Hệ thống cân bằng điện tử và kiểm soát lực kéo, có gì khác biệt?_bxh sec
Hệ thống cân bằng điện tử hoạt động ra sao?
Hệ thống cân bằng điện tử, thường được viết tắt bằng cụm từ ESC hoặc ESP, là một thuật ngữ chung được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô.
Hệ thống ESC/ESP sẽ phân tích các thông tin đầu vào như tốc độ xe, góc lái, độ lệch thân xe và tốc độ từng bánh xe riêng lẻ... nhận được từ các cảm biến khác nhau.
Nếu thông tin đầu vào cho thấy người lái xe đang mất khả năng điều khiển hướng của xe, khiến xe không đi theo hướng mà người lái mong muốn. Lúc đó, hệ thống cân bằng điện tử sẽ can thiệp vào hệ thống phanh để đưa xe trở lại hướng đi ban đầu.
Các trường hợp mất kiểm soát hướng phổ biến nhất là bánh xe bị bó cứng khi phanh do xe không trang bị phanh ABS, vào cua nhưng đầu xe bị trượt ra phía bên ngoài thường gặp ở xe dẫn động bánh trước (Understeer) và vào cua nhưng đuôi xe trượt ra ngoài thường gặp với xe dẫn động bánh sau (Oversteer).
Hệ thống cân bằng điện tử ESP/ESC đơn giản chỉ là kiểm soát phanh, những phiên bản cao cấp hơn của hệ thống này sẽ cho phép giảm mô-men xoắn của động cơ để loại bỏ công suất dư thừa đưa tới bánh dẫn động, giúp kiểm soát xe tốt hơn.
Ngoài cụm từ viết tắt ESC/ESP, hệ thống cân bằng điện tử cũng được các nhà sản xuất ô tô đặt bằng những tên gọi khác như DSC (BMW), VSA (Honda/Acura), VSC (Toyota/Lexus), VDC (Nissan/Infiniti/Alfa Romeo), DSTC (Volvo), MSP (Maserati), PSM (Porsche), StabiliTrak (GM) hay AdvanceTrac (Ford/Lincoln).
Hệ thống kiểm soát lực kéo có gì khác biệt?
Khi nói đến hệ thống kiểm soát lực kéo thường ký hiệu là TCS, nhiều người sẽ hay nghĩ nó giống như hệ thống cân bằng điện tử vì biểu tượng trên bảng đồng hồ chỉ là một.
Nhưng thực chất không phải vậy, khi so sánh giữa hệ thống kiểm soát lực kéo và cân bằng điện tử, TCS là một hệ thống đơn giản hơn nhiều.
Nếu hệ thống ABS có chức năng kiểm soát độ bám đường của bánh xe khi phanh thì hệ thống TCS sẽ có cơ chế hoạt động ngược lại để kiểm soát độ bám đường của các bánh khi tăng tốc, hạn chế và ngăn chặn tối đa tình trạng trượt bánh trong quá trình di chuyển.
Bởi vì hệ thống kiểm soát lực kéo TCS ở mức cơ bản hơn so với hệ thống cân bằng điện tử ESC nên nhiều mẫu xe đời cũ đều đã được trang bị ngay cả khi chưa có hệ thống ESC. Hiện tại, một chiếc xe đã trang bị hệ thống ESC thì chắc chắn hệ thống TCS cũng sẽ có mặt. Còn ngược lại thì không.
Ưu và nhược điểm của hệ thống TCS và ESC
Hãy xem xét những ưu điểm chính của hệ thống TCS và ESC:
- Duy trì việc kiểm soát phương tiện
- Phòng ngừa tai nạn
- Giảm mức độ nghiêm trọng khi tai nạn xảy ra
- Hạn chế thiệt hại tài sản
- Cứu mạng người đi bộ và đi xe đạp nhờ khả năng tránh né tốt hơn
- Giảm hao mòn lốp xe
Các hệ thống này có rất ít nhược điểm:
- Đôi khi hệ thống này có thể cản trở khi lái xe địa hình
- Trang bị làm tăng giá xe
Tại Mỹ, tất cả ô tô mới bán kể từ năm 2012 đều phải được trang bị ESC tiêu chuẩn. Dữ liệu của Cơ quan quản lý đường cao tốc và an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), đã chỉ ra rằng hệ thống ESC đã cứu sống hàng nghìn người tại Mỹ mỗi năm và nó thường được ca ngợi là tiến bộ lớn nhất về phương diện an toàn dành cho xe ô tô chỉ sau dây đai an toàn 3 điểm và vùng chịu lực.
Tuy nhiên, các hệ thống này không thể vượt qua các định luật vật lý và chỉ là tính năng hỗ trợ cho người điều khiển. Vì vậy, việc lái xe an toàn trước hết là trách nhiệm của tài xế.
Việc bảo dưỡng xe cũng rất quan trọng và các bộ phận của hệ thống treo và lốp bị mòn cũng có thể gây mất khả năng kiểm soát và khiến các hệ thống an toàn này hoạt động không còn hiệu quả, dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tăng lên.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Thay đèn, nâng cấp mặt ca-lăng ô tô sẽ không còn bị từ chối đăng kiểmTừ 15/2, những thay đổi như lắp đặt thêm đèn sương mù rời, thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước hay thay đổi kiểu dáng lưới tản nhiệt trước, cánh lướt gió,... sẽ không còn bị từ chối đăng kiểm.