Một trong những dự án đang được triển khai trên Hệ tri thức Việt số hóa là dự án Giáo dục số với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái giáo dục trên Hệ tri thức Việt số hóa (Ảnh minh họa: Thái An) |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo gửi 2 Bộ GD&ĐT, KH&CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa.
Thông báo nêu rõ, để tiếp tục triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa cấu phần liên quan đến giáo dục đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT đưa thông tin, dữ liệu về cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông lên Hệ tri thức Việt số hóa.
Các thông tin, dữ liệu về cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được yêu cầu đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa gồm có: thông tin cơ bản về nhà trường (tên trường, địa chỉ, website); số liệu thống kê về lớp học, học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách Đội…), cơ sở vật chất nhà trường; ít nhất 5 ảnh gồm cổng trường, quang cảnh toàn trường, phòng học bộ môn, nhà vệ sinh…
Sau khi dữ liệu nhà trường được đưa lên, trong thời gian 1 tuần, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo các nhà trường rà soát, xác nhận và cập nhật thông tin nêu trên.
Bộ GD&ĐT cũng được yêu cầu mở chuyên mục về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa đối với học sinh, sinh viên trên Hệ tri thức Việt số hóa. Cụ thể, Bộ GD&ĐT cần rà soát, tập hợp và đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa nội dung liên quan đến giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa đối với học sinh, sinh viên theo đúng các quy định; đồng thời phát động kêu gọi các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tham gia xây dựng, đóng góp nội dung và khai thác, sử dụng, phổ biến đến học sinh, sinh viên, phụ huynh và cộng đồng.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT phát động, đẩy mạnh thu thập, huy động các nguồn lực doanh nghiệp, xã hội, giáo viên tham gia xây dựng, đóng góp các bài giảng e-learning, học liệu số, thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng để từng bước đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học, nhất là đổi mới phương pháp thực hành, thí nghiệm bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT còn được chỉ đạo phải phát huy những kết quả tích cực của các tổ chức, cá nhân đã đóng góp cho ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian qua. Theo đó, tập trung phát triển ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm nhằm đẩy mạnh giải pháp đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học và đưa nội dung này vào các hoạt động phong trào của Bộ GD&ĐT; phát động giáo viên, học sinh và toàn xã hội ham gia đóng góp vào ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và có cơ chế vinh danh, động viên phù hợp.