Diễn từ mở đầu với kỷ niệm hồi đầu năm nay, Han Kang tình cờ tìm thấy một tập thơ nhỏ cô viết từ năm 1979.
Tình yêu ở chốn nào?
Hẳn ở bên trong lồng ngực phập phồng của mình chứ sao.
Tình yêu là điều chi?
Chính là sợi chỉ vàng nối giữa tim người và tim ta.
Han Kang đọc diễn từ khi nhận Giải thưởng Nobel Văn chương 2024 tại Stockholm (Thụy Điển), ngày 7/12. Ảnh: Anna Svanberg/Nobel Prize. |
Han Kang còn nhớ như in cảm giác khó tả khi cô bé 9 tuổi "không muốn cho ai xem cuốn 'Tập viết thơ'". Chụp ảnh bài thơ trước khi cất đi, cô cảm nhận được "nguồn mạch tiếp nối giữa những câu từ tôi viết năm xưa và con người mình hiện tại".
Mười bốn năm sau đó, Han Kang xuất bản những bài thơ đầu tiên, rồi đến truyện ngắn đầu tiên, "trở thành một người viết". Năm năm sau, cô xuất bản tiểu thuyết đầu tay mà cô viết trong ba năm. Cô ngày hôm nay, như trước kia, vẫn thấy "thích thú công việc viết thơ và cả truyện ngắn, nhưng viết tiểu thuyết luôn có sức mê hoặc đặc biệt". Bởi lẽ, khoảng thời gian đầu tư cho tiểu thuyết, từ một đến bảy năm, cho phép cô "chìm đắm trong những câu hỏi quan yếu và bức thiết", mà theo cô là xứng đáng để đánh đổi phần nào đời sống cá nhân.
Khoảng thời gian viết 채식주의자 (tựa tiếng Việt: Người ăn chay, Hoàng Hải Vân dịch) từ năm 2003 đến 2005, Han Kang bị ám ảnh bởi những câu hỏi: "Một con người có thể hoàn toàn vô tội hay không? Chúng ta có thể khước từ bạo lực đến mức độ nào? Điều gì sẽ xảy ra với một kẻ từ chối thuộc về loài người, nhằm khước từ bạo lực?"
Nhân vật chính trong tiểu thuyết này đã lựa chọn từ bỏ việc ăn thịt, và sau rốt từ chối mọi loại thức ăn đồ uống ngoại trừ nước, tin rằng mình có thể hóa thành một cái cây. Phân cảnh cuối cùng là trong xe cấp cứu, vì tác giả "hy vọng Yeong-hye sẽ tiếp tục sống trong thế giới của câu chuyện này".
Đến 바람이 분다, 가라 (tạm dịch: Gió nổi rồi, đi đi; tựa tiếng Anh là Ink and Blood) kể về một phụ nữ đánh liều chính mạng sống của mình để minh chứng bạn cô không chết vì tự sát, "Chẳng phải sau rốt chúng ta phải sống sót đấy sao? Chẳng phải chúng ta cần làm chứng cho sự thật bằng chính sinh mạng của mình hay sao?" là những câu hỏi Han Kang đặt ra.
Trong tiểu thuyết thứ năm 희랍어 시간 (tựa tiếng Anh: Greek Lessons, tạm dịch: Giờ học tiếng Hy Lạp) - câu chuyện về một phụ nữ mất khả năng nói và một người đàn ông mất dần thị lực, Han Kang đi xa hơn: "Nhìn sâu vào phần dịu dàng nhất của con người, vuốt ve hơi ấm không thể phủ nhận kia, phải chăng đó là cách để sống tiếp trong thế giới phù du, bạo lực này?"
Ba tác phẩm của Han Kang đã xuất bản tại Việt Nam. |
Gia đình Han Kang rời Gwangju vào tháng 1/1980, chỉ 4 tháng trước vụ thảm sát kinh hoàng. Năm 12 tuổi, cô tình cờ xem một tuyển tập hình ảnh về sự kiện, được những người sống sót và gia quyến những người bỏ mạng bí mật xuất bản. Tâm hồn non nớt chưa hiểu thấu ý nghĩa lịch sử của ấn phẩm đó, song cả hình ảnh những gương mặt bị hủy hoại vì dùi cui, lưỡi lê và súng đạn, lẫn bức ảnh chụp hàng dài người xếp hàng trước bệnh viện đại học để hiến máu cho nạn nhân bị trúng đạn, đều dấy lên nơi cô bé cùng một câu hỏi: "Con người có thể làm điều này với đồng loại của mình sao?"
Năm 2012, gác lại mong muốn viết một cuốn sách tươi sáng, Han Kang đi tìm lời giải đáp cho cô bé năm xưa, bắt tay viết 소년이 온다 (bản dịch tiếng Việt lấy tựa Bản chất của người, Kim Ngân dịch). Cô đọc một cuốn sách ghi chép lời của hơn 900 nhân chứng, rồi tiếp tục đọc về những sự kiện bạo lực khác, và sau rốt, mở rộng ra cả những cuộc thảm sát đã tiếp diễn xuyên suốt lịch sử nhân loại.
Những năm ở độ tuổi ngoài 20, Han Kang luôn viết mấy dòng sau trên đầu mỗi trang nhật ký:
"Hiện tại có cứu rỗi được quá khứ?
Kẻ còn sống có cứu rỗi được người đã khuất?"
Nhưng dòng nhật ký của một giáo viên trẻ tuổi dạy lớp buổi đêm ở Gwangju, người quyết định ở lại dù biết quân đội sắp đến, sau đó hy sinh, đã khiến Han Kang tìm được lối đi cho tiểu thuyết của mình, đồng thời đảo ngược hai câu hỏi trên:
"Quá khứ có cứu rỗi được hiện tại?
