Không khí mát mẻ từ sâu bên trong ngọn núi nhẹ nhàng uốn lượn qua các đường hầm vòm cong. Dọc theo các bức tường của các lối đi ngầm, các dãy phòng có kích thước chứa đủ cho một người đã được đào vào đá. Không thể nhầm lẫn – đây là một hầm mộ khổng lồ.
Tuy nhiên, ngôi mộ tập thể này không phải là một di tích của đế chế La Mã. Nó được xây dựng bởi các máy đào điện cỡ lớn và các bức tường được đắp bằng bê tông. Mọi người sẽ đi vào bằng thang máy, và có thể sử dụng một chiếc xe điện để đi qua thành phố ngầm này.
Đối mặt với tình trạng thiếu đất trầm trọng, thành phố Jerusalem đang chuẩn bị vào cuối tháng này để hồi sinh một phong tục chôn cất dưới lòng đất cổ xưa. Một dự án kéo dài bốn năm - đào một dặm đường hầm mê cung vào một sườn đồi ở ngoại ô thành phố linh thiêng Jerusalem để chứa 23.000 xác.
Adi Alphandary, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh tại Rolzur, công ty xây dựng của Israel chịu trách nhiệm cho dự án cho biết: “Những gì bạn đang thấy ở đây đó là nghĩa trang ngầm đầu tiên trong kỷ nguyên mới này”.
Tổ chức chôn cất xã hội Kehillat Yerushalayim – tổ chức lớn nhất giám sát các lễ chôn cất của người Do Thái ở Jerusalem, đã tài trợ cho dự án, với chi phí lên tới 45 triệu bảng (hơn 1300 tỷ đồng). Tổ chức đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt, bao gồm lệnh cấm hỏa táng và cả việc những người quá cố nên được kết nối trực tiếp với trái đất, có nghĩa là cơ thể của họ nên được trở về mặt đất.
Vì thế, Rolzur đã giữ những ngôi mộ có thể xếp dọc theo các bức tường và có sàn chạm đất. Đồng thời công ty cũng đã sử dụng bê tông để củng cố các buồng một cách chắc chắn nhất.
Đi bộ quanh các đường phố ngầm, trong một chiếc mũ cứng và áo vest, Alphandary nói rằng có một thách thức thiết kế cho dự án này: Bạn làm thế nào để nó trông giống như một nơi thanh bình?
Ánh sáng đèn LED chiếu qua các lối đi nhỏ, một số trong đó cao 15 mét và có thể chứa chín tầng hốc chôn dọc theo mỗi bên. Màu sắc duy nhất trong hầm đến từ ánh sáng màu hổ phách của những chiếc đèn kính khổng lồ treo tại các giao lộ dưới lòng đất - tác phẩm của nghệ sĩ người Đức Yvelle Gabriel.
Lễ khánh thành ngày 30 tháng 10 vừa rồi chỉ mở ra một phần ba đầu tiên của khu phức hợp, với 8.000 ngôi mộ đã sẵn sàng để lấp đầy, trong khi phần còn lại của các đường hầm sẽ tiếp tục được đào.
Di chuyển người chết xuống dưới lòng đất là một ý tưởng mà Rolzur muốn thực hiện trên toàn thế giới, khi các thành phố đang phát triển và mở rộng, nhấn chìm các nghĩa trang ở ngoại ô.
“Bạn có những đô thị khổng lồ và không có đủ đất để xây dựng nghĩa trang”, theo ông Alphandary. “Chúng tôi thấy vấn đề nan giải này trên toàn thế giới”, ông này nói.
Hầm mộ Jerusalem nằm ngay bên dưới Nghĩa trang lớn nhất của người Do Thái, Givat Shaul, nơi đã nhanh chóng cạn kiệt không gian. Nghĩa trang này có gần 250.000 ngôi mộ và đã phải xây dựng các công trình chôn cất nhiều tầng trông giống như những bãi đỗ xe.
“Hãy nghĩ xa hơn một chút”, ông Alphandary nói: “Trong khoảng một trăm năm nữa, tất cả những ngôi mộ này sẽ được lấp đầy. Tất cả những gì chúng ta phải làm là đào thêm 50 mét bên dưới và chúng ta có khả năng sẵn sàng cho 20 lần những gì chúng ta đã làm ở đây.”
“Và đừng lãng phí mặt đất cho những thứ bạn có thể làm dưới lòng đất”. Ông nói.
Thùy Dung
Theo The Guardian