Ở ta thì thế,ỗilotrẻđượcnghỉhèthiếuchỗchơilạivùiđầuhọchànhlướty le keo ma lay còn ở Tây, nghỉ hè nhẹ nhõm hơn nhiều. Phần lớn các nước đều cho học sinh nghỉ hè. Ngoài ra còn có các kỳ nghỉ khác nữa như nghỉ đông, nghỉ lễ Tạ ơn, Quốc khánh, Phục sinh, tết Nguyên đán… Trong đó, nghỉ hè là kỳ nghỉ dài nhất.
Ở Mỹ, một nước có nền giáo dục phát triển cao, khoảng 70% trường học thực hiện lịch học truyền thống, với ba kỳ nghỉ chính là hè, đông và xuân. Kỳ nghỉ hè thích thú nhất, trẻ “lớn” về thể chất và tinh thần nhiều nhất.
Còn ở Pháp, một người bạn kể rằng, trẻ em xứ này vui đón kỳ nghỉ hè như một thứ quà tặng cuộc đời. Trong dịp hè, nếu có học chỉ là học các kỹ năng, nhất là thể thao, âm nhạc, hội họa. Gia đình nào eo hẹp về thời gian thì đăng ký sớm, gửi các con đi trại hè, cuối kỳ nghỉ cả nhà sẽ dành thời gian bên nhau.
Vậy vì sao các bậc cha mẹ ở Việt Nam lại lo lắng khi hè đến? Đương nhiên, lo nhất là đối với các em học sinh từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở. Phụ huynh ở thành phố lo hơn phụ huynh ở nông thôn. Người nghèo lo hơn người giàu.
“Nghỉ hè”, hai tiếng ấy từng làm xao xuyến bao thế hệ học trò suốt mấy chục năm qua, từ chiến tranh sang hòa bình, từ thời bao cấp sang thời kinh tế thị trường, từ một nông thôn xóm làng sang một nông thôn đô thị hóa nhanh chóng.
Nói như thế để thấy rằng, ý nghĩa của kỳ nghỉ hè, nội dung, hình thức “nghỉ” của các em cũng khác thời cha ông một trời một vực. Không chỉ không gian đô thị thay đổi, mà đi liền với đó là công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, cánh diều tuổi thơ, “góc sân và khoảng trời” cũng mang hồn cốt mới.
Nhưng thời nào thì hàng triệu bạn nhỏ trên đất nước này cũng mong đợi mùa hè đến. Hoa phượng đỏ sân trường báo hiệu một kỳ nghỉ thật náo nức, chia tay thầy cô, chia tay bè bạn.
Có điều, thời nay các trò đỡ khổ hơn về vật chất, nhưng áp lực học hành và thi cử lại vô cùng lớn, nhất là các em chuẩn bị năm tới thi vào lớp 6 và lớp 10. Đó là lý do đầu tiên khiến các em không có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa.
Áp lực thứ hai là không có nơi để chơi. Nói bài bản là, không gian đô thị quá chật chội, nhà ở không đi liền với trường học, với khu vui chơi giải trí.
Không có chỗ chơi, các em đành vùi đầu vào sách vở, tham gia các lớp học thêm, hoặc không lúc nào rời chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, chơi game, lướt web...
Vì thế, nhiều em rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức, rối loạn tâm lý, dẫn đến những hành vi tiêu cực, khó kiểm soát.
Áp lực thứ ba thuộc về các bậc cha mẹ. Do bận công việc, nhiều gia đình ít có thời gian quan tâm đến các con, đành tiếp tục “giao khoán” cho nhà trường. “Học kỳ ba” hình thành từ đây. Các lớp học thêm hai ca, ba ca một ngày cũng từ đây, miễn sao có người quản các con để bố mẹ yên tâm đi làm.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với các nhà quản lý giáo dục ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM. Rằng, vì sao câu chuyện xuyên thế kỷ, trẻ em không có mùa hè, lại kéo dài mãi thế. Các vị đề xuất cách sửa sai thế nào đi chứ!.
