Vượt ra khỏi những trang sách và các tranh luận không hồi kết, các xu hướng triết học đương đại đang ngày càng gần gũi với đời sống hơn và sinh động hơn. Bầu không khí triết học ngày nay có nhiều điểm chung với triết học Hy Lạp cổ đại, khi triết học xuất phát từ đời sống và có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống.
Cuốn sách Cuộc đời của các triết gia nổi tiếng của Diogenes Laertius (thế kỷ thứ III), là tài liệu cổ xưa nhất hiện còn về các trường phái và câu chuyện của các triết gia Hy Lạp cổ đại.
Nhiều nghiên cứu và tác phẩm triết học phương Tây hiện đại đã tham khảo tác phẩm này khi bàn về triết học Hy Lạp, và đặc biệt, hai triết gia Đức nổi tiếng là Arthur Schopenhauer và Friedrich Nieztches đều chịu ảnh hưởng từ các câu truyện triết học được đề cập trong tác phẩm. Tác phẩm đã được dịch từ bản tiếng Anh bởi dịch giả Nguyễn Thanh Xuân và được Book Hunter liên kết Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành.
Cho đến nay, có rất ít tư liệu về Diogenes Laertius, các nhà nghiên cứu văn bản chỉ có thể xác định rằng ông sống trong triều đại của Alexander Severus (222–235) và những người kế vị ông. Tên của ông, "Laertius Diogenes" hoặc "Diogenes Laertius", có nguồn gốc không chắc chắn. Có thể ông xuất thân từ một thị trấn nào đó, như Laerte ở Caria hoặc Cilicia, hoặc có tổ tiên được bảo trợ bởi gia đình Laërtii của La Mã. Một giả thuyết khác cho rằng tên "Laertius" là một biệt danh để phân biệt ông với những người khác cùng tên Diogenes.
Người ta không thể xác định được quê hương của ông cũng như trường phái triết học mà ông theo đuổi. Từ văn bản của cuốn sách, ta có thể thấy rằng ông không hoàn toàn thể hiện thái độ tôn sùng với bất cứ trường phái triết học nào, dẫu đôi chỗ thể hiện thiện cảm với một số triết gia như Socrates, Aristotle, Diogenes Khuyển Nho, Pyrrho, Epicurus… Toàn bộ công trình tập trung khai thác các tư liệu tiểu sử và tóm lược các điểm trọng yếu trong triết học của các triết gia, cùng các tranh luận đương thời xoay quanh.
Thông qua các câu chuyện về cuộc đời và triết lý của những triết gia, tác phẩm cho thấy sự đấu tranh không ngừng nghỉ của con người để giành lấy tự do tư tưởng và khẳng định vai trò của lý trí trong việc xây dựng một xã hội hạnh phúc và khai phóng.
Tác phẩm gốc được chia thành 10 quyển với trình tự như sau: Quyển I bàn về 7 hiền nhân được tôn vinh như những triết gia đầu tiên của thế giới Hy Lạp, trong đó có các nhân vật mà độc giả Việt đã rất quen thuộc như Thales, Solon…
Quyển II bàn về Socrates và những người thừa kế tư tưởng của ông. Quyển III và IV bàn về Plato và phái Academy (Hàn lâm) mà ông sáng lập cùng rất nhiều khiếm khuyết trong tư tưởng của ông.
Quyển V bàn về Aristotle và trường phái triết học của ông được tổ chức ở Lyceum cùng những triết gia kế thừa. Quyển VI bàn về các triết gia phái Khuyển Nho với tư tưởng phóng khoáng và thế tục nhưng khổ hạnh với đại diện nổi tiếng nhất là Diogenes xứ Sinope.
Quyển VII bàn về phái Khắc Kỷ do Zeno xứ Citium sáng lập. Từ quyển VIII đến quyển X, các độc giả có thể hiểu hơn về các trường phái triết học La Mã mà nổi bật nhất là hai phái do Pythagore và Epicurus khởi phát.
Cuộc đời của các triết gia nổi tiếng không chỉ tái hiện cuộc sống và tư tưởng của các triết gia Hy Lạp cổ đại, mà còn khắc họa rõ nét sự chuyển dịch xã hội từ các tư tưởng thần quyền chuyên chế sang tư tưởng triết học tự do và lý trí.
