Vì sao nhà đầu tư ngoại liên tục rót vốn vào Bình Dương?_bang xep hang bong da nu mexico
Bình Dương luôn nằm trong top các tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước trong nhiều năm qua. Một trong những dự án có vốn đầu tư lớn nhất tại Bình Dương gần đây là nhà máy sản xuất đồ chơi của Tập đoàn Lego (Đan Mạch).
Nhà máy này được xây dựng trên diện tích 44 ha tại Khu công nghiệp VSIP III. Với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, đây không chỉ là dự án đầu tư lớn nhất của các doanh nghiệp đến từ Đan Mạch tại Việt Nam mà còn là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của Lego.
Ngay cạnh nhà máy Lego, Tập đoàn Pandora - một tên tuổi lớn khác từ Đan Mạch - cũng đã đầu tư 150 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất trang sức tại Bình Dương. Đây là nhà máy sản xuất thứ 4 của Pandora và cũng là cơ sở đầu tiên ngoài Thái Lan, với diện tích khoảng 7,5 ha.
Có sự chuẩn bị bài bản ngay từ đầu
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh sự có mặt của cả Lego và Pandora tại Khu công nghiệp VSIP III là một trong những minh chứng về hướng đi đúng đắn của tỉnh trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế, nhờ đó được các nhà đầu tư quốc tế lựa chọn làm điểm đến.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết tháng 11 năm nay, Bình Dương đã vượt Hà Nội để vươn lên vị trí thứ hai cả nước với tổng vốn FDI đạt gần 42,4 tỷ USD từ 4.378 dự án còn hiệu lực. Qua đó, tỉnh chiếm 8,5% số vốn ngoại tại Việt Nam.
Tính riêng 11 tháng đầu năm, "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương đã thu hút hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, vượt mục tiêu cả năm và nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về FDI, chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% vốn đầu tư cả nước.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam - cho rằng thành công này là kết quả của sự chuẩn bị và đầu tư lâu dài của tỉnh.
Bình Dương là địa phương nổi bật với cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp và đô thị hiện đại, cùng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng phát triển hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đáng chú ý, dù diện tích xếp thứ 44/63 cả nước, dân số tại Bình Dương lại đứng thứ 6 với lực lượng lao động chiếm 64%, cao hơn mức trung bình cả nước.
"Điều này phản ánh khả năng thu hút lao động nhập cư, tạo nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và đa dạng", đại diện Avison Young nói thêm.
Theo quan sát của ông, để duy trì lợi thế, Bình Dương không chỉ phát triển hạ tầng xã hội như nhà ở và khu đô thị nhằm giữ chân lao động, mà còn xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn.
Tỉnh đã triển khai các chính sách ưu đãi và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp cũng như lĩnh vực công nghệ cao, thông qua việc đơn giản hóa, tăng tốc và số hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt thông qua cơ chế một cửa hiệu quả.
Ở góc nhìn khác, ông John Campbell - Giám đốc, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam - nhận định Bình Dương còn có lợi thế từ chuỗi cung ứng đồng bộ, với hệ sinh thái công nghiệp phát triển từ năm 1990.
"Nếu tôi là một nhà sản xuất kim loại hoặc cơ khí đến Bình Dương, tôi sẽ dễ dàng tìm thấy các nhà cung cấp ngay trong cùng khu công nghiệp hoặc gần đó, trong khi ở một số tỉnh khác, việc tìm kiếm nhà cung cấp có thể gặp khó khăn hơn", ông nói với Tri Thức - Znews.
Ngoài ra, ông John Campbell nhấn mạnh vị trí gần TP.HCM cũng là một lợi thế lớn của Bình Dương.
"Lực lượng lao động chất lượng cao từ địa phương và các khu vực lân cận, kết hợp với chuỗi cung ứng mạnh mẽ, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Bình Dương", ông bổ sung.
Điểm sáng của công nghiệp và bất động sản phía Nam
Với hạ tầng hiện đại, môi trường đầu tư thuận lợi và định hướng phát triển bền vững, tính tới tháng 11 vừa qua, Bình Dương có 28 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 93%, thu hút hơn 64.600 doanh nghiệp.
Sự phát triển của các khu công nghiệp không chỉ mang lại nguồn thu lớn mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Bình Dương.
