Truyền thông Triều Tiên thông báo chuyến công du của Kim Jong Un kéo dài 4 ngày,àmgìtronggiờởBắkeo 88 nhưng thực sự ông chỉ có vỏn vẹn 27 tiếng ở Bắc Kinh.
Phía Trung Quốc không tiết lộ chi tiết chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: AP) |
Ông tham dự một bữa tiệc với Chủ tịch Tập ở Đại lễ đường Nhân dân tối ngày 8/1 – đúng sinh nhật lần thứ 35 của mình. Theo truyền thông Hàn Quốc, trong bữa tối, hai nhà lãnh đạo cùng các phu nhân đã thưởng thức một "chương trình lớn" để kỷ niệm 70 năm các mối quan hệ ngoại giao song phương.
Ngày 9/1, ông Kim đi thăm một nhà máy dược phẩm truyền thống của Trung Quốc bên trong Khu Khoa học và Công nghệ Yizhuang thuộc vùng ngoại ô phía đông nam Bắc Kinh. Hãng Đồng Nhân Đường hơn 300 năm tuổi là một trong những công ty dược phẩm nổi tiếng nhất Trung Quốc, sản xuất các loại thuốc dùng các sản phẩm từ ong như mật ong, phấn hoa và sáp.
Sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp lại Chủ tịch Tập. Họ ăn trưa ở Khách sạn Bắc Kinh, nơi Chủ tịch Mao Trạch Đông từng tiếp đón ông nội của Kim Jong Un là cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Con tàu chở Kim Jong Un ra khỏi Bắc Kinh lúc hơn 2 giờ chiều 9/1. Như vậy, thông báo chuyến thăm 4 ngày của Triều Tiên là bao gồm cả thời gian di chuyển. Hành trình tàu chạy giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng kéo dài hơn 20 giờ.
Ngoài việc xác nhận chuyến thăm đang diễn ra, Chính phủ Trung Quốc không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về các cuộc gặp. Tuy nhiên, giới quan sát có thể đoán biết phần nào về chuyến thăm của Kim Jong Un qua sự di chuyển của các đoàn xe, các rào chắn an ninh và giao thông.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cùng phu nhân Ri Sol Ju duyệt đội danh dự trước khi rời Bình Nhưỡng cho một chuyến thăm tới Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Theo Washington Post, lịch trình tương đối nhẹ của Chủ tịch Triều Tiên có thể cho thấy thực tế rằng các chuyến thăm như vậy khá bình thường. Hai nhà lãnh đạo không gặp nhau trong 5 năm đầu tiên họ lên nắm quyền lực. Nhưng chỉ trong 10 tháng qua, Kim Jong Un đã sang Trung Quốc 4 lần.
Nhưng cũng có thể chuyến thăm là hành động cân bằng ngoại giao của nhà lãnh đạo trẻ khi ông chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai nguyên thủ Mỹ - Triều dự kiến sẽ sớm thông báo các chi tiết của cuộc gặp, giữa lúc bên nọ tố bên kia không thực hiện đúng cam kết đạt được hồi tháng 6 ở Singapore. Washington không hài lòng vì tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không có đột phá, trong khi Bình Nhưỡng muốn được nới lỏng cấm vận ngay lập tức.
Bên cạnh đó là giữa Mỹ và Trung Quốc đang có chiến tranh thương mại. Một số nhà phân tích nhận định Kim Jong Un đang cố gắng vận động Chủ tịch Tập không đi theo chính sách của ông Trump là duy trì sức ép tối đa lên Triều Tiên cho đến khi nào nước này giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn và không thể đảo ngược.
Trung Quốc liên tục khẳng định chuyến thăm của lãnh đạo Triều Tiên là về củng cố hợp tác và trao đổi. "Chắc chắc Chủ tịch Kim Jong Un sẽ có sự trao đổi quan điểm sâu sắc với lãnh đạo Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm", Washington Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói khi chuyến thăm bắt đầu.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, Triều Tiên và Trung Quốc có thể thắt chặt quan hệ nhằm cố gắng gây sức ép với Mỹ vì các lý do của riêng mình: Triều Tiên muốn cấm vận sớm được gỡ bỏ, và Trung Quốc muốn giúp giải quyết chiến tranh thương mại.
Nhưng nhiều người chỉ ra rằng, hai bên vẫn còn tồn tại không ít ngờ vực. Chủ tịch Kim dường như không thích phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và đã dành những năm đầu nắm quyền giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào nước láng giềng khổng lồ. Khoảng 90% thương mại của Triều Tiên sang hoặc đi qua Trung Quốc.
Thanh Hảo