Sau 1 năm dạy học trực tuyến,ácGiámđốcSởty so bibao hầu hết các giáo viên đều đã dần quen với cách thức dạy học mới và cũng bắt đầu có những sự “chuyển mình” nhất định.
Giáo viên ngoài sự chuẩn bị về bài giảng cũng học cách thích ứng với công nghệ, tìm kiếm những hình thức giảng dạy mới để giờ học trực tuyến trở nên hiệu quả, hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn khi dạy học theo hình thức này.
Theo cô giáo Vũ Thị Giới, giáo viên Trường Tiểu học Minh Đức (Hải Phòng), giáo viên lớp 1 sẽ vất vả hơn trong việc hướng dẫn học sinh.
“Ở trên lớp, mình có thể đến tận chỗ học trò để hỗ trợ, nhắc nhở; còn dạy trực tuyến, giáo viên không thể quán xuyến hết được học sinh đang làm những gì. Chưa kể, giáo viên còn phải quay clip hướng dẫn, rồi giao bài tập. Sau đó, phụ huynh sẽ giúp con quay clip phần trả bài để giáo viên kiểm tra”.
Cô Giới cũng nhìn nhận việc dạy học trực tuyến thực tế chưa quá hiệu quả và cô cũng chưa cảm thấy hài lòng về chất lượng bài giảng đạt được.
"Giáo viên vẫn phải chia thời gian ra để dạy cả ngày. Nhiều gia đình chỉ có điện thoại của bố mẹ nên đến tối, giáo viên mới có thể dạy được. Như vậy, gần như không có thời gian để trau chuốt giáo án”, cô Giới nói.
Vì thế, theo cô Giới, nếu Bộ GD-ĐT xây dựng kho học liệu trực tuyến, từ đó giáo viên có thể tải về, chỉnh sửa cho phù hợp với bài học, học sinh của mình thì việc giảng dạy cũng đỡ vất vả và tiết kiệm thời gian hơn.
Nhiều kiến nghị với Bộ GD-ĐT về dạy học trực tuyến (Ảnh minh họa)
Các tỉnh, thành cùng đóng góp vào kho học liệu số?
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An thừa nhận còn nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến, nhất là với những học sinh lớp 1 – 2, độ tuổi còn nhỏ và chưa có khả năng tự học.
Phương án được Nghệ An đưa ra là cho học sinh độ tuổi này học vào buổi tối để phụ huynh có thể hỗ trợ. Ngoài ra, Sở cũng “đặt hàng” một số Phòng GD-ĐT làm video bài học trực tuyến, kết hợp với tư vấn, gửi đến phụ huynh, giúp các cha mẹ nắm được phương pháp và cách thức đồng hành cùng con em mình trong học tập.
Một khó khăn khác với các huyện miền núi của Nghệ An, theo ông Thành, mặc dù trong một năm qua, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực kêu gọi xã hội hóa, xin các điện thoại smartphone cũ phục vụ cho việc học của học sinh miền núi, nhưng đến nay số lượng mới chỉ đáp ứng được 60%.
Trong trường hợp thiếu phương tiện học tập trực tuyến, giáo viên vẫn phải đến từng nhà để giao bài và chữa bài cho học sinh.
Do đó, ông Thành mong Bộ GD-ĐT tăng cường kho học liệu số để thuận lợi hơn cho việc dạy học.
“Chuyện để một tỉnh tự xây dựng kho học liệu sẽ rất vất vả. Do đó, Bộ có thể giao nhiệm vụ cho các tỉnh, thành đóng góp số lượng bài giảng nhất định cho mỗi môn học ở các cấp. Ngân hàng bài giảng này sẽ trở thành một kho học liệu dùng chung cho cả nước.
Việc các tỉnh san sẻ cho nhau sẽ rất nhanh, thậm chí nhờ đó, học sinh có thể được học đa dạng từ những giáo viên giỏi trên cả nước”.
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng cho rằng, những bài giảng trong kho dữ liệu sẽ mang tính chất định hướng. Trên cơ sở đó, giáo viên các nơi có thể triển khai giảng dạy, thậm chí học sinh có thể tự học trực tiếp dựa trên bài giảng ấy và vai trò của giáo viên chỉ mang tính định hướng, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của học sinh.
