"Thế hệ thời nay làm sao mà hiểu được những thứ cổ xưa của Internet Việt Nam 20 năm trước"
Nói thật ra,ếhệthờinaylàmsaomàhiểuđượcnhữngthứcổxưacủaInternetViệtNamnămtrướviettel vs slna thì bất kì thế hệ nào cũng có thể dùng câu này nói về bất kì cái gì với những "hậu duệ" của mình. Nhưng hiện tại, chúng ta – những người thuộc thế hệ này có cơ hội ăn mừng 20 năm Internet phát triển của Việt Nam, ta sẽ có thể tự hào vỗ ngực rằng "chúng ta thuộc thế hệ đầu tiên được phổ cập Internet".
Đó là những ngày đầu của những năm 2000, mạng Internet bắt đầu len lỏi xuống từng con phố dưới dạng những hàng "cafe Internet". Lúc ấy trên cái màn hình lồi ấy làm gì có gì nhiều! Nhưng nó lại là cánh cổng dẫn lối cho cả một thế hệ hội nhập được với thế giới.
Lúc ấy, là thời hoàng kim của Yahoo! Messenger
Đây có lẽ là phần mềm đầu tiên bất kì ai bật lên khi ngồi xuống cái máy tính của "quán nét" thời ấy. Phải lên để kiểm tra xem bạn bè mình ai đang Online, ai đang treo status tâm trạng chứ! Đó là cái thời trước khi mạng xã hội tồn tại, trước những Facebook, Twitter hơi có chút hỗn loạn của ngày nay.
Thế hệ mới này sẽ không thể hiểu được cái thời chia sẻ webcam cho nhau phải thông qua những thủ tục nhiêu khê như thế nào. Mà có phải máy nào cũng sẵn có webcam đâu. Phải may mắn lắm mới vớ được một cái máy "đủ ngon" để có thể ngồi vừa chat, vừa webcam "thả thính" đối tượng.
Nhắc tới đó mới nhớ, chắc chắn rằng những người hay "đi nét" của thời ấy ai cũng PHẢI có một cửa hàng quen, trong đó sẽ PHẢI có một máy quen – thường là cái máy ngon nhất nhì quán. Bước vào cửa hàng mà thấy cái máy ấy bị ai đó ngồi mất, cảm thấy như người yêu mình đang nắm tay một kẻ xa lạ nào đó vậy. Bối rối và bực bội lắm.
Thế hệ mới này sẽ không thể hiểu được những chiêu trò của Yahoo ngày xưa đâu. Chúng tôi đã phải tự kết bạn với tài khoản của mình, khoảng một vài đến vài chục cái, sắp xếp chúng thành một danh sách riêng, mỗi cái sẽ có một dòng "status – trạng thái" ở bên, ghép thành một hình hoa mỹ gì đó.
Và thế hệ mới này sẽ không thể hiểu được cái "=))" hình thù ra sao, nguồn gốc là cái gì đâu. Đó là biểu tượng "rolf – rolling on the floor laughing - cười lăn lộn" trong Yahoo! Messenger. Ấn hình đó vào, sẽ có một "thằng người" cười lăn lộn hiện ra. Chẳng ai chỉ bảo, chúng tôi cứ tự mặc định là càng nhiều dấu ")" – kiểu "=))))))))" này này – thì sẽ là cười càng to.
Đi đôi với ngôi vương của Yahoo! Messenger, đó là Blog360.
Chúng tôi đã là những lập trình viên "thiên tài". Theo những mẫu có sẵn, chúng tôi đã tạo ra những trang blog hào nhoáng, lấp lánh và được đính đủ loại hình hoạt họa bắt mắt, embed những giai điệu của các bài hát nóng nhất đương thời. Độ "chất" của một người sẽ phụ thuộc vào độ "chất" Blog của họ.
Cho thế hệ mới chưa biết nó là cái gì, thì Blog gần như là một trang web của riêng bạn. Bạn tự mình thiết kế nó, tự tạo ra nội dung trên trang có cái gì. Thông thường, trên đó sẽ là nơi viết những dòng tâm sự tuổi hồng đầu đời, là nơi trút ra những muộn phiền trong học tập và trong cuộc sống, có lẽ cũng đã là nơi "luyện viết văn" của những bạn trẻ, những anh chị hơi già hơn chút xíu đang xuất bản sách bây giờ.
Blog360 phù hợp với các chị em hơn, còn cánh "mày râu" chưa râu hồi ấy lại đắm đuối với những thứ khác.
Đó là những trò chơi điện tử hào nhoáng. Đó là những công cụ giúp chúng ta cùng chơi những trò chơi điện tử hào nhoáng ấy. Trước khi Garena tồn tại, đó là Hamachi.
