Theo Financial Times, trong trường hợp ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ và chuyển đến Nhà Trắng vào tháng 1/2021, ngành công nghệ toàn cầu sẽ có cơ hội được “thở phào nhẹ nhõm”.
Sau những diễn biến căng thẳng của cuộc bầu cử đầu tháng 11, nhiều hy vọng tin rằng Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ xoa dịu mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Trung Quốc, đồng thời mang lại sự ổn định cần thiết cho các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đây chỉ là "cơ hội", không gì đảm bảo ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ buông tha cho các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tương lai của thế chiến công nghệ Mỹ-Trung giờ đặt vào tay Joe Biden, Tổng thống đắc cử mới của nước Mỹ. Ảnh: CNBC. |
Mặc dù vậy, ông Biden cũng phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến bộ tứ công nghệ ở Mỹ là Facebook, Amazon, Alphabet và Apple. Ngoài ra, ông Biden sẽ phải cân nhắc các chính sách của mình nếu Đảng Dân chủ không giành được quyền kiểm soát Thượng viện.
Sau 4 năm đầy biến động dưới thời Tổng thống Donald Trump, tương lai của các nhà cung cấp chip, nhà sản xuất smartphone cũng như những gã khổng lồ thống trị Internet đang được chuyển vào tay ông Biden.
Liệu thế chiến Mỹ-Trung có đến hồi kết?
Một trong những hy vọng lớn nhất mà giới công nghệ dành cho ông Biden chính là cuộc chiến giữa 2 cường quốc trên thế giới. Kể từ khi chính phủ Mỹ đưa Huawei Technologies và danh sách đen thương mại vào năm 2019, các hãng công nghệ nước này đã đánh rơi hàng tỷ USD doanh thu.
Bước sang năm 2020, chính quyền ông Trump tiếp tục mở rộng cuộc đàn áp đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả TikTok. Thung lũng Silicon có lý do để lo ngại Bắc Kinh sẽ trả đũa và gây ra thiệt hại lớn đối với nền công nghệ Mỹ.
Nền công nghệ của Mỹ và Trung Quốc vừa trải qua khoảng thời gian sóng gió dưới nhiệm kỳ ông Trump. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành tin rằng ít có khả năng ông Biden sẽ đảo ngược tình thế hiện tại, hoặc ít nhất làm chậm lại quá trình chia tách chuỗi cung ứng giữa 2 nước.
“Có thể ông Biden sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, thậm chí có nhiều chiến lược hơn”, Orit Frenkel, nhà điều hành nhóm vận động Sáng kiến Lãnh đạo Mỹ. Theo bà Frenkel, cách tiếp cận của chính quyền ông Trump trước đây, bao gồm việc tăng thuế quan, đã gây ra nhiều thiệt hại tới các công ty Mỹ.
Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh công nghệ giữa 2 siêu cường sẽ gay gắt hơn dưới triều đại ông Biden. Với sức mạnh của công nghệ Trung Quốc, sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng sẽ trở thành mối đe dọa lớn tới an ninh quốc gia Mỹ.
“Xu hướng đa dạng hóa sẽ không thay đổi trong một thời gian dài”, Simon Lin, Chủ tịch của Wistron, đối tác sản xuất của Apple, Dell, HP, cho biết.
Theo Financial Times, quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ là điều duy nhất không thay đổi. Apple, HP, Dell và Google đã yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị phương án sản xuất “ngoài Trung Quốc”. Cùng lúc đó, nhiều công ty điện tử chủ chốt đã mở rộng cơ sở sản xuất của họ tại Đài Loan, Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Theo những nguồn tin chia sẻ với Nikkei Asian Review, cho dù bất kỳ ai ngồi vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, Apple sẽ vẫn tiếp tục kế hoạch di chuyển năng lực sản xuất sang Ấn Độ và Việt Nam.
Ông Biden có thân thiện hơn với nhân công nước ngoài?
