Thông tin được ThS.BS Lương Chấn Quang,ốcamắcsởiphíaNamtăngchưathấyđiểmdừtrực tiếp đa bóng Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM, báo cáo tại Hội nghị tình hình bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam năm 2024 diễn ra chiều 4/12.
Số ca mắc tăng nhanh dù tỷ lệ tiêm chủng rất cao
Tính từ đầu năm đến ngày 2/12, toàn phía Nam có 19.000 ca mắc sởi, trong đó có 8 ca tử vong tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bến Tre. So với năm 2023, số ca mắc cao gấp 56,5 lần.
“Số trường hợp mắc leo dốc chưa thấy điểm dừng dù tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 90%”, bác sĩ Quang cho biết.
Theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, số ca mắc tại tất cả địa phương trên toàn khu vực phía Nam đều tăng, chưa có tỉnh nào giảm. Đồng Nai và Bình Dương là 2 địa phương có số ca mắc tăng rất nhanh và cao nhất với hơn 200 ca/tuần. Kế đó là TPHCM, Cà Mau và Bạc Liêu.
Hiện, toàn miền Nam có 63 ổ dịch, trong đó 46 ổ dịch đang hoạt động. Đa số ổ dịch nằm trong trường học, ít lây ngoài cộng đồng.
Nhóm tuổi có số lượt mắc cao nhất tại khu vực là 1-10 tuổi. Hiện, số bệnh nhi ở nhóm tuổi này vẫn tiếp tục tăng tại các tỉnh ngừng tiêm chủng là Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.
Tăng cường rà soát trẻ tiêm chủng
Theo đánh giá của các chuyên gia, những địa phương có số ca mắc tăng cao đều có tỷ lệ di biến động dân cư cao, khó kiểm soát danh sách trẻ chưa tiêm chủng.
Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, hiện nay, tỷ lệ bao phủ vắc xin tại các tỉnh phía Nam đều rất cao. Tuy nhiên, sau nhiều tuần, số ca mắc vẫn không thể giảm. Điều này có thể do vắc xin chưa thể tiếp cận đến bộ phận trẻ em di biến động dân cư.
“Có thể thấy rõ tình trạng này ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và các quận, huyện giáp 2 tỉnh này của TPHCM”, ông Thượng dẫn chứng.
Để giải quyết vấn đề này, tiến sĩ Thượng cho hay ngành y tế cần rà soát lại danh sách đối tượng tiêm chủng. Không có phương thức nào hiệu quả bằng việc tiếp cận từng hộ gia đình, kiểm tra và giám sát danh sách trẻ tiêm chủng. Việc bỏ sót đối tượng tiêm sẽ dẫn đến khó khăn trong việc phòng chống dịch sởi.
Đồng quan điểm, bác sĩ Quang cho rằng ngành y tế cần đối chiếu danh sách tiêm phòng từ phiếu khám sàng lọc và phần mềm quản lý tiêm chủng để xác định các trẻ chưa được tiêm.
Cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở y tế, trường học và chính quyền địa phương để đảm bảo tất cả trẻ em trong diện tiêm chủng được tiếp cận kịp thời với vắc xin.
Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý dịch, các địa phương không nên chờ đợi kết quả xét nghiệm. Khi trẻ có dấu hiệu sốt phát ban, cần xác định ngay là sởi và triển khai phương pháp phòng chống, tránh để dịch lây lan.
Theo ThS.BS Lương Chấn Quang, tình hình dịch bệnh hiện tại ở các tỉnh phía Nam chưa có dấu hiệu chồng dịch.
Một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin như sởi, ho gà, viêm màng não và dại đang gia tăng. Bên cạnh đó, số trường hợp sốt xuất huyết và tay chân miệng đã giảm so với năm trước.
Đặc biệt, sau 10 năm, tháng 11/2024, khu vực phía Nam ghi nhận lại ca cúm gia cầm A/H5 ở người. Các ổ dịch cúm gia cầm đang phát triển tại 5 tỉnh trong nước và ở Campuchia. Do đó, cần tăng cường giám sát gia cầm chết và sức khỏe người dân tại khu vực ổ dịch, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp giữa ngành y tế và thú y.