Người đã khuất có cứu rỗi được kẻ còn sống?"
작별하지 않는다 (tựa tiếng Anh: We Do Not Part, tạm dịch: Không lời từ biệt) - tiểu thuyết về những người sống sót sau thảm sát Jeju - khởi nguồn từ một giấc mơ của Han Kang vào năm 2014, đến 2021 mới hoàn thành và xuất bản, khám phá những câu hỏi: "Chúng ta có thể yêu thương đến nhường nào? Giới hạn của ta nằm ở đâu? Chúng ta cần bao nhiêu yêu thương để đến cuối cùng vẫn giữ được bản chất con người của mình?"
Từ bấy, Han Kang chưa hoàn thành tiểu thuyết tiếp theo, nhưng cô tiết lộ trong diễn từ rằng cuốn sách này liên hệ với 흰 (tựa tiếng Việt: Trắng, Hà Linh dịch) - tác phẩm tưởng nhớ người chị gái đã rời trần thế chỉ hai giờ sau khi chào đời của cô.
Cô nói mình "bước qua những cuốn sách đã viết, đến khi rẽ vào một khúc quanh và nhận ra chúng không còn trong tầm mắt". Những tác phẩm ấy "sẽ có cuộc sống độc lập và số phận của riêng mình", cũng như mọi nhân vật của cô:
"Những linh hồn đó sẽ đi xa đến đâu - những linh hồn đã tụ lại trong sắc cam đậm sâu sau mí mắt khép, bao phủ tôi trong ánh sáng ấm áp khôn tả? Những ngọn nến đó sẽ đi xa đến đâu - những ngọn nến sáng lên ở nơi xảy ra thảm sát, trong mỗi khung thời gian và không gian bị bạo lực khôn lường tàn phá, những ngọn nến trên tay những ai nguyện thề không bao giờ nói lời từ biệt? Ánh sáng đó có truyền từ bấc này sang bấc khác, từ trái tim này sang trái tim khác, qua sợi chỉ vàng?"
Cô bé Han Kang năm xưa viết trong tập thơ: "Tình yêu ở chốn nào? Tình yêu là điều chi?"
Tác giả Han Kang mùa thu năm 2021, thấy hai câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí:
"Cớ sao thế giới lại tàn bạo và bi thương đến thế?
Vậy mà thế giới cũng lại tươi đẹp biết nhường nào?"
Cô những tưởng ấy là động lực thôi thúc ngòi bút của mình. Nhưng chẳng phải từ ngày bé thơ đến hôm nay, những câu hỏi mắc của cô luôn xoay quay tình yêu thương?: "Phải chăng âm điệu sâu thẳm và nguyên bản nhất đời tôi, ấy chính là tình yêu?"
Han Kang muốn bày tỏ lòng cảm tạ sâu sắc nhất đến những ai đã kết nối với cô qua sợi chỉ đó.
Han Kangsinh năm 1970 tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc trước khi cùng gia đình chuyển đến thủ đô Seoul khi mới 9 tuổi. Cô có nền tảng văn học từ bé: cha cô là tiểu thuyết gia nổi tiếng Han Seung-won. Cô học chuyên ngành văn học tại Đại học Yonsei. Sự nghiệp văn chương của Han Kang bắt đầu vào năm 1993 khi 5 bài thơ của cô xuất bản trên tạp chí Văn học và Xã hội. Năm sau đó, truyện ngắn Red Anchorcủa cô thắng cuộc thi Văn học mùa xuân của báoSeoul Shinmun. Cô xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên Yeosuvào năm 1995. Năm 1998, với tài trợ của Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc, cô tham gia Chương trình Viết văn Quốc tế của Đại học Iowa trong ba tháng.
Các tác phẩm đã xuất bản của cô bao gồm tuyển tập truyện ngắn Fruits of My Woman(2000), Fire Salamander(2012); tiểu thuyết Black Deer(1998), Your Cold Hands(2002), Người ăn chay(2007), Breath Fighting(2010) và Greek Lessons(2011), Bản chất của người (2014), Trắng (2016), We do not part(2021); tập thơ I Put the Evening in the Drawer(2013).
Cô giành nhiều giải thưởng văn học lớn nhỏ tại quê nhà: Giải thưởng Tiểu thuyết Hàn Quốc lần thứ 25 (1999);Giải thưởng Nghệ sĩ Trẻ Ngày nay của Bộ Văn hóa Hàn Quốc (2000); Giải thưởng Văn học YiSang (2005); Giải thưởng Văn học Dongri (2010);Giải thưởng Văn học Manhae (2014); Giải thưởng văn học Hwang Sun-won (2015); Giải thưởng Văn học Kim Yujung (2018).
Người ăn chayđoạt giải Man Booker quốc tế năm 2016, Giải thưởng San Clemete ở Tây Ban Nha năm 2019. Bản chất của ngườigiành Giải thưởng Malaparte tại Ý năm 2017. I Do Not Bid Farewell nhận giải Medicis và giải Émile Guimet của Pháp lần lượt vào năm 2023 và 2024.
Cô được chọn là tác giả thứ năm cho dự án Thư viện Tương lai (tuyển chọn tác phẩm của những nhà văn hiện nay và xuất bản trong tương lai) ở Na Uy vào năm 2019. Tác phẩm Dear Son, My Belovedsẽ lưu giữ tại Thư viện Deichman tại Oslo cho đến khi xuất bản theo lịch trình vào năm 2114.
Ngày 10/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố Nobel Văn chương 2024 trao cho Han Kang, đưa cô trở thành người Hàn Quốc đầu tiên và nữ tác gia châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng này.
(责任编辑:Ngoại Hạng Anh)