"Pháo đài bay" thất thủ
Bốn mươi tám năm trôi qua nhưng ký ức về một thời đạn bom và trận địa “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi in sâu trong trí nhớ người dân làng hoa Ngọc Hà (Ba Đình,ệnvềngườiphụnữHàthànhmấttrướcđámcướimộtngàkết quả shonan bellmare Hà Nội).
Mười hai ngày đêm, giặc Mỹ trút bom xuống Hà Nội, hàng trăm người dân Thủ đô thiệt mạng.
Đêm 27/12/1972, một chiếc máy bay B52 bị quân và dân ta bắn trúng. Một phần xác máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp - thuộc khu vực làng hoa Ngọc Hà.
Xác máy bay giữa lòng hồ Hữu Tiệp. |
Bà Đoàn Thị Hiển (SN 1953) - Tổ trưởng Tổ dân phố số 8 phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) đồng thời là nhân chứng vụ máy bay rơi chia sẻ: “Năm 1972 tôi mới 19 tuổi từ Gia Lâm về làng làm dâu. Khi ấy, tôi làm công nhân xí nghiệp quản lý nhà và tham gia lực lượng tự vệ Ngọc Hà bảo vệ Hà Nội”.
Chín giờ tối 27/12, máy bay địch bắt đầu quần thảo, dội bom xuống Thủ đô. Tiếng kẻng báo động, tiếng phát thanh liên tục vang lên: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý… máy bay địch cách Hà Nội… km”. Mọi người nhanh chóng di chuyển xuống hầm trú ẩn an toàn.
Hai mươi ba giờ đêm, một chiếc máy bay chưa kịp cắt bom đã bị bắn rơi. Đơn vị bắn chiếc B-52 rơi xuống làng hoa Ngọc Hà là Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 thuộc Đoàn Phòng không Hải Phòng. Ngày 22/12/1972, Tiểu đoàn 72 đang chiến đấu bảo vệ Hải Phòng, nhận được lệnh lên tăng cường cho Hà Nội.
Sau khi bị trúng tên lửa, chiếc B-52 đã nổ tung thành nhiều mảnh. Thân, động cơ và cánh máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp.
Bà Đoàn Thị Hiển tham gia công tác địa phương, làm tổ trưởng tổ dân phố được 13 năm. |
Cả bầu trời đêm sáng lòa khi xác chiếc máy bay ngùn ngụt cháy. Dân làng náo loạn, đổ xô ra xem “pháo đài bay” lừng lẫy của địch thất thủ.
Người phụ nữ này kể, một phần máy bay rơi xuống lòng hồ, một nửa rơi trên đường Hoàng Hoa Thám. Ánh sáng từ đám cháy soi cả một vùng.
Xác chiếc máy bay có 47 quả bom. Nhiều quả rơi ra ngoài cắm sâu xuống lòng đất, quả nằm ngay trên đường làng... Bộ đội công binh được cử đến giúp dân tháo gỡ bom mìn. Một tuần sau mới dọn sạch.
“Nếu số bom đó được kích hoạt, có lẽ làng Ngọc Hà bị san phẳng, đau thương chẳng kém Khâm Thiên”, bà Hiển nhớ lại.
Đám cưới dang dở
Đêm định mệnh đó cũng là kỷ niệm đau thương với gia đình bà Hiển. Trong trận mưa bom, gia đình bà chịu tổn thất về người.
Một quả bom rơi làm sập hầm trú ẩn, 4 người thiệt mạng. Trong đó bao gồm anh chồng, chị chồng và 2 người bạn của gia đình bà Hiển.
Giọng xúc động bà nhớ lại: “Gia đình chồng tôi sống lâu đời ở làng hoa. Ngày xưa quanh nhà tôi là vườn hồng, vườn hoa cẩm chướng. Cả làng chuyên trồng hoa Tết, tháng Tám là bắt đầu trồng”.
