Hôm qua (8-12),ựchiệncácnhómgiảipháptrọngtâmpháttriểnkinhtếkeonhacai de tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình các ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND tỉnh và một số giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018; trong đó nhấn mạnh đến nhóm giải pháp giải ngân vốn đầu tư công...
Các đại biểu HĐND tỉnh nghe giải trình tại kỳ họp lần thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh:XUÂN THI
Tập trung giải ngân vốn đầu tư công
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cho biết, tính đến ngày 15-11 giá trị giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 50,6% kế hoạch; ước khối lượng thực hiện đến 31-12-2017 đạt 100,3% kế hoạch. Nhìn chung, tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt là trong những tháng đầu năm. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề, làm việc với các chủ đầu tư, đi kiểm tra tình hình thực tế các dự án... Qua phân tích xác định nguyên nhân, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhất là chỉ thị với 9 giải pháp cụ thể; đồng thời kiến nghị Trung ương xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư. Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của các ngành, các cấp, tình hình thực hiện vốn đầu tư công những tháng cuối năm đã có chuyển biến tốt.
Ông Trần Thanh Liêm cho biết, trong năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại hạn chế của năm 2017, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Mở rộng đường ĐT743, giải phóng mặt bằng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường từ ngã 4 Bình Chuẩn đến Đài liệt sĩ Tân Phước Khánh, đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng, đường Bạch Đằng nối dài, thoát nước và xử lý nước thải khu vực TX.Dĩ An, Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, Khu tưởng niệm Chiến khu Đ, đường Thủ biên - Đất Cuốc, cầu Bạch Đằng 2... UBND sẽ chủ động, linh hoạt xử lý theo thẩm quyền các công trình triển khai thi công đạt tiến độ, nhằm sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; đồng thời rà soát điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 2016-2020 nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư.
Giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ
Trong nhiều vấn đề giải trình tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến việc giải quyết tình trạng ngập nước đô thị, vùng sản xuất nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thoát nước, hệ thống đê bao dọc các sông trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, tốc độ đô thị hóa của tỉnh nhanh, ảnh hưởng đến việc thoát nước tự nhiên, thoát nước tự thấm bị hạn chế, gây ra tình trạng ngập úng cục bộ ở một số khu vực, địa phương. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung đầu tư các công trình thoát nước, kể cả khu vực đô thị và nông thôn nhằm góp phần cải thiện tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, do đặc thù về địa hình, thủ tục đầu tư, nguồn vốn... nên công tác khắc phục các khu vực, điểm ngập còn chậm. UBND tỉnh sẽ tập trung xử lý trong thời gian tới với các giải pháp như: Nghiên cứu đầu tư cống ngăn triều, bơm thoát nước, cải tạo hệ thống đê bao, rạch thoát nước; chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung rà soát, có giải pháp xử lý hiệu quả các điểm ngập trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân trong quản lý kênh rạch và hệ thống thoát nước.
Nói về dự án đê bao ven sông Sài Gòn được triển khai thực hiện trong thời gian qua nhưng hiệu quả chưa rõ rệt, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu (đoạn qua TX.Thuận An) và đê bao Tân An - Chánh Mỹ (đoạn qua TP.Thủ Dầu Một) những năm gần đây có nhiều đoạn bị xuống cấp, lún thấp nên vào mùa mưa, nhất là khi xả lũ hồ Dầu Tiếng và triều cường xuất hiện nước tràn bờ, làm ngập úng diện tích đất nông nghiệp và một số nhà của người dân trong khu vực, nhiều diện tích đất người dân sản xuất không ổn định. Được sự thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã có chủ trương đầu tư Dự án “Sửa chữa, nâng cấp tuyến đê bao An Tây - Phú An và Tân An - Chánh Mỹ” với tổng vốn đầu tư khoảng 555 tỷ đồng, nguồn ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay ngân sách Trung ương chưa cân đối được cho tỉnh để thực hiện dự án. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương hoặc rà soát cân đối ngân sách, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư từng đoạn của dự án cho phù hợp.
Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ
Ông Trần Thanh Liêm cho rằng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn TX.Dĩ An dài khoảng 9 km (Ga Dĩ An). Theo Quy hoạch đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có các tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng. Ngoài ra, theo quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh còn có 5 tuyến metro, trong đó tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư tuyến metro từ thành phố mới Bình Dương kết nối với bến xe Miền Đông mới; do vốn đầu tư lớn, nên việc cân đối cho đầu tư gặp khó khăn. UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư; đồng thời tỉnh đang huy động các nguồn vốn hợp pháp cho các dự án của tỉnh để kết nối tuyến Metro Suối Tiên - thành phố mới Bình Dương nhằm góp phần giải quyết đi lại thuận lợi của người dân.
Thông tin thêm với các đại biểu HĐND tỉnh, ông Trần Thanh Liêm cho hay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang, phát triển đô thị, UBND tỉnh đã có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nông thôn và các xã có định hướng đổi thành phường, nhất là hệ thống giao thông. Tuy nhiên, việc này cần nguồn kinh phí lớn, cần phải phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của từng cấp. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp Sở Tài chính, UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch vốn đầu tư cho từng địa phương phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực khác từ các thành phần kinh tế và người dân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các xã khang trang, lịch sự, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, đáp ứng tiêu chí thành lập phường với mục tiêu chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
8 nhóm giải pháp trọng tâm
Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Nhóm giải pháp thứ nhất là tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Trong nhóm giải pháp này sẽ chú trọng phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; có giải pháp phù hợp, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác chuyển thành doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao và các tập đoàn đa quốc gia, có tiềm lực tài chính gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ.
Nhóm giải pháp tiếp theo là tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị thông minh. Nhóm giải pháp thứ ba là tập trung siết chặt kỷ luật tài chính, hoàn thành dự toán thu ngân sách, chi tiết kiệm và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh đến các nhóm giải pháp chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm giải quyết việc làm, phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các hoạt động văn hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến nhóm giải pháp xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong đó triển khai thực hiện Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
NHÓM PV CHÍNH TRỊ