Được nghe giải thích rất bài bản rằng, chuyện nan giải này chả phải lỗi của riêng ngành giáo dục. Rằng, Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định rõ, trẻ em ngoài quyền được học tập thì còn có quyền được vui chơi giải trí, giúp trẻ cân bằng về trí não, thể lực và phát triển tốt về mặt tâm sinh lý.
Rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cũng quy định về hành vi bạo lực gia đình khi cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Luật thì bao giờ cũng đầy đủ và đúng, nhưng con đường đi vào cuộc sống thì không suôn sẻ. Vì lắm khi “phép vua thua lệ làng”.
Chẳng hạn như, vì sao trẻ em không có chỗ vui chơi tại các sân chơi tại các nhà văn hóa, hoặc sân khu chung cư, khu tập thể? Là vì quỹ đất quá hạn hẹp, diện tích dành để chơi "bị ném" vào mục đích kinh doanh, sinh lời.
Lúc chủ đầu tư rao bán căn hộ, quảng cáo rôm rả về các tiện ích đi kèm như khu vui chơi công cộng thoáng rộng, nhưng chẳng bao lâu khoảng sân dưới các tòa nhà bị biến thành bãi trông giữ ô tô, xe máy. Nhà hàng, quán bia bất ngờ mọc lên. Vì thiếu sân chơi, các vận động viên nhí phải chơi bóng đá và trượt patin ngay trên... vỉa hè.
Một kiến trúc sư giải thích rành rẽ với chúng tôi, ở Hà Nội, sau ngày giải phóng Thủ đô, các khu nhà bán kiên cố phục vụ cán bộ, công nhân viên về Hà Nội công tác đều có sân tạp dịch, có chỗ vui chơi cho trẻ em.
Đến năm 1962, các khu đất giữa các ngôi nhà 5 tầng ở khu Kim Liên cũng được thiết kế rất chi tiết sân vườn, sân chơi cho các em… Rồi về sau, Hà Nội xây dựng được Cung thiếu nhi. Thế nhưng trên đường phát triển, dân số Thủ đô tăng chóng mặt.
Nhà chọc trời, chung cư cao cấp mọc lên như nấm, nhưng lại thiếu trường học, thiếu bệnh viện, khu vui chơi. Đây là một tất yếu, nhưng là một tất yếu buồn, cần phải tìm cách khắc phục. “Cách” gì đây? Đúng là công việc không của riêng ngành giáo dục.
Cũng xin lưu ý, chẳng cứ ở các thành phố lớn mà các vùng nông thôn cũng thiếu sân chơi, dĩ nhiên là sân chơi đúng tiêu chuẩn, an toàn. Mặc dù nhiều nơi đã xây dựng nhà văn hóa bề thế, nhưng vẫn “quên” sân chơi.
Thư viện chủ yếu là sách báo cũ, sách báo được tặng, đầu sách dành cho thiếu nhi rất hiếm. Các trò chơi thả diều, nhảy dây, bơi lội được duy trì ở nông thôn, nhưng lẻ tẻ và không còn khiến con trẻ háo hức, mê đắm.
Ai cũng hiểu, một kỳ nghỉ hè kéo dài sẽ làm gián đoạn lịch trình học tập, khiến học sinh có thể rơi vãi kiến thức. Thế nhưng không vì thế mà sắp xếp lịch học thêm dày đặc. Cân bằng giữa vui chơi và học tập, học kiến thức, học nghề thủ công, học kỹ năng sống, phát triển năng khiếu cho trẻ là rất cần thiết.
Đến đây thì phần lớn công việc thuộc về các bậc phụ huynh. Và như thế, khi chuẩn bị tâm thế cho các em đón hè, chính bố mẹ cũng phải sớm có kế hoạch từ trước, kế hoạch về thời gian, về kinh tế.
Khi đã chủ động thì “nỗi lo con được nghỉ hè” sẽ bớt nặng đôi vai. Nói thì dễ, làm thì khó. Hy vọng trong cái khó sẽ ló cái khôn. Hy vọng là sức sống.