Một cuộc thảo luận sôi nổi diễn ra trong giới làm phim sau phát biểu của Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành về bức tranh của điện ảnh phía Bắc thời gian qua. Trong đó, ông Vi Kiến Thành chỉ ra sự chênh lệch ở hai thị trường điện ảnh của Việt Nam.
Sự phân vùng điện ảnh nội địa không phải là điều mới xảy ra, mà là thực tế hiện hữu vài thập kỷ qua. Trong khi thị trường điện ảnh miền Nam ngày càng phát triển sôi động, với đội ngũ làm phim đông đảo và sự ra đời của hàng loạt dự án với tổng doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Ở thái cực ngược lại, điện ảnh phía Bắc gần như “ngủ đông”.
Dấu gần gần nhất của điện ảnh phía Bắc có lẽ phải kể đến là hiện tượng của bộ phim Đào, phở và piano, một dự án do Nhà nước đặt hàng, đạo diễn Phi Tiến Sơn cầm trịch, ra mắt vào dịp tết Nguyên đán 2024. Ban đầu phim chỉ chiếu lặng lẽ tại một địa điểm duy nhất là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội). Song sau đó, nhờ hiệu ứng truyền miệng, Đào, phở và pianobỗng dưng được chú ý và tạo thành cơn sốt trên mạng xã hội.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đánh giá về bức tranh thị trường điện ảnh nội địa những năm qua. |
Những tuần tiếp đó, bộ phim chiếm "spotlight" trên các nền tảng mạng. Sức nóng của Đào, phở và piano được duy trì trong thời gian dài, có lúc còn được đặt lên bàn cân so sánh với Mai, tác phẩm đình đám đến từ Trấn Thành thời điểm đó. Không chỉ ở Hà Nội, khi được trình chiếu tại các cụm rạp thuộc Cinestar, Beta Cinema trên toàn quốc, bộ phim vẫn được khán giả đón nhận rộng rãi cùng những khen, chê trái chiều.
Đây cũng là lần hiếm hoi sau nhiều năm, một bộ phim do Nhà nước đặt hàng, lại chứng kiến tình trạng “cháy vé” và khán giả xếp hàng dài để vào rạp.
Hiện tượng của Đào, phở và pianomột lần nữa khiến các chuyên gia, giới làm phim trong nước nhảy vào mổ xẻ, tranh luận. Nhiều tín hiệu vui, khởi sắc về sự hồi sinh của điện ảnh miền Bắc sau thời gian dài gần như "ngủ đông".
Đào, phở và pianonhận sự quan tâm, bàn luận của khán giả vào dịp Tết Nguyên đán 2024. |
Song sau niềm vui, câu hỏi lớn nhất được đặt ra: 'TrướcĐào, phở và piano, điện ảnh phía Bắc đã ở đâu trong vài thập kỷ qua?".
Trong khi đó, thị trường điện ảnh phía Nam với "cột sống" là TP.HCM nhiều năm qua phát triển mạnh mẽ, các công ty điện ảnh tư nhân mở ra ngày càng nhiều cùng đội ngũ đạo diễn, nhà sản xuất, DOP, diễn viên đông đảo, tài năng.
Số lượng phim điện ảnh có doanh thu trên trăm tỷ đồng tăng đều theo các năm. Trong đó, Trấn Thành và Lý Hải là hai cái tên xác lập kỷ lục “đạo diễn nghìn tỷ đồng” của Việt Nam. Cụ thể, Trấn Thành là đạo diễn duy nhất nắm giữ trong tay ba phim đều có thành tích trên 390 tỷ đồng: Bố già(395 tỷ đồng – 2021); Nhà bà Nữ(459 tỷ đồng - 2023) và gần nhất là Mai (551 tỷ đồng). Chưa kể, ở vai trò nhà sản xuất, Trấn Thành còn có phim Đất rừng phương Namvới thành tích hơn 140 tỷ đồng. Trong khi đó, với 7 phần phim, tổng doanh thu của thương hiệu Lật mặtvượt ngoài mốc 1.200 tỷ đồng.
Lý Hải và Trấn Thành là hai đạo diễn nghìn tỷ đồng của điện ảnh Việt. |
Ngoài Trấn Thành, Lý Hải, những đạo diễn thiện chiến của điện ảnh phía Nam một thập kỷ qua, có thể kể tới như Victor Vũ, Vũ Ngọc Đãng, Võ Thanh Hòa, Bảo Nhân, Trần Hữu Tấn...