Bởi lẽ đó, bên cạnh vai trò "thủ phủ công nghiệp", ông David nhận định Bình Dương còn là "mảnh đất vàng" cho sự bùng nổ của các phân khúc bất động sản khác trong 3-5 năm tới.
"Nhờ vị trí gần TP.HCM, giao thông thuận tiện và quỹ đất lớn, thị trường nhà ở tại đây thu hút nhiều dự án từ phổ thông đến trung cấp với chi phí hợp lý, hấp dẫn người mua từ cả Bình Dương và TP.HCM. Có thể thấy, các dự án như TT Avio, Sycamore hay BenHill Thuận An mở bán gần đây đều ghi nhận mức hấp thụ tốt", ông David nói.
Đồng thời, vị chuyên gia tại Avison Young cho rằng sự phát triển của khu công nghiệp và đô thị cũng thúc đẩy phân khúc bất động sản bán lẻ với các trung tâm thương mại lớn như Aeon Mall, Lotte Mart hay Co.op Mart.
"Trong tương lai, khi trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam - WTC Gateway - đi vào vận hành, tiềm năng của thị trường bất động sản bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục được củng cố", ông David dự báo.
Ngoài ra, sự gia tăng số lượng chuyên gia nước ngoài làm việc tại Bình Dương cũng kéo theo nhu cầu ngày càng lớn đối với khách sạn và căn hộ dịch vụ. Theo ông David Jackson, sự xuất hiện của khách sạn HIIVE by Fusion Binh Duong không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn khẳng định sức hút của tỉnh đối với các thương hiệu quốc tế.
Bình Dương là "mảnh đất vàng" cho sự bùng nổ của các phân khúc bất động sản nhà ở, bán lẻ... trong 3-5 năm tới. Ảnh:Quỳnh Danh. |
Dù vậy, đại diện Avison Young chỉ ra rằng Bình Dương vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là về giao thông kết nối liên tỉnh và liên vùng.
Theo ông, các dự án trọng điểm như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vẫn đang trong quá trình triển khai, trong khi việc nâng cấp Quốc lộ 13 chưa hoàn thành. Điều này gây áp lực lớn lên hạ tầng trước nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng.
Cùng với đó, để duy trì lợi thế cạnh tranh và thu hút FDI chất lượng cao, "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp carbon thấp và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp tỉnh trở thành điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp toàn cầu.
Ông David cũng nhấn mạnh việc Tập đoàn Sembcorp tiếp tục đầu tư thêm các khu công nghiệp tại Việt Nam là một cơ hội lớn mà Bình Dương cần tận dụng hiệu quả. Điều này sẽ giúp tỉnh củng cố vị thế trên bản đồ kinh tế Việt Nam.
Về phía Bình Dương, địa phương cho biết đã thúc đẩy hoàn thiện thủ tục, cũng như tổ chức nhiều cuộc họp với các bên liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc tại các dự án hạ tầng trọng điểm và phát động kế hoạch thi đua giải ngân vốn năm 2024.
UBND tỉnh cũng yêu cầu có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, Bình Dương còn chú trọng phát triển giao thông thông minh gắn với việc ứng dụng, tích hợp các công nghệ và áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), nhằm tạo khu đa chức năng gần đầu mối giao thông công cộng, giảm phụ thuộc phương tiện cá nhân và thúc đẩy phát triển bền vững.
Mới nhất, tỉnh đã khởi công dự án Vòng xoay A1 trong Thành phố mới Bình Dương. Công trình có diện tích gần 7 ha, được định hướng là đầu mối phát triển đô thị, có nhà ga metro kết nối với TP.HCM, cùng các hạng mục thương mại, quảng trường, nhà thi đấu...
Ông Giang Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC, đại diện chủ đầu tư cho biết tuyến metro kéo dài từ TP.HCM đến Bình Dương đang được cơ quan chức năng Việt Nam và chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu, với điểm cuối dự kiến kết nối nhà ga tại vòng xoay A1. Các dự án tại đây sẽ được phát triển theo mô hình TOD.
Bình Dương vượt Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về hút vốn FDILũy kế đến hết tháng 11, Bình Dương đã vượt qua Hà Nội, vươn lên vị trí thứ hai toàn quốc về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng cộng gần 42,4 tỷ USD. |