Trung bình mỗi năm Việt Nam có 2.000 trẻ tử vong do đuối nước,ạybơichotrẻnghèbảng tỷ lệ cá cược với tỷ suất 6,8/100.000 trẻ, cao nhất so với khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần các nước phát triển, theo số liệu được Bộ Giáo dục & Đào tạo dẫn ra năm 2021.
Nguyên nhân đuối nước chủ yếu là do trẻ không biết bơi. Và với nguyên nhân dễ hiểu này, hè nào cũng vậy, sau mỗi một vụ chết đuối lại là một cuộc loanh quanh đổ lỗi: ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng trẻ thiếu kỹ năng sống sót dưới nước?
Chủ trương đưa bơi vào trường học như một môn giáo dục thể chất đã được ngành Giáo dục triển khai từ cách đây gần 15 năm. Nhưng không phải lúc nào chủ trương cũng dễ dàng hiện thực hóa. Trường học gặp đủ thứ khó khăn, liên quan đến kinh phí, con người, cơ sở vật chất... Mỗi đơn vị muốn dạy bơi ít nhất cần có bể bơi. Bể xây bằng xi-măng kiên cố mất hàng trăm triệu đồng đến tiền tỷ, nếu lắp ráp bằng nhựa compsite cũng suýt soát 50-70 triệu đồng.
Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, đơn vị được tài trợ bể bơi compsite, chia sẻ rằng: mỗi tháng trường mất ít nhất 800.000 đồng tiền hóa chất, 5 triệu đồng tiền hỗ trợ giáo viên dạy bơi. Con em nông thôn phần lớn thuộc gia đình khó khăn, tiền học chữ còn chưa đủ, nói gì đến tiền học bơi. Trường phải lấy chỗ này đắp chỗ nọ. Nhưng ông cũng cho biết thêm: với diện tích bể bơi chưa đầy 40 m2, học sinh chỉ có thể tập những thao tác để nổi trên mặt nước, muốn bơi thành thạo thì gần như không thể.
Vậy nếu coi đây là trách nhiệm của gia đình, thì sao? Một báo cáo của WHO cho biết: Hơn 55% trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam sống trong các hộ gia đình có điều kiện kinh tế nghèo, tập trung nhiều nhất ở khu vực nông thôn. Tôi vẫn cho rằng, trẻ không biết bơi, thiếu những kỹ năng sinh tồn cơ bản, lỗi trước hết phải thuộc về gia đình, rồi sau đó mới đến các đơn vị liên quan. Nhưng xã hội khó có thể đòi hỏi gì nhiều hơn ở các gia đình đang hàng ngày phải chiến đấu với cái ăn cái mặc.
Trong bối cảnh đó, có một giải pháp theo tôi sẽ mang lại hiệu quả sớm hơn và rộng hơn, là tổ chức dạy bơi trong cộng đồng. Cách thức này được thực hiện bởi các tình nguyện viên. Không gian dạy bơi chính là sông suối, hồ đập trên địa bàn. Dụng cụ hỗ trợ là những vật dụng đơn giản, tồn tại sẵn xung quanh như áo phao cũ, xăm ôtô cũ hay thậm chỉ là bè chuối và các vật dụng có thể nổi trên mặt nước...
Năm 2006 tại quê tôi có một thầy giáo tên là Lê Văn Tùng - dạy thể dục kiêm Tổng phụ trách đội ở một trường học thuộc huyện Cẩm Xuyên - đã tổ chức dạy bơi rất hiệu quả theo cách như vậy. Thầy khảo sát, lựa chọn một vùng nước bằng phẳng, độ sâu hợp lý trên dòng sông Rác rồi căng phao làm chỉ giới. Trong phạm vi chừng hơn 200 m2 trên sông, thầy Tùng huấn luyện cho các em nhỏ mỗi sáng mỗi chiều. Gần 10 năm ròng rã, thầy đã giúp khoảng 5.000 em nhỏ trên địa bàn biết bơi mà không mất một khoản đóng góp nào.
Nhưng vì lý do công việc cũng như sức khỏe, thầy Tùng sau đó buộc phải nghỉ công việc yêu thích của mình. Lớp học bơi của thầy giờ vẫn được nhắc tới như là một kỷ niệm đẹp.
Câu chuyện của thầy Tùng cho thấy: dạy bơi trong cộng đồng là một giải pháp phù hợp, hiệu quả đối với trẻ em nông thôn nếu được tổ chức hợp lý. Vấn đề là ai sẽ đứng ra tổ chức?
Nhiều tổ chức, hội nhóm có thể làm được điều này nhưng tốt hơn cả và đúng chức năng, nhiệm vụ hơn cả có lẽ là Đoàn Thanh niên. Hiện nay chiến dịch Tình nguyện hè đã bắt đầu được khởi động. Bên cạnh những hoạt động như tiếp sức mùa thi, sinh hoạt đoàn đội, hay thậm chí là lắp loa, cắm biển cánh báo nguy hiểm nơi sông suối... thì nên chăng Đoàn Thanh niên lập các đội tình nguyện dạy bơi miễn phí. Đội tình nguyện gồm những người có kỹ năng dạy bơi về các địa bàn nông thôn, khảo sát địa hình, địa vật, chăng dây, cắm phao trên sông suối hồ đập, rồi tập bơi cho các cháu.
Với cách làm cầm tay chỉ việc như vậy, chỉ cần độ vài tuần là trẻ em nghèo trên các địa bàn được phổ cập kỹ năng bơi. Đây là một giải pháp ít tốn kém, thiết thực, khả thi trong các hoạt động tình nguyện hè, nhưng dường như chưa được các cơ sở Đoàn đặt vấn đề một cách nghiêm túc.
Trần Long