Hamachi là một hệ thống giả LAN cho phép những trò chơi cho phép chơi LAN có thể được kết nối với nhau. Hamachi không phải là phần mềm duy nhất như vậy, nhưng có lẽ nó phổ biến nhất với lũ "mọt game" chúng tôi thời ấy. Phải thông qua Hamachi, chúng tôi mới có thể ngồi cày quốc Diablo 2, Đế chế hay thậm chí là cả đánh bài Yu-gi-Oh với nhau.
Sau này, Garena xuất hiện, chúng tôi đã có một nền tảng ổn định hơn, chính thống hơn để mà chơi Đế Chế, chơi WarCraft 3 với những map huyền thoại như D-Day, X-Hero Siege, Moo Moo. Ngày đầu của DotA cũng bắt đầu như vậy đấy: từ những hàng Internet cũ kĩ nằm la liệt ven đường.
Ngành game cũng đã đi được xa phết đấy nhỉ, từ cái thời vẫn còn ngồi "nét cỏ" chơi với nhau, mà giờ Việt Nam ta đã có đội tuyển e-sport – thể thao điện tử đi tham dự giải vô địch thế giới.
Không thể chỉ nói chuyện trên Yahoo xong gặp nhau trên game, ngoài hàng net đơn giản thế được. Chắc hẳn chúng tôi đã phải có một nền tảng nào đó để mà giao lưu rộng hơn chứ.
Đúng, ấy là forum – một dạng "mạng xã hội" của những con người cũ kĩ chúng tôi xưa kia.
Mỗi một forum sẽ chuyên về một thứ: nào là game (GameVN, Gamethu ...), nào là ô tô (otofun, ...), nào là Anime (VnSharing ...), nào là ... đủ thứ trên đời (truongton.net). Từng forum lại được chia thành những "box" nhỏ, lại có những chủ đề nhỏ liên quan để mà bàn tán.
Tình bạn, tình thù hình thành từ trên forum nhiều lắm. Chỉ một vài câu đá đưa, toàn bộ một thread – mà giờ còn hay gọi là "thớt" đó, sẽ biến thành một cuộc tranh luận nảy lửa. Nhưng cũng có trường hợp từ một vài câu đá đưa, người ta đã thành vợ thành chồng, thành bạn chí cốt cho tới tận bây giờ - thời điểm 20 năm sau khi Internet bước vào Việt Nam.
Internet thời non trẻ và những người dùng Việt thời còn trẻ đơn giản vậy đó.
Không ngoa khi nói rằng cơn sốt forum khiến cho việc chia sẻ phần mềm trở nên phổ biến tại Việt Nam. Nhưng trước khi cơn sốt ấy tới, người dùng Internet chúng tôi đã phải làm gì để có được những phần mềm, những game mình muốn?
Thời xa xưa ấy, việc tải – download bất kì một thứ gì về vẫn chưa phổ biến lắm. Đa số phần mềm hay trò chơi đều được bán dưới dạng đĩa. Những "nhà phát hành ven đường" tại Việt Nam – với những cái tên huyền thoại như Thúy Vy Computer hay chỉ đơn giản là "quán đĩa đối diện Đại học Thủy Lợi" – sẽ là nơi phân phát những phần mềm ấy.
Đĩa cài Windows, đĩa cài các phần mềm thông dụng, đĩa game, ... đều có đầy đủ tại đó. Mỗi người đến mua sẽ được phát cho một quyển album to đùng, trên đó là hình của các phần mềm, các game nổi tiếng để người tiêu dùng chọn lựa. Giá đĩa đắt thì 15.000 VNĐ/DVD, mà bình dân thì là 7.000 VNĐ/VCD.
20 năm sau khi Internet phổ cập vào Việt Nam, việc tải về bất cứ cái gì đã đơn giản hơn rất nhiều. Ta có trong tay công cụ cực kì mạnh mẽ mang tên Google, "trên Google cái gì cũng có" – đến cả bố tôi, một người về cơ bản là mù công nghệ, cũng nói như vậy.
Đã 20 năm trôi qua, kể từ ngày 19/11/1997, Ban điều phối Quốc gia Mạng Internet chính thức khai trương dịch vụ Internet tại Việt Nam, nhưng thời kì Internet bùng nổ có lẽ là khoảng những năm 2000, khi mà giá cước Internet giảm liên tục khiến lượng người dùng tăng mạnh. Cũng trong khoảng thời gian ấy, năm 2003, Mega VNN cho người tiêu dùng chúng ta thưởng thức tốc độ tuyệt vời của công nghệ băng thông rộng ADSL. Đó là dấu mốc quan trọng đánh dấu thời điểm ta mở rộng cánh cửa hội nhập hơn bao giờ hết.
20 năm trôi qua, nhớ lại một chút về quá khứ huy hoàng, về lịch sử phát triển của Internet để xem ta đã trải nghiệm được những gì.
Theo GenK