Bức tranh ngành BĐS năm 2023: Sự khởi sắc chưa rõ ràng
Bước sang năm 2023, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thu nhập người dân bị ảnh hưởng, niềm tin vào thị trường bị lung lay, số lượng giao dịch tụt… đã đưa thị trường bất động sản (BĐS) trải qua một năm đầy thách thức.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, kể từ sau khi bùng nổ lượng giao dịch BĐS vào quý II/2022, thị trường bắt đầu trượt dốc từ quý III và duy trì tình trạng khó khăn suốt cả năm. Xét tổng số giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền cho tới hiện tại, thị trường đã lập đáy vào quý II/2023 với số giao dịch chỉ bằng 34,38% so với thời kỳ lập đỉnh.
Theo CBRE, tại Hà Nội có 11.280 căn hộ bán được trong năm 2023, giảm 32% so với năm 2022. Thị trường đi xuống nhưng giá căn hộ tại đây lại có chiều hướng gia tăng do nguồn cung khan hiếm, nhiều dự án chưa “gỡ rối” kèm theo quỹ đất vốn đã cạn kiệt ở khu vực trung tâm. Tại TP.HCM, cả năm 2023 có hơn 7.300 căn hộ chung cư được bán, giảm một nửa so với năm 2022. Khác với Hà Nội, mặt bằng giá căn hộ tại TP.HCM có xu hướng chững lại. Cả hai thị trường lớn này đều có xu hướng chung là số lượng giao dịch nửa cuối năm cải thiện so với nửa đầu năm nhờ các chính sách tháo gỡ, mặt bằng lãi suất cuối năm trở về mức thấp hơn cả trước đại dịch, chủ đầu tư nâng mức chiết khấu.
Bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và của thị trường BĐS nói riêng cũng tác động đến tình hình kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp trong ngành. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023, số doanh nghiệp BĐS giải thể tăng 7,7% so với năm 2022. Đáng chú ý, ngành kinh doanh BĐS có tới 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 47,4% so với năm 2022.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, nhiều doanh nghiệp BĐS cho biết doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023 giảm nhẹ so với năm 2022. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS tiếp tục đà giảm của năm 2022, điều này khiến các doanh nghiệp buộc cắt giảm nhân sự, gần một nửa (42,9%) số doanh nghiệp ghi nhận số lượng lao động giảm.
Kỳ vọng bước chuyển mình trong năm 2024
Năm 2024, thị trường BĐS được kỳ vọng có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn từ mức nền thấp của năm 2023. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, trong năm qua, 3 động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành bao gồm: uy tín, thương hiệu trên thị trường (83,3%); chất lượng đội ngũ nhân sự giỏi cao (63,9%); rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả (63,9%). Tận dụng vị thế, uy tín có sẵn cùng biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đã phần nào giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có sự phân hóa giữa các phân khúc thị trường. Nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định các phân khúc phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, nhu cầu ở thực, phù hợp với điều kiện tài chính của người dân sẽ phục hồi trước; trong khi các phân khúc nhà ở, chung cư cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng sẽ phục hồi chậm hơn. Đặc biệt, phân khúc BĐS khu công nghiệp dẫn đầu xu hướng phục hồi với 34,5% số doanh nghiệp đánh giá có nhiều tín hiệu khởi sắc ngay từ nửa đầu năm 2024.
3 trụ cột vực dậy thị trường BĐS
Ngành BĐS phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn, tài nguyên đất đai và khung chính sách để thúc đẩy hoạt động.
Nguồn vốn đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào việc thu hồi đất, các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp. Nguồn vốn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới và tiến bộ công nghệ trong ngành. Tuy nhiên, do được cho là lĩnh vực rủi ro cao nên việc tiếp cận nguồn vốn đối với các doanh nghiệp trong ngành không dễ. Để ứng phó với thiếu hụt dòng tiền, theo khảo sát của Vietnam Report, vay từ các ngân hàng thương mại vẫn là lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp.
Quỹ đất là cơ sở để các dự án BĐS hình thành, được quy hoạch và phát triển. Khi thị trường gặp khó khăn, việc tạo ra các cơ chế kích thích đầu tư vào việc sử dụng đất một cách có hiệu quả cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện tại, một trong những “điểm nghẽn” mà doanh nghiệp đang đối diện chính là quy định dự án phải có đất ở. Những nỗ lực tháo gỡ nút thắt tạo ra cơ hội để các dự án đang vướng mắc về pháp lý có thể tiếp tục xây dựng, các dự án mới sẽ được phê duyệt giúp thúc đẩy nguồn cung trên thị trường.
Trụ cột thứ ba là chính sách, hành lang pháp lý giúp thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Những nỗ lực trong cải cách chính sách gần đây được coi là xung lực mạnh mẽ để vực dậy thị trường sau thời gian trầm lắng như: Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 có những thay đổi mang tính cập nhật, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (thông qua ngày 28/11/2023), Luật Nhà ở sửa đổi (thông qua ngày 27/11/2023), Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (thông qua ngày 18/01/2024) bước đầu tác động tích cực tới tâm lý của các chủ thể trên thị trường…
(Nguồn: Vietnam Report)
(责任编辑:Cúp C2)