Năm 2010, gần như không ai nói về AI, thế mà lúc này đây gần như 24/24 lúc này chúng ta nói về AI (trí tuệ nhân tạo): khả năng tạo dựng văn bản, chế tạo thuốc và chữa bệnh, xử lý đồ họa, nhận diện giọng nói và khuôn mặt, chuyển động robot,… Và trong khi đang liệt kê những thành tựu đó, có lẽ cơn sóng thần này đã bỏ tôi lại rất xa phía sau.
Chúng ta đều hồ hởi đón nhận những gì AI mang lại, nhưng lờ mờ cảm thấy nỗi lo sợ khi chưa trả lời được câu hỏi: AI sẽ đi tới đâu và có thể kiềm tỏa được hay không?
Đó là câu hỏi khiến cả thế giới quan tâm. Chính vì vậy The Coming Wave, vừa xuất bản vào cuối năm 2023, ngay lập tức được đón nhật nồng nhiệt và xuất hiện trong một loạt các bảng xếp hạng sách.
Mustafa Suleyman, tác giả của The Coming Wave, là nhà sáng lập DeepMind - một công ty về trí tuệ nhân tạo nay thuộc Google. Năm 2019, ông nhận được Huân chương Xuất sắc của Anh vì đóng góp trong lĩnh vực công nghệ Vương quốc Anh, đồng thời nhận Giải thưởng Người có tầm nhìn ở Thung lũng Silicon.
Sách Sóng thần công nghệ. Ảnh: Tuấn Bình. |
Chỉ chưa đầy sáu tháng khi sách ra mắt trên thế giới, độc giả Việt Nam đã được tiếp cận với những thông tin cập nhật nhất về trí tuệ nhân tạo đó. Tên sách chuyển ngữ cũng là cả một câu chuyện, người sáng lập Times Book - ông Vũ Trọng Đại - chia sẻ: “Đầu tháng một năm nay, khi cuốn sách The Coming Wave của Mustafa Suleyman vừa dịch xong, câu hỏi đầu tiên của tôi là: Tên sách tiếng Việt thế nào cho hay mà vẫn sát nghĩa nhỉ? Tôi đọc bản dịch, đọc các bài báo về AI, về Suleyman để tìm ý tưởng. Đến ngày thứ năm, tôi đọc được bài điểm sách trên tờ The Guardianvề chính cuốn sách này: nó chính là thứ chúng tôi tìm kiếm. Tên của bài điểm sách chứa một từ khóa tuyệt vời: 'A Tech Tsunami' (Sóng thần Công nghệ)".
Không ai hiểu rõ tác phẩm hơn người dịch. Dịch giả Vũ Hoàng Linh chia sẻ: "Thay vì việc kể ra những thành tựu của AI và tiềm năng của nó, mục đích chính của Sóng thần Công nghệlà nói tới các thách thức mà trí tuệ nhân tạo sẽ đặt ra đối với xã hội loài người trong thời gian tới, khi nó đang tạo ra một cuộc cách mạng, có những nội dung sâu và rộng, với quá nhiều yếu tố chưa được biết đến, có lẽ còn hơn các cuộc cách mạng công nghệ thông tin của thế kỷ XX và cách mạng công nghiệp của thế kỷ XIX".
Làn sóng sắp tới xác lập bằng hai công nghệ cốt lõi: trí tuệ nhân tạo (AI) và sinh học tổng hợp. Hai công nghệ này sẽ cùng nhau mở ra bình minh mới cho nhân loại, tạo ra của cải và thặng dư chưa từng thấy. Tuy nhiên, công nghệ phát triển nhanh chóng cũng có nguy cơ tạo điều kiện cho hàng loạt tác nhân xấu gây ra sự gián đoạn, bất ổn và thậm chí là thảm họa ở quy mô không thể tưởng tượng được. Làn sóng này tạo ra thách thức to lớn sẽ định hình thế kỷ XXI: Tương lai của chúng ta vừa phụ thuộc vào những công nghệ này vừa bị chúng đe dọa.
Một khi chín muồi, những công nghệ mới nổi này sẽ lan rộng nhanh chóng, dần dần rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn và phổ biến trong toàn xã hội. Chúng sẽ mang lại tiến bộ y tế mới phi thường và nhiều đột phá về năng lượng sạch, tạo ra không chỉ hoạt động kinh doanh mới mà còn là các ngành công nghiệp mới, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống ở hầu hết mọi lĩnh vực hiện nay.
Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích này, AI, sinh học tổng hợp và các hình thức công nghệ tiên tiến khác cũng mang đến xác suất cao rủi ro cực đoan ở quy mô đáng lo ngại. Công nghệ có thể trở thành mối đe dọa tồn vong đối với các quốc gia - rủi ro mang tính cốt yếu đến mức có thể phá vỡ hoặc thậm chí lật đổ trật tự địa chính trị hiện tại.
Công nghệ mở ra con đường cho các cuộc tấn công mạng quy mô lớn với sự hỗ trợ của AI, các cuộc chiến tranh tự động hóa có thể tàn phá cả quốc gia, gây ra đại dịch có chủ đích và thế giới chịu sự chi phối của các thế lực không thể lý giải dường như mang sức mạnh toàn năng. Khả năng xảy ra từng hiện tượng có thể nhỏ, nhưng hậu quả để lại có thể vô cùng chấn động. Dù cho xác suất xảy ra kết quả như này cực thấp, chúng ta vẫn phải chú ý ngay từ bây giờ.
Những tác động tiêu cực của công nghệ là điều mà nhân loại phải đối mặt. Ảnh: New Scientist |
Khi đó, để đối phó với xác suất xảy ra rủi ro thảm khốc như vậy, một số quốc gia sẽ phản ứng bằng hình thức độc tài chuyên chế mang tính công nghệ cao nhằm làm chậm sự lan rộng của những quyền lực mới này. Như thế sẽ cần mức độ giám sát rất lớn cùng đó là sự xâm nhập thô bạo vào cuộc sống riêng tư của chúng ta. Kiểm soát chặt chẽ công nghệ có thể dẫn đến mọi thứ với mọi người dân luôn bị theo dõi trong một hệ thống giám sát toàn cầu hắc ám, được biện minh bằng mong muốn đề phòng khả năng xảy ra những kết quả cực đoan nhất.
Chắc chắn có khả năng xuất hiện viễn cảnh như trong tác phẩm 1984 của George Orwell. Lệnh cấm, tẩy chay và đình trệ sẽ là điều tiếp theo. Liệu có thể ngừng phát triển công nghệ mới và áp đặt hàng loạt lệnh đình chỉ không? Không thể.
Đứng trước giá trị địa chiến lược và thương mại to lớn của công nghệ mới, khó có quốc gia hay tập đoàn nào chịu đơn phương từ bỏ những sức mạnh mang tính biến đổi do những đột phá này mang lại. Hơn nữa, bản thân việc cấm phát triển công nghệ mới chính là rủi ro: Theo lịch sử, các xã hội trì trệ về công nghệ thường không ổn định và dễ sụp đổ. Rốt cuộc, họ mất đi khả năng giải quyết vấn đề và khả năng tiến bộ.
Từ đây trở đi, dù chọn theo đuổi hay không theo đuổi công nghệ mới, đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Xác suất có thể xoay xở, vượt qua được "lối đi hẹp" và tránh được một trong hai kết quả - một là xã hội tăm tối dưới chế độ độc tài công nghệ, một là thảm họa do quá cởi mở - ngày càng thấp theo thời gian khi công nghệ dần mạnh hơn, rẻ hơn, phổ biến hơn và rủi ro ngày càng tích tụ.
Tuy nhiên, thoái lui cũng không phải phương án có thể lựa chọn. Ngay cả khi lo ngại về rủi ro của công nghệ mới, chúng ta vẫn cần đến những lợi ích tuyệt vời từ công nghệ của làn sóng sắp tới hơn bao giờ hết.
Vấn đề nan giải là từ giờ, sớm hay muộn, một thế hệ công nghệ có tác động mạnh mẽ sẽ đến. Liệu nó có đưa nhân loại đến kết cục thảm khốc và đen tối? Đây là vấn đề lớn nhất của thế kỷ XXI.
Đây là cuốn sách được Yuval Noah Harari (tác giả Lược sử loài người), người có lẽ có công nhất trong việc phổ cập những nguy và cơ của cách mạng AI với xã hội loài người, cho là một trong 11 cuốn sách đáng đọc nhất trong năm 2023.
Nếu trong các cuộc cách mạng công nghệ trước đây, tâm thế của nhân loại là lạc quan, thậm chí quá lạc quan về những gì nó có thể mang lại, thì cuộc cách mạng AI và sinh học tổng hợp lần này, bên cạnh sự lạc quan còn là sự lo âu không hề nhỏ. Lần đầu tiên, con người e sợ rằng họ có thể trở thành một phiên bản của Frankeinstein và không biết chắc chiếc hộp Pandora kia sẽ mở ra cái gì.
Bài viết của độc giả Nguyễn Tuấn Bình, được gửi từ email "[email protected]".