Thị trường chứng khoán có diễn biến kém khả quan ngay trong phiên đầu tuần. Áp lực bán mạnh hơn vào phiên chiều khiến 552 mã cổ phiếu trên toàn thị trường suy giảm, chỉ có 268 mã tăng.
Riêng sàn HoSE, với 313 mã giảm, gấp hơn 3 lần số mã tăng (96 mã), theo đó, chỉ số chính VN-Index lao dốc mất 12,45 điểm tương ứng 1% còn 1.239,26 điểm, đóng cửa dưới ngưỡng 1.240 điểm.
VN30-Index giảm 12,93 điểm tương ứng 1%; HNX-Index giảm 1,58 điểm tương ứng 0,68% và UPCoM-Index giảm 0,38 điểm tương ứng 0,41%.
Thanh khoản mất hút trên các sàn giao dịch. Toàn sàn HoSE chỉ có 608,01 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 13.485,25 tỷ đồng; trên HNX là 39,48 triệu cổ phiếu tương ứng 708,91 tỷ đồng và trên UPCoM là 21,13 triệu cổ phiếu tương ứng 330,81 tỷ đồng.
Phiên này, rổ VN30 chỉ có duy nhất 1 mã tăng giá là GVR. Việc 25 mã trong VN30, trong đó có nhiều mã là cổ phiếu đầu ngành đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chung. VCB và VHM lần lượt lấy đi của VN-Index 1,37 và 1,33 điểm.
Duy nhất NAB là cổ phiếu ngân hàng trên HoSE tăng giá. Mã này tăng mạnh 6,1% lên 17.500 đồng, khớp lệnh gần 7,5 triệu đơn vị. Các mã khác cùng ngành bị điều chỉnh, VCB giảm 1,1%; ACB giảm 1%; BID giảm 0,9%.
Cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính đồng loạt nhuốm đỏ trên bảng điện tử. Một số mã có mức điều chỉnh khá mạnh như HCM giảm 3,4%; VDS giảm 2,7%; VCI giảm 2,7%; VIX giảm 2,2%; EVF giảm 2,2%.
Mặc dù số lượng giảm giá chiếm phần lớn nhưng không có nhiều mã giảm sàn. Trên HoSE, SMC là một trong số ít mã giảm kịch biên độ. Mã này giảm sàn về 8.930 đồng, trắng bên mua. Trong khi đó, các mã khác cùng ngành như NKG, HSG và HPG có mức độ điều chỉnh nhẹ hơn.
Cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG giảm sàn trên UPCoM, mất 15% tương ứng thiệt hại 65.000 đồng mỗi đơn vị, còn 370.300 đồng. Mã này khớp lệnh 33.400 đơn vị, không có dư mua. Diễn biến giảm sàn tại VNZ sau 3 phiên tăng giá, trong đó có 2 phiên tăng trần vào ngày 11 và 12/9.
Trong một văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây, VNG cho hay, ông Wong Kelly Yin Hong đang thực hiện theo sự phân công, giao nhiệm vụ từ ông Lê Hồng Minh để hỗ trợ điều hành, đảm bảo sự hoạt động của công ty, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của cổ đông. Trong khi đó, VNG chưa nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Lê Hồng Minh. Do đó, ông Lê Hồng Minh vẫn đang là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty này.
Doanh nghiệp cho biết, hoạt động, sản xuất cũng như quản trị của công ty đang diễn ra bình thường.
Trái ngược với thị trường chung, cổ phiếu VLA của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang, doanh nghiệp bán khóa học làm giàu, lại tăng trần trên HNX. Tuy tăng trần nhưng thanh khoản tại VLA rất thấp, chỉ đạt 200 đơn vị.
Mã này trước đó đã có 3 phiên tăng giá mạnh: Phiên 11/9 tăng 8%; phiên 12/9 tăng 6,48% và phiên 13/9 tăng 7,83%.
Cổ phiếu VLA đi ngược thị trường dù mã này bị HNX cắt margin từ 21/8, lợi nhuận nửa đầu năm và lãi lũy kế tại ngày 30/6 là số âm.