Tác phẩm này ghi lại cách mà triết học dần dần thay thế các hệ tư tưởng tôn giáo cứng nhắc, mở ra một kỷ nguyên mới nơi con người bắt đầu đặt câu hỏi và tìm kiếm sự thật thông qua lý trí và quan sát. Điều này phản ánh sự phát triển của tư duy con người, từ chỗ chấp nhận những chân lý tuyệt đối do các thần linh ban phát, đến việc khám phá và hiểu biết thế giới dựa trên các nguyên tắc khoa học và triết học.
Không giống triết học phương Tây hiện đại được ghi chép lại thành sách với những cuộc tranh luận thầm lặng, các triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại biểu hiện triết học của mình qua nhiều hình thức sinh động như diễn thuyết, đối đáp, và ứng xử hàng ngày...
Họ không chỉ đơn thuần viết sách hay tiểu luận mà còn trực tiếp tham gia vào cuộc sống xã hội, dạy học, tư vấn cho các quân vương, viết kịch và tham gia vào các cuộc tranh luận công khai.
Các triết gia như Socrates, Plato, Aristotle thường tổ chức các buổi đối thoại mở, nơi họ không ngại thách thức các niềm tin và giá trị thông thường của công chúng.
Thông qua các buổi diễn thuyết và tranh luận này, họ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn kích thích tư duy phản biện và khuyến khích sự thay đổi xã hội dựa trên lý trí và đạo đức. Những triết gia này tin rằng triết học không chỉ là một môn học lý thuyết mà còn là một phương pháp sống, một cách để cải thiện cả cá nhân và cộng đồng.
Họ thường đóng vai trò là người cố vấn cho các nhà lãnh đạo như trường hợp Thales, Aristotle, Zeno xứ Citium…, thậm chí còn là những nhà lãnh đạo của thành bang như trường hợp Solon, và chẳng quản ngại cầm quân đánh trận như Socrates và Xenophon…
Họ tin rằng thông qua việc đối đầu với những tư tưởng gây trì trệ xã hội và không ngại đặt câu hỏi, con người có thể tiến gần hơn đến sự thật và đạt được cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của triết học cổ đại, nơi triết học không chỉ tồn tại trong các tác phẩm viết mà còn sống động trong mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, ta có thể tìm thấy tinh thần triết học tương đồng với tư tưởng Lão - Trang ở phái Khuyển Nho mà đại diện nổi tiếng nhất là Diogenes và phái Khoái Lạc của Epicurus. Phái Khuyển Nho, với triết lý sống giản dị, tự do khỏi các ràng buộc xã hội và vật chất, gợi nhớ đến tư tưởng vô vi của Lão Tử và Trang Tử.
Các triết gia Khuyển Nho như Diogenes tin rằng hạnh phúc thực sự đạt được khi con người sống hòa hợp với tự nhiên, không bị chi phối bởi các ham muốn và quy ước xã hội. Tương tự, phái Khoái Lạc của Epicurus cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự thanh thản và an nhiên như các bậc Đạo gia nương náu nơi bóng mát của Đạo. Epicurus dạy rằng niềm vui lớn nhất đến từ sự thanh tịnh của tâm hồn, sự tự tại và sự thoát ly khỏi nỗi sợ hãi và ham muốn vô độ.
Khi so sánh rộng hơn, ta có thể thấy nhiều tương đồng giữa triết học Hy Lạp cổ đại thời kỳ Bách gia chư tử tại thế giới Á Đông, khi triết học không chỉ là tư tưởng mà còn là một lối sống. Các triết gia không chỉ mang đến những triết lý sâu sắc về nhân sinh và xã hội mà còn định hình cách sống và hành xử của con người trong xã hội, tham gia vào cuộc sống hàng ngày, giảng dạy, tư vấn cho các nhà lãnh đạo, và trực tiếp đối thoại với công chúng... Cả hai truyền thống triết học từ hai nền văn minh rực rỡ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng triết lý vào đời sống thực tiễn.
Bài viết của nhà văn, dịch giả Hà Thủy Nguyên, được gửi từ email "[email protected]"
顶: 163踩: 8
评论专区