Chị Hương gây ấn tượng ở Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây khi là một trong những thí sinh dự thi ở ngành tưởng chừng chỉ dành cho nam giới - Kỹ thuật điêu khắc gỗ. Giảng viên sinh năm 1973 tự nhận mình có lẽ là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất ở hội thi đã xuất sắc giành được giải Nhì.
Chị Hương tâm sự, giảng dạy một nghề đặc thù, nên bản thân cũng phải cố gắng rất nhiều. Gần 30 năm công tác cũng là chừng ấy thời gian chị gắn bó với những chiếc dùi đục và công việc tay chân. “Phụ nữ thường chân yếu tay mềm, thế nhưng 30 năm qua, đôi bàn tay của tôi lúc nào cũng phải cầm dùi đục để lên lớp hướng dẫn học sinh chạm khắc gỗ. Vì vậy bàn tay xấu lắm. Những cuộc gặp gỡ bạn bè, giao lưu, thường không muốn chìa tay ra chỉ vì đôi bàn tay chai sần hết cả”, chị Hương nói vui. Nói về cơ duyên đến với nghề, chị tâm sự có lẽ là “nghề chọn chị”. “Sau khi học xong lớp 12, chẳng bao giờ tôi nghĩ sau này lại trở thành một giảng viên. Hồi đó, gia đình khó khăn, bố mẹ định hướng học nghề chạm khắc gỗ với một lý do rất đơn giản: có một nghề để làm, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Theo lời bố mẹ, chị theo học Trường Công nhân kỹ thuật chế biến gỗ Trung ương (Trường CĐ Công nghệ, Kinh tế và Chế biến lâm sản). Khi học và gắn bó với nghề chạm khắc gỗ, chị cảm thấy hứng thú và dần yêu từng thớ gỗ từ lúc nào. Đến năm 1992, chị tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường để làm công nhân hướng dẫn. Song, chị tiếp tục theo học khoa Chế biến lâm sản tại Trường ĐH Lâm nghiệp rồi gắn bó với công việc giảng dạy tại Trường CĐ Công nghệ, Kinh tế và Chế biến lâm sản. “Những khúc gỗ bình thường chỉ là vật vô tri vô giác, người dân có thể chỉ bổ ra để ra làm củi đun. Nhưng có nghề trong tay, tôi có thể biến những khúc gỗ thô mộc đó ra thành các sản phẩm có giá trị, mang tính kinh tế cao”, chị Hương say sưa kể. “Thời trẻ, cứ sáng mang dùi đục đi dạy, chiều mang về vì khi ở nhà còn tranh thủ làm thêm”. Chị kể, thời hoàng kim của ngành chạm khắc gỗ ở những năm thập niên 90. Thuở đó, ngành nghề này “hot” đến mức học viên tranh nhau vào học. “Tuy nhiên, theo thời gian, chạm khắc gỗ không còn là ngành “hot” nữa mà nhường chỗ dần cho những ngành thiên về công nghệ hay du lịch...”, chị kể và cho rằng âu cũng là lẽ thường tình của cơ chế thị trường, chuyển dịch ngành nghề. Song, không vì thế mà tình yêu, niềm tự hào ngành nghề vơi bớt đi trong chị. “Dù ngành nghề nào đi nữa thì cũng sẽ có những giai đoạn 'hot', giai đoạn không. Nhưng nhiệm vụ của mình là phải truyền lửa để tiếp thêm niềm đam mê cho các em về nghề nghiệp”, chị Hương chia sẻ. Chị Hương cho hay, người thợ điêu khắc gỗ giờ đây có thêm nhiều máy móc để hỗ trợ sản xuất. Người thợ phải phối kết hợp giữa máy và thủ công thì mới đứng vững được trên thị trường. Chính vì vậy, để dạy được, bản thân chị liên tục phải cập nhật. “Trước đây, khi lên lớp, ví dụ cần chạm khắc một cành hoa thì mình chỉ cần vẽ cành hoa. Nhưng bây giờ còn phải cập nhật công nghệ để vẽ trên cả máy vi tính”. Điều khiến chị Hương vui nhất là nhiều học trò của cô gắn bó được với nghề. Nhiều học trò là chủ cơ sở sản xuất gỗ lớn ở các tỉnh, thành phố, thậm chí nổi tiếng cả nước. “Dù ở xa nhưng các em vẫn thỉnh thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ về công việc. Mới đây, đọc tin tôi giành giải Nhì của Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, nhiều em cũng nhắn tin chúc mừng. Đây là niềm hạnh phúc lớn đối với mình trong nghề giáo”, cô Hương chia sẻ. Thanh Hùng Nỗ lực làm mới của giáo dục nghề nghiệp thời 4.0Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chia sẻ những kỳ vọng đối với giáo dục nghề nghiệp tại lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Bế mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021. |