Làm học sinh hạnh phúc: Điều thiếu vắng ở các trường công lập?àmhọcsinhhạnhphúcĐiềuthiếuvắngởcáctrườngcônglậket qua san jose
Vụ việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị đánh hội đồng dù đã được các cơ quan chức năng nhanh tay xử lý để làm dịu công luận bằng cách công bố ngay hình thức kỷ luật cách chức toàn bộ Ban Giám hiệu, nhưng một lần nữa, nạn bạo lực học đường Việt Nam lại trở thành tâm điểm “nóng sốt”.
Báo chí tiếp tục tốn giấy mực. Mạng xã hội lại tràn ngập những bài viết ta thán, mất lòng tin về giáo dục VN... Có cả những ý kiến bi quan cho rằng một khi xã hội không thay đổi thì đừng mong giáo dục giáo dục tiến bộ. Nhưng chẳng lẽ trong khi chưa thay đổi, chúng ta cứ khoanh tay chờ đợi và chấp nhận ngồi nhìn con em mình vùng vẫy, vật lộn trong những đợt lún lầy của một nền giáo dục vốn đã hổng từ gốc?
Bằng thực tiễn làm việc trong môi trường quốc tế và qua những gì đã quan sát, học hỏi được khi tiếp cận với nền giáo dục của một số quốc gia phát triển, tôi vẫn phải nhắc lại điều từng nói nhiều lần trước đây: Chúng ta có thể làm nhiều thứ tốt hơn cho học sinh VN mà không cần cứ phải có tiền hay có cơ sở vật chất xịn.
Chỉ cần đòi hỏi ba điều kiện sau: 1/ Dám thay đổi tư duy ; 2/ Có tinh thần trách nhiệm ; 3/ Có tình thương yêu con trẻ.
Trong 3 nội dung trên, thay đổi tư duy là điều khó nhất và cũng... mạo hiểm nhất đối với một giáo viên làm việc ở môi trường giáo dục công lập!
Trong khi thế giới đang kêu gọi giáo dục hướng đến những giá trị mới, chú trọng giáo dục cảm xúc trước khi giáo dục tri thức, coi trọng EQ hơn IQ... thì nền giáo dục của ta vẫn loay hoay với áp lực điểm số và thi cử.
Liệu sẽ có bao nhiêu người thầy dám “lội ngược dòng” để ưu tiên dành thời gian dạy cho học sinh biết yêu cái đẹp, biết trân trọng những giá trị nhân văn và phát triển các tính cách cần thiết của con người tử tế, lương thiện?
Giám đốc Hạnh phúc
Tôi sang Úc và Phần Lan, thấy trong trường học của họ có một vị trí rất thú vị: Director of Well-being (tạm dịch: Giám đốc Hạnh phúc). Hỏi đó là gì. Các bạn giải thích đấy là người có trách nhiệm làm cho tất cả các thành viên của cộng đồng trường phải luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong mỗi ngày ở trường.
Theo quan niệm của họ, mọi trẻ em đều có quyền được hạnh phúc khi đến trường và vì thế, người giám đốc này phải đảm bảo không có học sinh nào cảm thấy mình bị phân biệt đối xử hoặc phải đón nhận những điều bất hạnh trong môi trường giáo dục. Ra là thế!
Giống như nước Bhutan - quốc gia duy nhất trên thế giới coi trọng GNH (Gross National Happiness - Tổng Hạnh phúc quốc gia) hơn GDP, các trường học ở những đất nước này cũng xem trọng chỉ số hạnh phúc của học sinh hơn là thành tích học tập của các em.
Thay đổi tư duy để nghĩ và làm được như họ có khó không?
Hẳn nhiên là không khó nếu xét về phương diện tài chính vì chả phải tốn kém tiền bạc gì!
Nhưng có dễ để từ Bộ cho đến Sở, ban giám hiệu, giáo viên và cả... phụ huynh thay đổi nhận thức? Nếu những “bức tường thành” này không thể nhúc nhích thì cũng đành... bó tay.
Nhiều giáo viên Việt Nam sợ trách nhiệm
Có một điều khác biệt lớn mà tôi thấy rõ ở giáo viên nước ngoài so với giáo viên Việt Nam, đó là họ rất sợ trách nhiệm!
