Một tháng học nghề từ cuốn sách mua ở chợ
Ông Nguyễn Công Nhân (58 tuổi,ọcnghềtừcuốnsáchngườiđànôngthànhvuađồcũcótàisảnkhủkeets quar bongs ddas Đống Đa, Hà Nội) thường được mọi người biết đến với biệt danh “vua đồ cũ” Nhân Râu.
26 năm gắn bó với nghề sửa chữa điện tử, điện lạnh, ông Nhân trở thành "cây đại thụ" có biết bao thế hệ học trò. Nói về chặng đường dài trong sự nghiệp, ông Nhân nhớ về những ngày tháng khó khăn, lo lắng từng bữa cơm gia đình.
Kinh tế khó khăn chính là lý do ông bước chân vào con đường sửa chữa điện tử điện lạnh năm 32 tuổi và có được thành công như hiện tại.
Trước khi bắt tay vào nghề sửa chữa điện tử điện lạnh, ông Nhân theo nghề bán kem của bố mẹ. Công việc cho thu nhập không cao lại khá vất vả khiến ông luôn đau đáu nghĩ về một cơ hội mới. Ông kể, ngày đó vốn ít, kinh nghiệm không nhiều, ông không biết phải khởi nghiệp từ đâu. Chỉ biết trong lòng ông lúc nào cũng nuôi dưỡng giấc mơ làm giàu, phải kiếm tiền để bớt khổ.
Thế rồi nhân một lần đi sửa máy làm kem, ông đã tìm ra con đường của mình.
"Tôi nhờ thợ sửa máy làm kem. Nhưng người này cứ loay hoay mãi không sửa được. Tôi tỉ mỉ quan sát thì phát hiện lỗi của nó nằm ở đâu. Tôi nảy ra ý định học sửa máy móc hỏng. Lần đó, tôi ra chợ Giời (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mua một cuốn sách về nghề sửa chữa điện tử điện lạnh. Về nhà, tôi đọc thật chú tâm, tỉ mỉ trong vòng một tháng. Và tôi bắt đầu biết được những kiến thức cơ bản. Tôi tự nhủ nhất định phải đi theo con đường này", ông Nhân nói.
Bằng số vốn ít ỏi của mình, ông xin bố mẹ nghỉ làm kem để khởi nghiệp. Năm 1997, ông Nhân quyết định mở một cửa hàng, đặt tên "Vua đồ cũ". Tấm biển giản dị treo trước cửa vẫn còn nguyên vẹn, nét chữ không phai mờ cho đến tận bây giờ.
“Thật ra tôi đến với nghề không chỉ vì đam mê mà còn vì kinh tế. Cuộc sống khó khăn quá bắt buộc tôi phải kiếm nghề nào đó ra tiền chứ không thể sống nghèo mãi được”, ông Nhân chia sẻ.
Ông bắt đầu thực hành, sửa chữa các máy móc hỏng hóc. Lâu dần, quen tay, am hiểu hơn, ông biết được các lỗi thông thường, sửa cũng nhanh hơn. Ngoài nhận đồ sửa của khách ông Nhân còn thu mua đồ cũ để sửa rồi bán lại cho người khác. Mỗi ngày ông đều tự mày mò, trau dồi thêm kiến thức để phát triển bản thân mình.
Càng làm ông càng thấy yêu và hứng thú với công việc. Ông nhận ra, chỉ cần mình chú tâm, cẩn thận, chịu khó mày mò, học hỏi thì công việc này không quá khó.
"Ngày đó, việc này hiếm người làm lắm. Ở Hà Nội tôi chắc là người làm đầu tiên nên thu nhập khá, kiếm được nhiều tiền. Dù không học qua trường lớp nào nhưng tôi có thực tế. Tôi thường xuyên mua đồ phế liệu của người bán đồng nát rồi về sửa.
Những chiếc máy được khách hàng mang đến, tôi mày mò sửa từng tí một cho bằng được thì thôi. Có những chiếc không dùng được, tôi lấy lại linh kiện cũ, còn sử dụng được rồi cất đi. Sau này, tôi tận dụng những món đó để chắp ghép vào những chiếc máy khác, rồi lại có được sản phẩm tốt", ông cho hay.
Cứ như thế, công việc của ông Nhân ngày một phát triển, đơn hàng và thu nhập cũng tăng lên từng ngày.
Những món hàng ông Nhân sửa đa số là tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, bình nóng lạnh… Vì vậy cửa hàng của ông hoạt động quanh năm, không kể đông hay hè.
“Hơn chục năm về trước, đối tượng khách hàng mua đồ sửa lại của tôi khá đa dạng vì thời đó máy móc còn hiếm. Nhưng hiện tại xã hội phát triển, kinh tế vững, nhiều gia đình có điều kiện nên đồ hỏng là họ thanh lý chứ không sửa.
Sau thanh lý họ lại đi mua đồ mới, ít người mua lại đồ cũ. Tôi tận dụng đồ thanh lý hoặc của người bán đồng nát rồi mang về sửa lại. Những người mua đồ của tôi đa số là sinh viên bởi sinh viên thường ít tiền. Sinh viên cũng không có nhu cầu dùng đồ mới để tránh lãng phí. Có nhiều bạn sinh viên mua của tôi rồi lại mang bán lại cho tôi khi ra trường”, ông Nhân chia sẻ.