Hệ thống rạp chiếu phim chiếm tỷ trọng lớn tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận, đóng góp 65-70% tổng doanh thu của điện ảnh nội địa.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, nhà sản xuất Cao Tùng cho hay bức tranh trái ngược của điện ảnh nội địa không phải chỉ diễn ra trong vài năm gần đây mà hiện hữu từ những năm đầu thập niên 2000 đến nay, với sự ra đời của các hãng phim tư nhân tại TP.HCM, "làn sóng" đổ bộ của đạo diễn Việt kiều, như Charlie Nguyễn, Victor Vũ...
"Từ đó đến nay, việc phát triển càng trở nên chênh lệch hơn. Cho đến những năm gần đây, khi thị trường phía Nam có những phim thương mại doanh thu hàng trăm tỷ đồng, thì điện ảnh miền Bắc vẫn chỉ tập trung làm phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng. Điều này gây nhiều tác động lên tư duy và cách làm việc của lực lượng lao động, nghệ sĩ, nhà làm phim...", ông Cao Tùng nói.
Theo nhà sản xuất, thực tế này không chỉ diễn ra ở ngành điện ảnh mà còn hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác của giải trí, đơn cử như âm nhạc. Và đó là quy luật phát triển tất yếu của thị trường.
Khi các dự án phim do Nhà nước đặt hàng ít đi, không ít đạo diễn, nhà sản xuất ở miền Bắc đã Nam tiến để tìm kiếm cơ hội ở thị trường điện ảnh. Ngược lại, trong khoảng 5 năm gần đây, rất nhiều bộ phim điện ảnh của các đạo diễn ở TP.HCM cũng chọn bối cảnh tại những địa phương ở miền Bắc. Và cũng ngày càng nhiều dự án điện ảnh thương mại có sự tham gia của các diễn viên phía Bắc, gần nhất có Người vợ cuối cùng, Lật mặt 7: Một điều ước...
Diễn viên Kim Oanh góp mặt trong Người vợ cuối cùng của Victor Vũ. |
Sự giao thoa đó theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ là tín hiệu tích cực. Một mặt kéo gần khoảng cách về điện ảnh hai miền. Mặt khác, tạo ra sự hội nhập của điện ảnh Việt Nam vào thị trường điện ảnh thế giới, với một ngôn ngữ điện ảnh vừa quốc tế hơn, và mang đậm bản sắc dân tộc.
"Sự sôi động lâu nay của thị trường các rạp chiếu phim ở phía Nam theo tôi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, về địa lý, văn hóa, hay thói quen sinh hoạt của người dân... Nhưng nếu công chúng chịu khó quan sát, sự sôi động đó cũng đang phát triển dần, thậm chí phát triển khá nhanh ở thị trường rạp chiếu phim phía Bắc. Chính bởi sự phát triển đó, nên mới ngày càng nhiều những bộ phim có doanh thu chiếu rạp trăm tỷ hay mấy trăm tỷ. Khán giả phía Bắc rất thích và hào hứng xem những bộ phim điện ảnh mang đậm văn hóa miền Nam. Ngược lại, khán giả miền Nam cũng hâm mộ và dành tình cảm cho nhiều diễn viên, thần tượng miền Bắc. Còn các nhà làm phim thì vẫn luôn đi tìm kiếm sự mới mẻ, khai thác sâu những đề tài khó, có yếu tố văn hóa, tâm linh… ở cả hai miền", Đinh Tuấn Vũ chia sẻ.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngành công nghiệp điện ảnh thường có sự tập trung tại một số vùng hoặc thành phố cụ thể. Đơn cử, tại Mỹ, thị trường điện ảnh phát triển chủ yếu tại Hollywood (Los Angeles), nơi được coi là "kinh đô điện ảnh" của thế giới.
Hollywood sôi động với các hãng phim lớn, cơ sở hạ tầng và nhân tài, từ biên kịch, đạo diễn đến diễn viên cùng ê-kíp. Các thành phố khác như New York cũng có ngành phim ảnh phát triển nhưng không thể so sánh với Hollywood về quy mô và sức ảnh hưởng.
Tại Hàn Quốc, thị trường điện ảnh phát triển rực rỡ ở thủ đô Seoul. Các hãng phim lớn, studio, và nhân lực đều tập trung ở đây, tạo nên sự thuận lợi cho quá trình sản xuất, phân phối và quảng bá phim.
Một số quốc gia khác như Pháp, Paris là trung tâm của ngành công nghiệp điện ảnh. Hay tại Trung Quốc, Bắc Kinh và Thượng Hải là hai thành phố với nền điện ảnh hàng đầu.
Ở mỗi "vùng công nghiệp" điện ảnh đều nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ về chính sách, hạ tầng để phát triển. Ngoài ra, hiện nay, một số quốc gia cũng đưa ra nhiều chính sách mới, nhằm mở rộng phạm vi của ngành công điện ảnh, phát triển tại các địa phương khác trong cả nước.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.