Hàng năm, bà Hiển đều làm giỗ để tưởng nhớ anh chị chồng xấu số. |
Năm máy bay B-52 rải thảm, bố mẹ chồng bà Hiển ở gian nhà phía trước. Anh chồng bà Hiển chuyên chở hàng quân khí vào miền Nam. Dịp cuối tháng 12/1972, anh chồng bà Hiển về phép vài ngày nên có 2 người bạn đến chơi.
Chín giờ tối ngày 27/12, tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, tất cả chạy xuống hầm ẩn nấp, đợi máy bay đi mới lên.
Đến 10h hơn, máy bay địch quay lại bắn phá. Mọi người quay xuống hầm nhưng đến nửa đường, bà Hiển kéo chồng ngược lại, bảo sang hầm nhà hàng xóm, vì bên đó rộng hơn.
Hầm của gia đình bà Hiển còn 4 người nấp, đó là chị chồng, anh chồng và 2 người bạn kia. Hầm nhà bà Hiển nằm sát khu trường học, một quả bom rơi xuống trường, thanh xà ngang của trường học xiên vào hầm. Khi quả bom phát nổ, hầm sập khiến cả bốn người đều không qua khỏi.
Sáng hôm sau, dân làng thu dọn tàn tích, giúp gia đình bà Hiển đưa thi thể lên. “Tôi ám ảnh mãi cảnh 4 người đặt trên chiếc giường. Anh chồng tôi bị bỏng nhưng mặt còn nguyên vẹn như đang ngủ”, đôi mắt đỏ hoe, bà nhớ lại.
Bà Hiển tâm sự, đau xót nhất là chị chồng bà tên Dương Thị La (SN 1936). Người phụ nữ này vốn đẹp có tiếng ở làng. Bà Hiển mô tả: “Chị chồng tôi có làn da trắng bóc, đôi mắt sâu, trong veo”.
Gia đình có 8 người con, bà La là con thứ 4, thường bán hoa trên phố Hàng Bạc. Mặc dù nhiều người cầu hôn nhưng bà muốn ở vậy, đỡ đần bố mẹ.
Năm 36 tuổi, bà nhận lời kết hôn với vị cán bộ Nhà nước.
Tình cảm hai người tốt đẹp, đã đưa nhau đi mua sắm giường cưới, chăn màn và trang phục cưới, chỉ đợi đăng ký kết hôn.
Họ dự kiến sáng sớm ngày 28/12 ra phường làm thủ tục nhưng chẳng ngờ đêm 27/12, bà La mất.
Phòng tân hôn còn đó. Đám cưới chưa kịp thực hiện biến thành đám tang. Chiếc áo sơ mi cưới còn thơm mùi vải mới, được mặc lúc bà La nhập quan.
Một góc nhỏ phường Ngọc Hà ngày nay. |
“Lúc đưa chị dưới hầm lên, chồng chưa cưới của chị có mặt. Anh đội khăn tang, lo chu toàn đám ma. Hơn ba năm sau, đoạn tang chị La, anh mới đi lấy vợ”, bà Hiển nghẹn ngào.
Mỗi dịp Tết hay giỗ anh, chị chồng, bà đều nhang khói, làm mâm cơm tưởng nhớ người đã khuất.
“Chiến tranh không tránh khỏi mất mát, hi sinh nhưng đã qua rồi, mình phải sống vì tương lai. Tôi vẫn dạy con cháu phải trân trọng quá khứ và nâng niu cuộc sống hiện tại. Qua đau thương mới thấy bầu trời hòa bình là đáng quý nhất”, bà tâm sự.
Chuyện chưa kể về chiếc máy bay nằm giữa lòng hồ ở Hà Nội suốt 48 năm
Suốt 48 năm qua, xác chiếc máy bay B-52 vẫn nằm ở lòng hồ Hữu Tiệp (Ngọc Hà, Ba Đình Hà Nội). Vài năm gần đây, trên thân máy bay bất ngờ mọc lên một cây lộc vừng.