Các trường có thể được quyền chọn SGK là nội dung dự thảo quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở GDTX,ềnchọnsáchgiáokhoachotrườngHợplýnhưngcầntránhsựcanthiệsoi kèo bóng đá tối nay Bộ GD-ĐT đang xin góp ý của dư luận.
Cá nhân tôi - một giáo viên bậc THCS, rất tán đồng với dự thảo trao quyền chọn lựa sách giáo khoa (SGK) cho nhà trường. Điều này là do hơn bất kỳ ai, chính thầy cô, người trực tiếp đứng ra giảng dạy sẽ thấu hiểu và nhận thấy rõ được ưu điểm, khả năng ứng dụng của từng bộ SGK, để từ đó có cách lựa chọn phù hợp nhất.
Tuy nhiên, sự lựa chọn này cũng nên được đặt trong mối quan hệ tương quan, nghĩa là có tham khảo và lắng nghe ý kiến từ phụ huynh và học sinh. Kỳ thực, việc cho phép nhà trường được lựa chọn SGK phù hợp với thực tế giảng dạy của riêng họ là điều hoàn toàn hợp lý.
Nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã áp dụng chính sách này, trao quyền tự chủ trong giảng dạy cho giáo viên, nhằm mục đích khơi gợi nguồn cảm hứng, phá bỏ hoàn toàn những rập khuôn không đáng có trong giảng dạy.
Điển hình như trường hợp của người bạn tôi đang công tác tại một trường THPT ở Canada, chia sẻ rằng tại quốc gia này, không có quy định về một bộ SGK tiêu chuẩn, phải áp dụng đại trà cho từng môn học. Người đứng lớp có thể tự do chọn SGK phù hợp với mục tiêu giảng dạy của bản thân nhưng vẫn phải soạn thảo giáo án dựa trên nội dung cơ bản cần có cho mỗi tiểu bang đề ra.
Tuy nhiên, việc không phụ thuộc vào SGK mẫu đã mở rộng sự linh hoạt, khơi nguồn cảm hứng cho giáo viên. Đó cũng là cơ sở giúp học sinh có những trải nghiệm phong phú trong học tập.
Quay lại với tình hình thực tế ở nước ta, việc trao quyền lại cho nhà trường, đặc biệt là giáo viên được lựa chọn bộ SGK là một điều hoàn toàn hợp lý. Cũng bởi, mục tiêu chung của chương trình giáo dục phổ thông theo hướng mở, đòi hỏi người học phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất. Mục tiêu chung này vì lẽ đó sẽ được chú trọng hơn là yêu cầu về chi tiết thời lượng hay cách thức tiến hành một bài giảng phải dạy như thế nào.
Trên tinh thần đổi mới ấy, giáo viên sẽ thông qua các thiết kế bài dạy giúp cho học sinh thấu hiểu được nội dung. Đương nhiên, hoạt động này sẽ dựa trên cơ sở bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt mà chương trình đã quy định. Giáo viên vì lẽ đó hoàn toàn có thể linh hoạt lựa chọn và sử dụng một hoặc kết hợp nhiều SGK hoặc nguồn tư liệu khác nhau để dạy học.
Từ tinh thần ấy, giáo viên chúng tôi còn hình dung đến viễn cảnh một ngày có thể được quyền tự soạn học liệu để giảng dạy mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào một cuốn SGK nào cả. Bản thân tôi còn nhớ thời điểm ngay lúc ban đầu với nhiều bỡ ngỡ ấy, tổ chuyên môn của chúng tôi đã họp khá nhiều về quá trình chủ động thiết kế lại các bài học trong SGK.
Cụ thể, chúng tôi dự định sẽ chia bài học thành các chủ đề cụ thể. Song song đó, các thầy cô cũng thảo luận về việc sẽ tiến hành những thay đổi nhất định trong phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá...
Tuy nhiên, mọi việc không được diễn ra như kế hoạch chúng tôi mường tượng. Việc hạn chế số lượng các bộ sách chỉ trong con số 3, rồi người chọn sách là phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT. Việc lựa chọn sẵn từ trên rồi áp đặt xuống khiến giáo viên rơi vào trạng thái thụ động, nhiều phương diện đổi mới không được thực hiện triệt để trong thực tế.
Do đó, dự thảo cho phép từng trường được chọn SGK là một tín hiệu đáng vui mừng. Có lẽ, mọi khởi đầu nào cũng khó khăn nhưng rất mừng là mọi việc đã đi đúng hướng, phát triển theo hướng khai mở và tiến bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tốt đẹp, mỗi nhà trường cần có những quy chế chặt chẽ để hiệu trưởng hạn chế sự can thiệp và thao túng vào quyết định lựa chọn SGK. Bên cạnh đó, để đa dạng hơn nguồn học liệu, chúng ta cần bổ sung nhiều hơn nữa những bộ SGK thay vì chỉ gói gọn 3 bộ như hiện tại.
Chúng ta có thể tận dụng những nguồn học liệu do giáo viên tự biên soạn, được nhà trường thẩm định qua để đa dạng hơn các nguồn dữ liệu. Việc thay đổi các phương pháp đánh giá, chủ yếu dựa trên kiểm tra năng lực làm mục tiêu thay vì chỉ tập trung hỏi về kiến thức theo dạng ghi nhớ, học thuộc lòng như trước đây.
Ngoài ra, việc lựa chọn SGK cũng nên tham khảo ý kiến của người học. Cũng bởi chính các em học sinh, những người đang sử dụng sách, mới biết rõ công dụng, hiểu được những điều cần và chưa cần của sách. Song song đó, trong suốt quá trình giảng dạy, giáo viên và học sinh có thời gian tương tác, giao lưu từ đó phát hiện ra những bất cập, hạn chế của các bộ SGK.
Mỗi bộ sách đều có những ưu điểm. Thậm chí, nếu không thể lựa chọn cả bộ sách, chúng ta có thể chọn từng cuốn trong từng bộ sách, sao cho phù hợp với tiêu chí học tập và giảng dạy.
Nhìn chung, SGK hiện nay không còn là pháp lệnh bắt buộc như chương trình giảng dạy trước đây. SGK chỉ tài liệu tham khảo nên hoàn toàn có thể thống nhất ý kiến giữa thầy và trò, không cần phải chờ quyết định của hội đồng cấp trên.
Xét về lâu dài, chúng ta cần hướng đến việc lựa chọn SGK (học liệu) ở mức độ cá nhân, tức là khoanh vùng riêng biệt ở từng thầy cô và học sinh, chứ không phải chỉ dừng lại ở cấp trường. Đó là cơ sở cần thiết cho việc hướng tới một nền giáo dục khai phóng và dân chủ.
Khôi Hoàng(Giáo viên THCS tại quận Tân Phú, TP.HCM)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Độc giả có ý kiến về vấn đề này có thể gửi vào phần bình luận của bài viết hoặc gửi về email [email protected]. Xin cảm ơn.