Cựu Tổng thống Donald Trump một lần nữa lại trở thành mục tiêu của một vụ ám sát hụt khi đang chơi golf tại sân golf Trump International ở West Palm Beach, bang Florida hôm 15/9.
Đây là điều chưa từng có trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ bởi chỉ trong hơn 2 tháng, một ứng cử viên tổng thống 2 lần bị ám sát hụt. Sự việc này không chỉ làm cho nền chính trị Mỹ vốn phân cực cao độ nay càng thêm bối rối, mà còn dấy lên những quan ngại về an ninh của các ứng viên và những tác động của nó đối với cuộc đua tổng thống năm 2024 này.
Trong khi mật vụ Mỹ vừa được khen (vì đã xử lý vụ việc tốt hơn vụ ám sát hụt lần 1), vừa bị chê (vì đã để kẻ bắn tỉa tiếp cận chỉ còn cách ông Trump vài trăm mét và ở ẩn nấp ở đó nhiều giờ mà không bị phát hiện), ông Trump đã triệt để tận dụng tác động của vụ việc này. Ông muốn tiếp tục chứng tỏ với cử tri Mỹ về bản lĩnh sắt đá và quyết tâm chính trị vững vàng, kiên định của mình mà một tổng thống Mỹ cần có, đồng thời cũng đã khôn ngoan đề cao bản thân khi tuyên bố "chỉ tổng thống có tầm ảnh hưởng mới bị bắn".
Còn đối thủ của ông là Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã lập tức thể hiện tầm lãnh đạo của mình khi nhanh chóng lên án vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump nói riêng và bạo lực nói chung.
Hai vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump vừa qua diễn ra trong 2 tình thế rất khác nhau mà ông đang gặp phải. Vụ ám sát hụt đầu tiên xảy ra tại một sự kiện vận động tranh cử ngoài trời ở thành phố Butler, bang Pennsylvania, một bang chiến trường quan trọng mà trước đó ông Trump đã có cuộc tranh luận áp đảo đương kim Tổng thống Joe Biden. Còn lần này là trên sân golf, khi ông Trump đang bị Phó Tổng thống Harris dẫn trước trong các cuộc thăm dò và bị dư luận chung cho là không thuyết phục bằng bà Harris trong cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên và cũng là duy nhất ở Philadelphia mới đây.
Dù ngay sau vụ ám sát hụt thứ 2, theo Poly Market, các nhà cái ở Mỹ đã nâng cao thêm cơ hội thắng cử của ông Trump, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể thấy hệ quả của vụ việc đối với kết cục cuộc bầu cử ngày 5/11 tới.
Cơ hội của ông Trump
Tuy nhiên, đã có những tiếng nói mới có lợi cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Chính dư luận Mỹ cũng đã chỉ ra rằng trong suốt những năm qua, dù bản thân có nhiều lời nói và hành động châm ngòi cho những phản ứng không thuận, ông Trump đã liên tục bị công kích quá mức trên mạng xã hội và truyền thông. Đặc biệt, hạ nghị sỹ Cộng hòa Pat Fallon khi trả lời phỏng vấnFox Newsngay sau vụ ám sát hụt ngày 15/9 đã giận dữ cho rằng "ông ấy bị chỉ trích suốt 8 năm qua, thậm chí bị so sánh với những kẻ phân biệt chủng tộc".
Về phần mình, ngay sau ngày bị ám sát hụt lần 2, chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng đã đưa ra một thống kê, theo đó đã có tới 30 trường hợp Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cùng nhiều thành viên đảng Dân chủ "dán nhãn" ông Trump là "mối đe dọa cần phải ngăn chặn, loại bỏ hoặc bị đánh bại".
Ông Trump cho rằng, điều đó làm nổi bật hình ảnh cá nhân ông, chứ không phải là chính sách mà ông chủ trương theo đuổi, là nạn nhân của "một cuộc săn lùng phù thủy" từ các luận điểm tuyên truyền tiêu cực không ngừng nghỉ của đảng Dân chủ và một bộ phận đáng kể trong giới truyền thông, ít ra là trong thời điểm ngắn hạn ngay sau vụ ám sát hụt. Nhờ đó, ông rất có thể sẽ tranh thủ được thêm một bộ phận không nhỏ cử tri Mỹ, nhất là những người trung lập và phản đối bạo lực.
Ý thức được thực tế trên, dường như gần đây bà Harris đã bớt công kích cá nhân ông Trump như từng làm cùng Tổng thống Biden trước đây, mà khôn khéo chuyển dần trọng tâm sang công kích "hiện tượng" và các chính sách của ông Trump.
Hiện tại, theo báo chí Mỹ, hệ quả từ cuộc ám sát hụt nhằm vào ông Trump lần 2 chưa đem lại những "điểm cộng" lớn cho cựu Tổng thống trong con mắt quảng đại cử tri Mỹ, nhưng ít nhất thì nó cũng giúp ông Trump chấm dứt những tuần u ám gần đây. Đặc biệt, đà thăng tiến nhanh của bà Harris đã bị chậm lại, kể cả ở các bang chiến trường quan trọng như Pennsylvania hay Michigan và Wisconsin, mà nếu ứng viên nào không giành thắng lợi được ở 3 nơi này sẽ không thể trở thành chủ nhân Nhà trắng nhiệm kỳ tiếp theo.