Cần nhiều hướng dẫn cụ thể
Cho rằng việc triển khai dạy học trực tuyến được áp dụng mạnh mẽ trong những năm qua, nhưng ông Phan Thành Công, Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình nhận định tính thống nhất trong việc triển khai dạy học trực tuyến hiện vẫn chưa cao, phần nào mới chỉ thể hiện tính chủ động, tự phát từ phía các đơn vị. Ví dụ, các trường tự lựa chọn, sử dụng phần mềm và tự đánh giá để đưa vào sử dụng.
Vì thế, ông Công mong Bộ GD-ĐT thống nhất lựa chọn phần mềm, định hướng và tập huấn cho giáo viên về các tiêu chí xây dựng nội dung bài giảng, từ đó đem lại sự thống nhất trên cả nước.
Một tiết học Hóa ở Trường THCS Lê Quý Đôn (Bắc Giang). Ảnh minh họa: Báo Bắc Giang |
Tại Bắc Giang, từ tháng 3/2020 - khi dịch Covid-19 bùng phát, Sở GD-ĐT đã chủ động trao đổi với Microsoft Việt Nam và được tặng 500.000 tài khoản Microsoft Teams miễn phí.
“Nếu mua, số tiền để có số tài khoản này mỗi năm khoảng 350 tỷ đồng, bởi mỗi tài khoản có phí khoảng 700.000 đồng/năm.
500.000 tài khoản này được chia cho toàn bộ giáo viên và học sinh của cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT”, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang tính toán.
Theo ông Khoa, với nền tảng này, Bắc Giang có thể thực hiện việc dạy học trực tuyến đồng nhất trên toàn tỉnh.
“Vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức ôn luyện và thi thử trực tuyến cho tất cả các học sinh khối 12 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT với số lượng hơn 20.000 em. Như vậy, từ việc học tập đến giao bài, rồi thi thử đều có thể thực hiện đồng loạt, linh hoạt”.
Ông Khoa cho hay, Sở GD-ĐT cũng hướng dẫn cho các trường về thời lượng việc học trực tuyến, cố gắng không kéo quá dài, từ 30-35 phút/tiết.
“Học trực tuyến phải chấp nhận cả việc một nhóm học sinh phải học trên điện thoại thông minh do chưa có hoặc chưa đủ máy tính hoặc các thiết bị với màn hình lớn, dễ căng thẳng mắt. Trong trường hợp các nhà trường phải học trực tuyến hoàn toàn, sẽ có những nội dung, kiến thức được tinh giản so với học trực tiếp”, ông Khoa nói.
Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng, thời gian qua các giáo viên cũng đã vận hành, nhưng thực tế đang mới chỉ dạng “đáp ứng trước”, còn để đạt mức cao hơn, mang lại chất lượng dạy học hơn thì đây là bài toán.
"Cơ bản đến nay, vẫn chủ yếu do các địa phương chủ động, giáo viên tự học, chứ chưa có chương trình đào tạo bài bản về dạy học trực tuyến”, ông Khoa nói, song cũng bày tỏ thông cảm bởi hành lang pháp lý của hình thức dạy học này cũng mới được xây dựng.
Ông Khoa mong muốn, Bộ GD-ĐT xây dựng một nền tảng công nghệ, đường truyền ổn định cho hình thức dạy học này. Cùng với đó, có các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đối với cả giáo viên và học sinh.
Đây cũng là đề xuất của bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông (Hà Nội).
“Chúng tôi mong muốn có nền tảng dạy học trực tuyến ổn định cho thầy trò. Bởi hiện nay, hầu như thầy trò sử dụng các ứng dụng miễn phí, với lượng truy cập lớn cùng lúc sẽ khó có thể có sự ổn định. Để ổn định cần mua bản quyền sử dụng, do đó các nhà trường rất mong Bộ có thể kết nối các nhà cung cấp dịch vụ tạo điều kiện, hỗ trợ các thầy cô và học sinh”, bà Hằng nói.
Thúy Nga – Thanh Hùng
Học online mùa Covid, làm sao tạo hứng thú cho học sinh?
Dù tình huống bất khả kháng nhưng phụ huynh không khỏi băn khoăn, lo lắng khi cho con học online. Theo các giáo viên, có nhiều biện pháp để khắc phục.