Trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Thoại (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Đại tá Doãn Mậu Hòe ngồi cặm cụi lau chùi những kỷ vật của một thời hoa lửa. Đó là những quyển giáo án, bút kim sinh, chiếc mũ rơm, bi đông đựng nước… những thứ đã gắn liền với ông qua hai cuộc chiến. Dù đã bước qua tuổi 80 nhưng ông giáo già vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn theo đúng phong cách nhà binh.
Những học trò đặc biệt
Đại tá Hòe kể: “Năm 1949, tôi tốt nghiệp lớp đệ tứ (lớp 12 - PV) và thi đậu vào trường sơ cấp sư phạm ở Quế Sơn. Nhưng đúng ngày khai giảng thì tôi nhận được lệnh lên đường gia nhập quân đội, trong đợt tổng phản công chống Pháp. Sau thời gian rèn luyện ở phân hiệu Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn - Liên khu V, tôi về chiến đấu tại Đại đội 216, Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 108, tham gia nhiều chiến dịch đánh Pháp ở mặt trận miền Trung, Tây Nguyên”.
Sau năm 1954, ông theo Trung đoàn 108 tập kết ra Bắc và giữ chức vụ chính trị viên tiểu đoàn. Ở đơn vị, ông thường mở lớp dạy kèm các môn như văn, toán, tiếng Pháp… cho các chiến sĩ. Thấy ông có trình độ văn hóa, năm 1957, Tổng cục Chính trị cử ông đi học lớp bồi dưỡng giáo viên trợ lý văn hóa. Kết thúc khóa học với tấm bằng loại giỏi, ông được phân công về dạy bổ túc văn hóa cho các đồng chí ở Tổng cục Chính trị, Hậu cần, Tham mưu… Trong quá trình giảng dạy, Tổng cục thông báo sẽ tuyển chọn hai người ưu tú nhất trong số gần 40 giáo viên đứng lớp để dạy văn hóa cho sáu vị tướng là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu và Thiếu tướng Phạm Kiệt. Lúc này có rất nhiều ứng cử viên “đắt giá” mang học hàm, học vị cao vừa đi du học ở nước ngoài về tham gia tuyển chọn.
Cuối cùng, Tổng cục Chính trị quyết định chọn ông dạy hai môn lý, hóa và một người nữa dạy toán cho sáu vị tướng tại nhà riêng. “Khi biết mình được chọn làm giáo viên cho các vị tướng, tôi vừa mừng vừa run. Lúc đó tôi chỉ là một anh lính 25 tuổi, mang quân hàm thượng úy, còn họ đã là những tướng lĩnh nổi tiếng, chỉ huy hàng ngàn người. Trước mặt thủ trưởng, liệu tôi có đủ can đảm đứng lớp…” - ông Hòe tâm sự.
Sau một đêm trằn trọc, hôm sau ông mang giáo án đến lớp… nhận học trò. Buổi lên lớp đầu tiên của ông diễn ra tại nhà riêng Thiếu tướng Phạm Kiệt (116 Lý Nam Đế, Hà Nội) với đầy đủ sáu “ông học trò” mang quân hàm cấp tướng. Lần đầu đứng trình bày trước các vị tướng, anh giáo trẻ loay hoay không biết xưng hô thế nào cho phải phép. Nhớ lại giây phút đó, ông Hòe ngượng ngùng cười: “Mở đầu, tôi nói: “Mời sáu thủ trưởng mở sách vở chép bài, chúng ta bắt đầu buổi học”. Giọng nói tôi run run khiến các vị học trò phía dưới tủm tỉm cười. Thấy tôi xưng hô lúng túng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề xuất: “Theo tôi, khi vào lớp học, giáo viên gọi chúng tôi là anh. Còn chúng tôi gọi giáo viên là thầy. Khi ra thao trường thì trở lại là thủ trưởng và đồng chí”. Từ đó tôi mới mạnh dạn xưng hô và công việc đứng lớp diễn ra suôn sẻ”.
Thầy giáo - Đại tá Doãn Mậu Hòe. Ảnh: TẤN TÀI |