Tại quê nhà, ông Biden có thể sẽ “thân thiện” hơn với nguồn lực từ nước ngoài. Trước đó, vào tháng 6/2020, chính quyền ông Trump đã đình chỉ việc cấp thị thực H-1B, đồng thời nâng cao các yêu cầu đối với người xin thị thực. H-1B vốn là thị thực quan trọng được Thung lũng Silicon sử dụng nhằm chiêu mộ nhân tài, phần lớn đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bị ông Trump kiềm tỏa về mọi mặt. Ảnh: Financial Times. |
“Chúng ta không còn sống ở những năm 1920 nữa. Đây là nền kinh tế toàn cầu và chúng ta phải cạnh tranh. Mặc dù vậy, ông Biden là người có xu hướng theo phe bảo thủ hoặc ôn hòa hơn một chút khi đề cập đến các vấn đề lao động nhập cư”, Diane Hernandez, luật sư nhập cư tại công ty luật Hall Estill cho biết.
Để giúp các công ty công nghệ Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu, bà Hernandez tin rằng ông Biden sẽ “không gây khó khăn” đối với nhân tài nước ngoài. Tuy nhiên, bà cũng hy vọng chính quyền tổng thống đắc cử sẽ nhẹ tay hơn với các chính sách nhập cư, bao gồm cả chương trình H-1B trong 4 năm tới.
Những lời hứa hẹn còn dang dở
Dưới nhiệm kỳ ông Trump, 2 trong số các công ty công nghệ lớn trên thế giới là Foxconn và TSMC đều cam kết các khoản đầu tư khổng lồ vào nội địa Mỹ. Tuy nhiên, sau khi lời hứa đầu tư xây dựng nhà máy 10 tỷ USD của Foxconn bị thu hẹp, ông Trump đã đánh rơi nhiều lợi thế khi tái tranh cử chiếc ghế Nhà Trắng.
Hồi tháng 5, TSMC cũng công bố kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, một trong những bang chiến trường khốc liệt.
Chỉ 2 tuần trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu tại Mỹ, Terry Gou, người sáng lập và cựu Chủ tịch Foxconn đã cam kết tiếp tục đầu tư vào Wisconsin cho dù bất kể ứng viên nào chiến thắng, “miễn là các nhà hoạch định chính sách vẫn duy trì cam kết với Foxconn”.
Giới công nghệ được dự đoánh sẽ hưởng lợi dưới nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: Finnacial Times. |
Khác với Foxconn hay TSMC, Samsung cũng cam kết đầu tư dưới thời ông Trump. Tuy nhiên, hãng công nghệ Hàn Quốc đang hưởng lợi từ cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung khi duy trì được vị thế là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.
Một lãnh đạo của Samsung cho biết sự ủng hộ của ông Biden đối với thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương sẽ tạo động lực giúp công ty phát triển. Hiện tại, hơn 80% doanh thu của Samsung đến từ thị trường nước ngoài.
“Sự phát triển của chúng tôi là nhờ quá trình toàn cầu hóa trong thương mại. Nhiều doanh nghiệp của chúng tôi dựa vào chuỗi giá trị toàn cầu”, vị lãnh đạo giấu tên nhận định.
Về chính sách công nghệ trong nước, ông Biden cam kết đầu tư mạnh vào mảng công nghệ nằm trong chương trình nghị sự “Buy American”. Kế hoạch này bao gồm 300 tỷ USD đầu tư vào những công nghệ mới, từ xe điện, vật liệu nhẹ cho đến 5G, trí tuệ nhân tạo, vốn là những lĩnh vực thế mạnh của Trung Quốc.
Rob Atkinson, Chủ tịch tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, cho rằng giới công nghệ sẽ được hưởng lợi dưới nhiệm kỳ ông Biden. Tuy nhiên, bà Kamala Harris, Phó Tổng thống đắc cử, lại là người thường xuyên công khai chỉ trích lĩnh vực công nghệ và kêu gọi đưa ra nhiều quy định hơn, đặc biệt với mạng xã hội Facebook.
“An ninh mạng, quyền riêng tư và một số khía cạnh khác là mối quan tâm của ông Biden. Tôi nghĩ rằng chính phủ sẽ tham gia giám sát nhiều hơn đối với lĩnh vực công nghệ”, ông Darrell West cho biết.
Trước đó, ông Biden từng kêu gọi đánh thuế thu nhập liên bang tối thiểu nhắm vào các công ty như Amazon.
Theo Zing
Trung Quốc cho rằng Mỹ dùng an ninh mạng làm cái cớ để 'săn' công ty của nước ngoài. Hành vi 'bắt nạt' này phải bị phản đối.