Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại xã Quân Bình,ủtịchnướcGìngiữmôitrườngsốngbềnvữngchomuônđờkqbd uc a league huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) Năm mươi tám năm qua, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ “mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân,” nhân dân cả nước lại tổ chức ngày hội “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.” Ngày 28/11/1959, với tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân, phân tích sâu sắc ý nghĩa của việc trồng cây đối với đất nước, với mỗi gia đình, mỗi người dân và kêu gọi toàn dân tham gia “Tết trồng cây,” một việc “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều,” “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”... Tết trồng cây đã trở thành tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui Tết, đón Xuân, đem lại những kết quả to lớn, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, sáng 21/2 (Mùng 6 Tết Mậu Tuất), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã về phát động và tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Mậu Tuất năm 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức tại xã Quân Bình (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn). Đây là địa phương giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, được Trung ương Đảng chọn là “An toàn khu” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữ vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả tích cực, đưa lâm nghiệp từng bước xứng đáng là ngành kinh tế quan trọng, nâng cao thu nhập đời sống người dân, phát huy vai trò bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước bền vững hơn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, cả nước đã trồng được 235.000 hécta rừng tập trung và trên 60 triệu cây phân tán; khoán quản lý, bảo vệ 6,1 triệu ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng được 335.000 ha... Công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục chuyển biến tích cực, số vụ phạm pháp về bảo vệ và phát triển rừng giảm 23%, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 68% so với năm 2016; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 8 tỷ USD; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo nguồn thu gần 1.700 tỷ đồng... Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp. Tuy đạt được những thành tựu có ý nghĩa, nhưng ngành lâm nghiệp vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức và cần khắc phục được những hạn chế, tồn tại, như trồng rừng ven biển, trồng rừng thay thế chưa đạt kế hoạch, phương thức trồng rừng thâm canh gỗ lớn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn chậm; năng suất, chất lượng rừng chưa cao nên giá trị trên một đơn vị diện tích thấp; tổ chức liên kết chuỗi trong lâm nghiệp từ khâu trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm sản chưa phát triển theo kỳ vọng... Ngành nông nghiệp đang đặt quyết tâm tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế để thúc đẩy phát triển với dư địa rộng mở; thực hiện thắng lợi “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020,” với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng trên đơn vị diện tích; chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh gắn với bảo vệ rừng bền vững; đẩy nhanh dịch vụ môi trường rừng và lâm đặc sản, dược liệu...; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hàng năm đạt 6 - 6,5%; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 42% và kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho 25 triệu người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng, an ninh... Phát biểu tại lễ phát động Tết trồng cây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, khi Trái Đất đang nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng, thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, sức tàn phá ngày càng lớn, đe dọa cuộc sống con người, việc phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường đã trở thành yêu cầu bức thiết đối với mọi quốc gia. Việc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược. Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước hăng hái tham gia trồng cây, gây rừng, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, lấy bóng mát, trồng cây chắn gió, bảo vệ đê sông, đê biển, chống xói mòn đất, chống ngập mặn, chống cát lấn; trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng kinh tế... phù hợp với điều kiện từng địa phương. Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị phải nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật. “Làm tốt những điều này chính là làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, vừa góp phần bảo vệ, gìn giữ môi trường sống bền vững cho chúng ta hôm nay và muôn đời con cháu mai sau,” Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ trong Khu Di tích lịch sử thanh niên xung phong Nà Tu (xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn); tặng quà một số cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Bắc Kạn./. Theo TTXVN |