Theo kết quả thăm dò cử tri được Đại học Quinnipiac công bố ngày 18/9, bà Harris dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 50/45 ở Pennsylvania và 51/45 ở Michigan; trong khi ở bang Wisconsin, ưu việt cho bà Harris chỉ là 1 điểm. Tuy nhiên, tình hình tại các bang chiến trường vẫn còn rất cạnh tranh và có thể thay đổi nhanh chóng.
Khác với các bang truyền thống, cử tri ở các bang chiến trường rất dao động và dễ thay đổi, chủ yếu dựa trên nhận thức của họ về được/mất gì khi lựa chọn bầu cho ai xung quanh 3 vấn đề cơ bản nhất là chính trị, nhân chủng học và kinh tế mà các ứng viên đưa ra.
Thực tế là ông Trump từng thắng cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton ở các bang chiến trường nói trên trong bầu cử năm 2016, nhưng lại thua ông Biden năm 2000, người giành được toàn bộ 19 phiếu đại cử tri vô cùng quan trọng để cán đích mốc 270 phiếu cần thiết đảm bảo cho chiến thắng cuối cùng.
Ngoài vụ ám sát hụt lần 2 vừa qua, hiện vẫn còn nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc đua tổng thống hiện nay.
Về đối nội, các vấn đề kinh tế-xã hội trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống và an sinh xã hội của người dân vẫn là mối quan tâm hàng đầu của đông đảo cử tri. Đây cũng chính là lĩnh vực cả 2 ứng viên phải nỗ lực thể hiện để giành được niềm tin của cử tri trong 7 tuần nước rút sắp tới.
Mặc dù vậy, những vấn đề chính trị và quan hệ quốc tế cũng có thể sẽ đóng vai trò bổ sung không nhỏ tới thành công cuối cùng của mỗi ứng viên. Hiện tại, việc có tới 100 quan chức cao cấp thuộc đảng Cộng hòa trong các chính quyền trước đây vừa viết thư phê phán cựu Tổng thống Trump, nhất là về đối ngoại và khẳng định sẽ bỏ phiếu cho bà Harris.
Khó khăn của bà Harris
Đó là diễn biến mới bất lợi cho ông Trump, nhưng Phó Tổng thống Harris cũng vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khác.
Trước hếtlà việc Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ phải giải trình trước quốc hội về cuộc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan đầy hỗn loạn và tai tiếng vào mùa hè năm 2022, trong đó bà Harris - trên cương vị Phó Tổng thống - không thể vô can.
Thứ hai,tiếp theo hàng loạt vụ việc khiến dư luận trên thế giới bất bình, như việc hàng ngàn máy nhắn tin của phong trào Hezbollah ở miền Nam Li Băng bị kích nổ đồng loạt vừa qua. Chính quyền Thủ tướng Netanyahu ở Israel ngày càng trở nên cứng rắn và công khai tuyên chiến với tất cả những đối thủ chính ở khu vực là điều chính quyền Mỹ và cá nhân bà Harris không mong muốn vào lúc này.
Thứ balà diễn biến trong cuộc chiến ở Ukraine, với sự thắng thế của Nga, càng làm cho nguy cơ Washington "tiền mất, tật mang" trong canh bạc này trở nên rõ ràng hơn…
Thứ tư là về an ninh ngay trong nước Mỹ, ngoài việc ông Trump bị ám sát hụt 2 lần liền trong 2 tháng qua, tin tức về âm mưu đặt bom ám sát tại một sự kiện vận động tranh cử của ông Trump ở Long Island hay các mối đe dọa đánh bom ở Ohio tiếp tục khiến chính trường nước Mỹ thêm xáo động và không có lợi cho chính quyền Biden-Harris, khiến bản thân Phó Tổng thống Harris đã phải lên tiếng gọi những âm mưu đó là "đáng hổ thẹn".
Liệu vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump lần thứ 2 vừa qua có giúp ông bứt phá trong giai đoạn nước rút đầy cam go hiện nay hay không, như ông đã làm được sau vụ ám sát hụt đầu tiên ngày 13/7, là câu hỏi đang được dư luận đặt ra với sự quan tâm đặc biệt nhưng khó sớm có câu trả lời.
Tuy nhiên, điều rõ ràng là tình hình đang diễn biến nhanh và ứng viên nào tận dụng được tốt hơn cơ hội để tiếp cận và thuyết phục nhiều hơn những cử tri còn chưa quyết định tin vào lời hứa chính sách và các biện pháp quản lý đất nước trong giai đoạn đầy thách thức sẽ có cơ may chiến thắng cao hơn trong ngày bầu cử 5/11.