Các tầng lớp công thương Hà Nội nô nức ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tháng 9/1945).
Dưới chế độ thực dân,ếnhàngnghìnlượngvàngxâydựngchínhquyềncáchmạbongdaso ty le keo phong kiến, giới công thương Việt Nam (doanh nhân ngày nay) đã ý thức sâu sắc về nỗi đau của người dân mất nước. Ngọn cờ “Đại đoàn kết toàn dân tộc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh như có phép lạ tập hợp mọi tầng lớp đứng lên làm cách mạng. Cùng với các tầng lớp trong xã hội, doanh nhân hăng hái tham gia đấu tranh giành chính quyền ở Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước, xây dựng chính quyền cách mạng do mình làm chủ.
Nhiều nhà doanh nghiệp có điều kiện giác ngộ sớm, biết cách mạng buổi đầu còn khó khăn nên đã tổ chức kinh doanh để có tiền ủng hộ cách mạng như vợ chồng nhà doanh nghiệp Đỗ Đình Thiện. Vợ chồng ông Thiện là chủ của một cửa hàng buôn bán tơ lụa lớn ở Hà Nội, vừa là chủ nhà máy dệt và cả đồn điền lớn ở Hòa Bình. Ông bà luôn ý thức làm giàu để ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến, chủ động đóng góp tiền của cho cách mạng. Năm 1943, trong lúc quỹ của Đảng chỉ còn 24 đồng Đông Dương thì ông bà Thiện đã đóng góp 20.000 đồng Đông Dương để Đảng có quỹ hoạt động.
Đầu năm 1945, vợ chồng ông Thiện lại gửi cho quỹ Đảng 100.000 đồng Đông Dương. Trong ”Tuần lễ Vàng“ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông bà tiếp tục đóng góp 100 lạng vàng. Trong kháng chiến, ông bà Thiện còn ủng hộ nhiều lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Ông Đỗ Đình Thiện là thành viên tham gia trong Đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp năm 1946.
Ngày 24/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về Hà Nội, ở trong nhà một gia đình doanh nhân của Hà Nội là ông bà Trịnh Văn Bô. Ông bà Bô là chủ hiệu Phúc Lợi buôn bán tơ lụa giàu có nổi tiếng Hà Nội lúc bấy giờ.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Bô) là người trực tiếp chăm sóc Bác những ngày đầu Bác đặt chân đến Thủ Đô. Sau này bà nhớ lại: "Chúng tôi thật ngạc nhiên và cảm kích khi thấy một vị lãnh đạo cao cấp của cách mạng lại giản dị, gần gũi như vậy. Khi đó tôi chưa biết "Ông Cụ" chính là Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch nước đầu tiên của dân tộc ta... Hàng ngày, nếu có ai ở nhà hoặc họp ở nhà thì tôi chuẩn bị bữa sáng và hai bữa cơm trưa, cơm chiều. Đến tối, tôi nấu một nồi cháo để bồi dưỡng cho Bác và các anh họp khuya, hôm thì cháo gà hôm thì cháo cá... Các anh mới ở chiến khu về, công tác vất vả, có anh mới ở tù ra nên ai cũng gầy gò...".
Ngày 2/9/1945, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập và lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp báo cáo trước quốc dân đồng bào về nhiệm vụ cần kíp khôi phục kinh tế đất nước. Chủ trương của Chính phủ sẽ kiến thiết nền kinh tế quốc dân để ai nấy tự do kinh doanh. Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh.
Ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà công thương Hà Nội. Ngày 13/10/1945, Bác Hồ gửi thư cho giới công thương Việt Nam. Người khẳng định mối quan hệ hữu cơ giữa "việc nước và việc nhà": "Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng." Giới doanh nhân cả nước cần tích cực tham gia các phong trào yêu nước của Chính phủ.
Sau Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ gặp khó khăn trăm bề, tình hình tài chính hết sức eo hẹp, ngân khố chỉ còn vẻn vẹn 1 triệu 20 vạn đồng Đông Dương. Trong những ngày tháng khó khăn đó, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 5.147 lượng vàng (tương đương hai triệu đồng Đông Dương cho cách mạng).
Ngôi nhà của ông bà Trịnh Văn Bô ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội) cũng là nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập; nơi Trung ương họp những ngày đầu về Thủ đô (hiện nay ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành Di tích lịch sử và cách mạng). Nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô là Ủy viên Thường trực của Ủy ban hành chính Hà Nội lúc bấy giờ. Ông cùng vợ tham gia tích cực vận động các nhà tư sản Hà Nội ủng hộ tiền của cho Chính phủ trong "Tuần lễ Vàng" từ ngày 17 đến 24/9/1945.
Noi gương ông bà Trịnh Văn Bô, giới doanh nhân Hà Nội đã đóng góp cho Chính phủ cách mạng 370kg vàng và hơn 1 triệu đồng Đông Dương. Bà Trịnh Văn Bô còn vận động giới doanh nhân tham gia góp vốn để thành lập Việt Nam công thương ngân hàng. Toàn quốc kháng chiến, gia đình ông bà lên Việt Bắc tham gia kháng chiến.