Các thiết bị được sửa thường bán ra với giá hơn triệu 1 đồng/chiếc. Theo ông, giá này khá rẻ và cũng hợp lý, nhất là đối với sinh viên. Các thiết bị bán ra, ông Nhân cũng có chế độ bảo hành trong vòng 1-2 năm. Ông cho biết, độ bền của những thiết bị này thường từ 5 đến 10 năm, phù hợp với giá thành.
Hiện nay, mỗi ngày cửa hàng của ông nhận gần chục món. Thợ làm việc từ 8h đến 17h30 chưa hết việc.
Việc tìm nơi để đồ cũ cũng là một thách thức lớn đối với ông Nhân. Ngoài căn nhà hiện tại ở phố Khương Thượng, ông thuê thêm kho lớn ở phía sau để chứa đồ. Một số thiết bị không dùng đến hoặc quá cũ, một thời gian ông lại bán cho người thu mua đồng nát.
Hơn 20 năm làm nghề, ông Nhân cho biết, số thiết bị hỏng hóc mà ông phải “bó tay” rất hiếm. Đa số các máy hỏng ông đều phát hiện ra lỗi và khắc phục sớm. Ông tự tin rằng kinh nghiệm lâu năm trong nghề là điều giúp ông có được con mắt tinh tường và sự nhạy bén hiếm có.
Học nghề phải có cái tâm
26 năm gắn bó với công việc, ông Nhân vẫn yêu tha thiết nghề. Bởi đó không chỉ là công việc giúp ông có kinh tế, nó còn là một chặng đường đầy kỉ niệm để ông nhớ về những ngày khó khăn vất vả.
Ông “vua đồ cũ” hiện đào tạo rất nhiều thế hệ học trò. Ông cho biết, những người học trò của ông chủ yếu ở tỉnh, học hành rất chăm chỉ. Sau khi thành thạo nghề, họ về mở những cửa hàng riêng, làm đa lĩnh vực. Có người theo ông làm sửa chữa điện tử điện lạnh cũ, có người mở cửa hàng bán đồ gia dụng kiêm lắp ráp, sửa chữa… Họ đều bám vào nghề và có cuộc sống khá giả.
Ông cho rằng công việc này không phải đầu tư quá nhiều vốn liếng nên có nhiều bạn trẻ ở tỉnh đam mê. Ông cổ vũ tinh thần những người muốn khởi nghiệp mà chưa có nhiều tiền trong tay, giúp họ có kế sinh nhai thậm chí là giàu có về sau.
“Hiện nay, nghề sửa chữa này cũng bão hòa nhưng công việc của tôi vẫn thuận buồm xuôi gió. Bởi tôi không chỉ làm lâu năm trong nghề, có nhiều khách quen mà bởi những đồ điện tử điện lạnh ngày một nhiều, nhà nào cũng có vài cái”, ông Nhân nói.
Hiện ông không còn tự tay sửa mà đứng hướng dẫn các học trò làm. Những lỗi khó, học trò cần sẽ gọi ông xử lý giúp.
Ông nói: “Nhiều thợ ở Hà Nội nhận đồ của khách cũng mang đến chỗ tôi sửa. Một là vì họ không phát hiện ra lỗi, hai là họ không có thiết bị, linh kiện như tôi. Khi tôi sửa xong, họ lấy lại rồi mang trả cho khách, nhận thêm một chút thù lao. Thế nên công việc của tôi rất nhiều, không lúc nào ngớt”.
Từ kinh nghiệm bản thân, ông Nhân cho rằng, học nghề phải học bằng tâm, học thật chăm chú, hết lòng mới có thể làm tốt: “Học sách vở là một phần, học thực hành, học từ thực tế theo tôi mới là điều quan trọng. Tôi khuyên các bạn học nghề hãy tìm đến các thợ giỏi, kì cựu, học bằng cách làm thực tế thì mới sớm thành thạo”, ông Nhân nói.
Sau nhiều năm gắn bó với công việc sửa chữa điện tử điện lạnh, nhiều người ưu ái gọi ông là “triệu phú đồ cũ”. Nhắc đến danh hiệu này, ông Nhân cười: “Người ta ưu ái tôi quá. Tôi làm cũng chỉ đủ ăn, trả lương, nuôi thợ. Tôi thừa nhận mình có hai căn liền kề và có một số bất động sản nhưng đó là thành quả nhiều năm tích cóp, vất vả mới có được. Tôi cũng vẫn phải bám vào nghề để mưu sinh và truyền lửa đam mê cho các bạn trẻ muốn học”.
“Tôi dạy các học trò để mong chúng có cái nghề, kiếm kế sinh nhai. Nghề của tôi phù hợp với những người ít vốn muốn khởi nghiệp. Lắm lúc tôi cũng muốn về nghỉ rồi nhưng vì còn yêu nghề, còn muốn gắn bó nên… còn sức là còn làm”, ông bộc bạch.
评论专区