Cung cấp thông tin hữu ích chung tay chống dịch Covid-19
Hội thảo chia sẻ và giới thiệu với cộng đồng quốc tế tại Việt Nam về: “Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phòng chống và điều trị bệnh Covid-19” vừa được Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán nhiều nước,ôngnghệlàyếutốquantrọnggiúpViệtNamkiểmsoátthànhcôngđạidịket qua nét các tổ chức quốc tế cùng đại diện báo chí quốc tế tại Việt Nam.
Hội thảo “Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phòng chống và điều trị bệnh Covid-19” được Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 5/11. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT thông tin, đến nay trên toàn cầu đã có hơn 48 triệu người mắc Covid-19; hơn 1,2 triệu người tử vong. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp tại nhiều khu vực.
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia chống dịch tốt, duy trì cuộc sống sinh hoạt bình thường; hơn 2 tháng qua, không có thêm ca nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng. Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Việt Nam kiểm soát thành công được dịch Covid-19 là đẩy mạnh triển khai ứng dụng các công nghệ trong phòng chống dịch.
Chia sẻ về lý do tổ chức hội thảo, ông Long cho hay, Covid-19 là đại dịch thế giới, đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực toàn cầu, chung tay đoàn kết để phòng chống. Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu những giải pháp ứng dụng của Việt Nam với bạn bè quốc tế, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế tổ chức hội thảo về ứng dụng công nghệ trong phòng chống Covid-19. Hội thảo sẽ cung cấp những thông tin bổ ích giúp các nước và tổ chức quốc tế tham khảo trong nỗ lực chung phòng chống đại dịch.
“Chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước sẽ giúp truyền tải những thông tin bổ ích này đến đông đảo bạn bè quốc tế để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh”, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT bày tỏ.
Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế Trần Xuân Đà nhận định, đại dịch Covid-19 là cơ hội vàng để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số y tế. |
Theo ông Trần Xuân Đà, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục CNTT, Bộ Y tế, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được triển khai theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ KH&CN, các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp CNTT, các chuyên gia để đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, CNTT; đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống dịch; góp phần ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị thành công bệnh nhân nhiễm Covid-19.
“Bộ Y tế đã kích hoạt hệ thống dự phòng tại 63 tỉnh, thành phố và hoạt động rất hiệu quả. Hơn 2 tháng qua, Việt Nam không có thêm ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Số người tử vong do Covid-19 tại Việt Nam đều là những người dân có sẵn bệnh nền nặng”, ông Đà cho hay.
Một số sản phẩm ứng dụng khoa học nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 được Hội nữ trí thức Việt Nam, Công ty Sao Thái Dương giới thiệu bên lề hội thảo. |
Đặc biệt, từ thực tế triển khai phòng chống dịch Covid-19, vị Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế đã chia sẻ 9 bài học kinh nghiệm lớn. Trước hết phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo, các cấp các ngành, cơ quan Trung ương, địa phương… Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ đã giúp Việt Nam xác định vùng nguy cơ và những đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, đúng đắn, tiết kiệm nguồn lực.
“Ứng dụng CNTT kết hợp hệ thống y tế sẵn có, Việt Nam đã có nền y tế hiệu quả, kịp thời phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Đại dịch Covid-19 là cơ hội vàng để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số y tế”, đại diện Trung tâm Dữ liệu y tế nhấn mạnh.
Các giải pháp công nghệ giúp Việt Nam kiểm soát thành công dịch Covid-19
Trong tham luận trình bày tại hội thảo, đại diện cho Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử Đỗ Lập Hiển đã thông tin cụ thể về việc ứng dụng CNTT phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử (Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT) Đỗ Lập Hiển, trong cuộc chiến chống Covid-19, ở “mặt trận” ứng dụng CNTT, Việt Nam đã thu được những chiến công quan trọng. |
Theo ông Hiển, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ở “mặt trận” ứng dụng CNTT, Việt Nam đã thu được những chiến công quan trọng. Trong thời gian ngắn, hơn 20 doanh nghiệp công nghệ Việt đã huy động gần 1.000 kỹ sư CNTT phát triển hơn 20 ứng dụng phục vụ đắc lực công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Được xây dựng để ứng dụng trong tuyên truyền chống dịch cho người dân và phục vụ công tác quản lý, các giải pháp công nghệ đã góp phần đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt, kịp thời; kết nối giữa cơ quan quản lý, cơ quan y tế và người dân; đồng thời giúp phát hiện, khoanh vùng, cách ly nguồn lây nhiễm dịch cũng như hỗ trợ giãn cách xã hội.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều có chung nhận định, tại Việt Nam, bên cạnh những biện pháp chuyên môn của ngành y tế thì chiến lược ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát, phòng chống và điều trị bệnh Covid-19 đã được được đẩy mạnh. Trong đó, phải kể đến Bluezone - ứng dụng cảnh báo và truy vết khi có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid - 19, ứng dụng thiết bị thở Oxy lưu lượng cao HFNC trong điều trị Covid-19, phát triển thành công bộ Kit thử trong việc chuẩn đoán bệnh nhân mắc Covid-19, phần mềm hỗ trợ khai báo ý tế NCOVI...
Chủ tịch BKAV Nguyễn Tử Quảng đại diện nhóm phát triển Bluezone chia sẻ về kinh nghiệm và các biện pháp triển khai ứng dụng truy vết Bluezone trong tình hình mới. |
Ứng dụng truy vết Bluezone được đánh giá là “tấm khiên công nghệ” bảo vệ người Việt trước đại dịch Covid-19. Tại hội thảo, Chủ tịch BKAV Nguyễn Tử Quảng đại diện nhóm phát triển Bluezone chia sẻ về kinh nghiệm và các biện pháp triển khai ứng dụng truy vết Bluezone trong tình hình mới.
Đến nay, đã có hơn 23 triệu người Việt Nam cài đặt, sử dụng Bluezone. Đặc biệt, trong đợt chống dịch Covid-19 thứ hai, từ dữ liệu của cộng đồng người cài Bluezone, cơ quan y tế đã phát hiện, truy vết được 1.920 trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm dịch Covid-19 (F1, F2).
Trên cơ sở phân tích hệ số lây nhiễm Covid-19, ông Quảng đề xuất chiến lược để đảm bảo cuộc sống bình thường mới, với 2 biện pháp chính là chốt chặn, xét nghiệm triệt để tại bệnh viện và bám sát tại cửa khẩu. Riêng việc bám sát tại cửa khẩu, ông Quảng nêu ra 3 kịch bản và cài đặt, sử dụng ứng dụng hỗ trợ truy vết lịch sử tiếp xúc Bluezone được coi là một giải pháp quan trọng để thiết lập cuộc sống bình thường mới.
Việc quyết liệt triển khai Bluezone thời gian qua đã góp phần tích cực trong truy vết, hỗ trợ đẩy lùi dịch Covid-19. Dù dịch đã cơ bản được kiểm soát, song đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh, không chủ quan ngay cả trong điều kiện bình thường.