Nhà tư sản Ngô Tử Hạ - một ông chủ ngành in của người Việt lúc bấy giờ cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cẩn, mời tham gia chính quyền mới. Ông Ngô Tử Hạ là chủ nhà in Ngô Tử Hạ, nơi lần đầu tiên in đồng bạc cụ Hồ; là vị đại biểu cao tuổi nhất của Quốc hội khóa I, được cử làm Chủ tịch Đại hội đồng, tham gia Ban Thường trực Quốc hội.
Ngày 2/3/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai mạc. Ông Ngô Tử Hạ với tư cách Chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội đọc Tuyên ngôn của Quốc hội trước quốc dân đồng bào. Ông còn là một trong những người sáng lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tức là Mặt trận Liên Việt lúc bấy giờ. Ông cũng là người đóng góp một khối lượng tài sản không nhỏ cho kháng chiến và kiến quốc.
Ông Ngô Tử Hạ là người đứng đầu Hội cứu tế, cứu đói của Chính phủ đã hoạt động tích cực, tận tụy vào cuộc đấu tranh chống giặc đói, góp phần vào việc giữ nước trong những ngày đầu gian nan. Hiện tại, con cháu ông còn lưu giữ những bức ảnh rất sinh động về hoạt động cứu tế của ông: Đó là cảnh ông mặc áo the, khăn xếp, kéo xe bò đi đầu đoàn người qua các phố của Hà Nội kêu gọi quyên góp tiền bạc cứu đói; cảnh ông đi kiểm tra và áp tải vận chuyển gạo trên đoàn xe điện Hà Nội-Hà Đông; cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Ngô Tử Hạ làm lễ cầu siêu cho 2 triệu người chết đói tại Nhà thờ lớn Hà Nội...
Ngày 31/1/1946, nhà in Ngô Tử Hạ là nơi được tin cậy, nhận trọng trách in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nhân dân thời đó thường gọi là “đồng bạc cụ Hồ.” Đồng tiền của chế độ mới có mệnh giá: 100 đồng, 50 đồng, 20 đồng, 10 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào... Tất cả những đồng tiền kể trên được in tại nhà in Ngô Tử Hạ, sau đó được vận chuyển về Bộ Tài chính ký và đóng dấu, đóng số sêri rồi mới được phát hành. Những “đồng bạc cụ Hồ” được in và phát hành kịp thời không những đáp ứng nhu cầu chi dùng cho Chính phủ và nhân dân mà còn thống nhất tiền tệ, khẳng định chủ quyền độc lập của quốc gia.
Nhận xét về ông Ngô Tử Hạ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Cụ Ngô Tử Hạ là một nhà yêu nước, tham gia rất sớm vào phong trào Việt Minh, trước đây thường xuyên có gặp Bác Hồ và quen thân với tôi.” Cụ là một người yêu nước, đã sớm có cảm tình với cách mạng. Cụ đã từng ủng hộ hàng tạ chữ chì cho Việt Minh in báo bí mật; một số truyền đơn của Việt Minh kêu gọi nhân dân đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám đã được sắp chữ và in tại nhà in Ngô Tử Hạ.
Để có được vinh dự lớn lao như trên, nhà tư sản dân tộc Ngô Tử Hạ đã phải trải qua một quá trình nỗ lực không mệt mỏi với ý chí kiên định đáng nể phục để tự mình vượt lên khỏi thân phận đói nghèo, đồng thời đóng góp vào việc đặt những viên gạch nền móng xây dựng công nghệ, kinh tế Việt Nam, tỏ rõ ý chí tự lực tự cường cùng với các nhà tư sản dân tộc khác như: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà.
Một trong những đóng góp lớn của giới doanh nhân cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 là trong "Tuần lễ vàng" toàn dân đóng góp tiền, của xây dựng chế độ mới và mua sắm vũ khí chuẩn bị kháng chiến. Phong trào rầm rộ khắp nơi trong cả nước. Ở Thừa Thiên-Huế, người được mời chủ tọa "Tuần lễ Vàng" là Nam Phương Hoàng Hậu (vợ vua Bảo Đại vừa thoái vị). Tự tay bà tháo kiềng vàng đeo cổ, xuyến vàng, bông tai vàng và nhẫn trên mười ngón tay kính cẩn đặt lên bàn quyên góp cho cách mạng.
Noi gương bà, nhiều gia đình giàu có ở Huế đã đem vàng đi quyên góp cho cách mạng rất đông. Theo lời kể của cụ Ưng Trinh về Nam Phương Hoàng hậu, được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết lại: “Ông Trần Hữu Dực thay mặt chính quyền (cách mạng) Trung Bộ mời bà (Hoàng hậu Nam Phương) chủ tọa Tuần lễ Vàng ở Huế. Bà vui vẻ nhận lời. Tuần lễ Vàng kéo dài đến ngày 24/9/1945. Các hào phú ở Huế noi gương bà Nam Phương đem vàng đi hiến rất đông.”
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no," trong lúc ngân quỹ Chính phủ gần như trống rỗng thì sự đóng góp của toàn dân, trong đó có giới công thương là rất lớn, giúp Chính phủ vượt qua những khó khăn thù trong giặc ngoài lúc bấy giờ, để xây dựng chính quyền và chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn./.
Theo Vietnam+