảy ra với nhà trường trong suốt 5 năm qua".
Theo TS Trương Đình Thăng, dùng từ "dưới đáy", "thủng đáy" với hàm ý trường ở tình thế vô cùng khó khăn. Nguyên nhân là hiện nay từng bước tiến tới việc giáo viên mầm non, tiểu học, trung học và dạy nghề phải có trình độ đại học trở lên. Điều này có nghĩa là sứ mệnh của các trường cao đẳng sư phạm gần như đã hết.
“Tháng 10/2019, trong ngày khai giảng, nhìn 200 sinh viên năm cuối, tôi tự hỏi nếu năm sau mà không được tuyển học sinh phổ thông, ngôi trường này sẽ ra sao?”.
Câu trả lời là nếu cứ tiếp tục tình trạng này, hoặc phải giải tán trường, hoặc đưa giảng viên sang các trường khác giảng dạy để giải quyết vấn đề đội ngũ. Chỉ có hy vọng là đề án thành lập Trường phổ thông liên cấp nằm trong Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị được UBND tỉnh thông qua. Và hy vọng này đã trở thành hiện thực khi đề án được phê duyệt.
“Dù có thể nói đây là một bước lùi so với mong muốn nâng cấp lên đại học, nhưng chúng tôi phải tự cứu lấy mình. Nếu không làm, trường sẽ “chết”. Có câu ngạn ngữ rằng “Thà thắp lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”" - anh Thăng trầm tư.
Năm học 2020-2021, Trường Phổ thông liên cấp CĐ Sư phạm Quảng Trị tuyển sinh được 200 học sinh khối 6 và khối 10 (mỗi khối 3 lớp). Đây là trường công lập đầu tiên tại Quảng Trị cho các em học 2 buổi/ngày, có bán trú hoặc nội trú. Nếu mọi việc thuận lợi, trong 3 năm nữa, trường sẽ có từ 800-1.000 học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, trường tiếp tục triển khai các đề án bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên trong tỉnh, nâng chuẩn giáo viên, đào tạo lại, đào tạo mới giáo viên…
“Ngày khai giảng vừa qua đã diễn ra trọn vẹn. Thú thực, nếu năm nay còn chưa được tuyển học sinh phổ thông, có lẽ tôi “dẹp” luôn lễ khai giảng khi chỉ tuyển được 40 sinh viên theo học ngành mầm non".
Trong những năm qua, chỉ có một điều khiến cựu du học sinh này tiếc là không được làm việc ở một môi trường có thể phát huy nhiều hơn về năng lực nghiên cứu khoa học. "Ngoài ra, tôi không hề ân hận vì đã là nhân tố giúp nhà trường ổn định và sẽ phát triển trong tương lai”.
Điều tâm đắc nhất khi làm hiệu trưởng, theo anh Thăng, chính là sức ì ít hơn, chủ động, tìm tòi hơn trong công việc. “Tôi thay đổi được chính bản thân mình”.
Làm thầy là "làm gương"
Trở lại với câu chuyện nhận giữ "ghế" hiệu trưởng một ngôi trường đang gặp quá nhiều khó khăn, anh Thăng kể rằng khi biết tin này, một trong những người thầy có ảnh hưởng lớn nhất tới anh đã gửi thư khuyên. Đó là GS Philip Hallinger, hiện đang làm việc tại ĐH Mahidol (Thái Lan).
Trong thư, GS Philip Hallinger viết rằng: “Anh suy nghĩ kỹ rồi hãy lựa chọn. Trước đây, tôi từng có những sinh viên xuất sắc trong nghiên cứu khoa học nhưng khi làm quản lý thì năng lực nghiên cứu của họ lụi tàn”.
Với GS Philip Hallinger - người có ảnh hưởng rất lớn tới TS Thăng |
Tuy nhiên, anh Thăng đã không “nghe lời” thầy, bởi theo anh, dù mất thời gian với công tác quản lý nhưng tầm ảnh hưởng trong công việc nghiên cứu lại tốt hơn.
Và có lẽ, đây chỉ là một trong số ít lần anh Thăng “cãi” thầy như vậy. Còn lại, những gì anh được học và nhận từ những người thầy khi đi du học, anh đều áp dụng đối với học trò của mình.
“Đó chính là sự “làm gương”. Khi tôi đi học, các thầy cô giúp đỡ tôi không đòi hỏi, nề hà.
Vì vậy, tôi muốn đưa sự tử tế mình từng nhận được tới sinh viên, học viên và hy vọng sau này các em sẽ hành xử phù hợp”.
Ngân Anh
Tổ chức Varkey Foundation vừa công bố phim ngắn về cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ - người vừa lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu.