Cô M.H (46 tuổi) là một trong 9 giảng viên Trường ĐH Hà Tĩnh thuộc diện đi học tiến sĩ năm 2023 bị trường xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ do không ký cam kết đi học tiến sĩ.
Cô M.H cho biết,ưađápứngyêucầuhọctiếnsĩnữgiảngviênxinnghỉviệti le ma cao 22 năm trước, cô tốt nghiệp đại học bằng giỏi, sau đó học lên thạc sĩ. Cầm tấm bằng “loại ưu” trở về Hà Tĩnh theo diện thu hút nhân tài, cô M.H có thể chọn bất cứ trường học nào trên địa bàn để giảng dạy, song tân cử nhân lại chọn gắn bó với Trường ĐH Hà Tĩnh.
Nhiều năm qua, cô M.H có đóng góp nhiều trong quá trình giảng dạy tại trường, song ngày 27/6, Trường ĐH Hà Tĩnh đã ban hành quyết định về việc đánh giá, xếp loại chất lượng đơn vị, viên chức và lao động hợp đồng năm học 2023 – 2024, cô M.H bị xét vào diện “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Nêu lý do không đăng ký học tiến sĩ, cô M.H cho hay, cô dạy học sinh phổ thông, còn dạy sinh viên rất ít, chủ yếu giảng dạy sinh viên Lào.
"Đi học tiến sĩ, tôi thấy không cần thiết. Tôi lại quá độ tuổi quy định, đi học về cũng không có tương lai. Năm vừa qua, tôi đóng góp cho Trường ĐH Hà Tĩnh rất nhiều. Tôi vừa dạy sinh viên Lào vừa dạy lớp 12 và có hai bài đăng tạp chí có chỉ số, dạy thừa giờ khoảng 500 tiết nhưng vẫn bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ nên tôi rất buồn", cô M.H chia sẻ.
Được biết, cô M.H là giảng viên của Khoa Tiếng Việt, sau đó Trường ĐH Hà Tĩnh mở thêm Trường THPT, cô sang đây giảng dạy.
"Tôi là giáo viên môn Ngữ văn đầu tiên tại trường THPT thuộc Trường ĐH Hà Tĩnh. Tôi đã có 8 năm dạy THPT và 6 năm liền dạy môn Ngữ văn cho học sinh lớp 12", cô M.H nói.
Cũng theo nữ giảng viên M.H, năm 2015, Trường ĐH Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 556/QĐ-TĐHHT, ngày 28/5/2015 về việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ viên chức.
Theo quyết định này, tất cả cán bộ của nhà trường (nam ít hơn 50, nữ ít hơn 45 tuổi) đều thuộc diện đi đào tạo bồi dưỡng. Trong khi đó, hiện nay cô M.H đã 46 tuổi (hết độ tuổi đi học tiến sĩ theo quyết định của trường).
“Theo quyết định 556 của Trường ĐH Hà Tĩnh, những giảng viên nữ ít hơn 45 tuổi mới thuộc diện đi học tiến sĩ nhưng hiện trường không áp dụng theo quyết định 556 nữa mà hết độ tuổi rồi vẫn bắt giảng viên đi học.
Năm ngoái, tôi đang còn mấy tháng mới hết độ tuổi đi học, từ tháng 3 năm nay tôi đã hết độ tuổi đi học tiến sĩ (đã 46 tuổi - PV) nhưng nhà trường xếp cho tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, tôi gắn bó và đóng góp nhiều cho nhà trường. Tôi cảm thấy rất bất bình”, cô M.H cho biết.
Trước việc bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, nữ giảng viên này đã làm đơn xin nghỉ việc và xin vào một trường tư thục trên địa bàn để giảng dạy.
“Tôi đã nộp đơn xin nghỉ việc hơn 18 ngày nhưng phía Trường ĐH Hà Tĩnh chưa phản hồi. Hiện tôi đã xin giảng dạy tại trường khác. Tôi phải xin nghỉ việc bởi năm nay tôi đã bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu năm tiếp theo, tôi không đi học tiến sĩ nữa sẽ là 2 năm liên tiếp bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị chuyển ngạch, hoặc tinh giản biên chế, hoặc bị cho thôi việc. Tôi phải tìm con đường để giải phóng cho mình, nếu không sẽ đối diện với kỷ luật của nhà trường”, cô M.H cho biết vào cuối tháng 7.
Liên quan đến việc những giảng viên chủ yếu dạy THPT nhưng vẫn bắt buộc đi học tiến sĩ, trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Trường ĐH Hà Tĩnh giải thích: “Đối với những giảng viên là viên chức đã nằm trong kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đi học tiến sĩ, hiện nay vừa giảng dạy cho sinh viên đại học vừa được điều động giảng dạy cho trường THPT thì vẫn thực hiện theo quy định của nhà trường”.
Thông tin với VietNamNet ngày 6/8, lãnh đạo Trường ĐH Hà Tĩnh cho biết thêm: Cô M.H đã có hơn 20 năm giảng dạy tại trường. Trước khi về trường, cô M.H có bằng ĐH loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ. Sau khi cô M.H có đơn xin nghỉ việc, phía trường ĐH đã gặp cô để làm việc. Hiện nhà trường đề xuất phương án sẽ chuyển cô sang dạy phổ thông, không phụ trách dạy sinh viên. Nếu như dạy phổ thông thì cô M.H sẽ không còn phải đi học tiến sĩ nữa. Cô M.H đang suy nghĩ thêm về lời đề nghị này của nhà trường.