Sợ ở đây không có nghĩa là đùn đẩy, né tránh mà là sợ để xảy ra những hậu quả có liên quan đến công việc và bổn phận của mình.
Chính vì vậy mà trách nhiệm cá nhân của giáo viên luôn được đặt rất cao.
Nhớ hồi chúng tôi gửi bản thiết kế học xá đầu tiên của CIS cho đối tác ở Canada xem và tư vấn trước khi xây trường, các bạn chỉ vào phần thiết kế phòng giáo viên và hỏi cái này để làm gì?
Sau khi nghe chúng tôi giải thích đó là nơi dành cho giáo viên đến nghỉ ngơi, thư giãn vào lúc học sinh ra chơi, các bạn tròn mắt lắc đầu và bảo: Chỗ của giáo viên là ở trên lớp của họ, vì họ luôn phải gắn với học sinh mọi nơi, mọi lúc, nhất là khi các em nghỉ giải lao. Nếu không, làm sao họ có thể kiểm soát được mọi chuyện xảy ra cho học sinh của mình trong thời gian ở trường?
Tôi nghiệm ra: Chính bởi luôn đồng hành với học sinh, cùng ăn, cùng chơi, cùng sinh hoạt với các em nên người giáo viên mới có thể nhận biết và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi bắt nạt hoặc bạo lực.
Những vụ học sinh bạo hành nhau nơi học đường vừa qua đều cho thấy: Dù sự việc diễn ra ngay tại lớp hoặc trong khuôn viên trường với thời gian khá dài, thậm chí lặp đi lặp lại, nhưng tất cả đều thiếu vắng hoàn toàn sự hiện diện của các giáo viên. Không hiểu khi đó giáo viên chủ nhiệm ở đâu và ban giám hiệu thì đang làm gì?
Hẳn sẽ có bạn giáo viên bảo: Chị cứ thử đi dạy trong một lớp 40 - 50 học sinh, cộng với áp lực về kết quả điểm số và trăm thứ “dâu đổ đầu tằm” xem thử có chịu nổi không rồi hãy phán!
Bởi thế, tôi mới nói đến điều kiện thứ ba như đã nêu ở trên. Nếu bạn có đủ tình yêu với trẻ, bạn sẽ có động lực để thực hiện 2 điều kiện trước. Chỉ khi yêu thương vô hạn người ta mới dám mạnh mẽ thay đổi để hành động mà không cần suy tính thiệt hơn, và cũng đồng thời mới ý thức sâu sắc về bổn phận, nghĩa vụ của chính mình.
Cô Tổng Hiệu trưởng người Canada ở trường tôi là một người thường đi lại rất nhiều trong trường của cô và giữa các trường trong hệ thống.
Khi tôi hỏi sao ít thấy cô ngồi trong phòng làm việc, cô cười bảo: “Công việc của tôi là phải đi để gặp gỡ, quan sát, kiểm tra và chia sẻ mọi thứ với giáo viên cũng như học sinh. Nên nếu cứ ngồi trong phòng máy lạnh, làm sao tôi biết họ đang làm gì, muốn gì và chuyện gì đang xảy ra trong ngôi trường của tôi?”.
Vâng! Đơn giản vậy thôi, nhưng để làm được như thế lại vẫn phải nói đến chuyện to tát là... thay đổi tư duy, từ đó mới có được những hành động cần thiết.
Nếu như người châu Phi có câu nói: “Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”, thì chúng ta có lẽ chỉ yêu cầu một điều trong phạm vi nhỏ hẹp hơn: "Cần cả một ngôi trường biết yêu thương và quan tâm để một đứa trẻ được hạnh phúc!".
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ bàn về trách nhiệm từ phía nhà trường. Để đạt được hiệu quả tối ưu, giáo dục còn luôn cần phải duy trì hai cạnh của “tam giác” nữa là gia đình và xã hội. Chủ đề đó cũng cần đặt ra bức thiết và xin được đề cập ở bài viết khác.
Nguyễn Thị Oanh (Trường quốc tế Canada CISS, TP.HCM)