Tập đoàn Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa bày tỏ quan tâm đến dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong tại tỉnh Hậu Giang với diện tích gần 3.000ha, theo Cổng thông tin điện tửcủa tỉnh này. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 6,2 tỷ USD, mục đích kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa đặc sắc của vùng.
Trước đó, vào tháng 7, Vinhomes - thành viên của Vingroup - cũng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Vinhomes Vũng Áng. Dự án này tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với vốn đầu tư hơn 13.276 tỷ đồng trên diện tích gần 965 ha. Tiến độ thực hiện dự án không quá 72 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Liên danh Vingroup - Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại Long Hải - Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn cũng là đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án 268ha tại Đông Anh, Hà Nội. Tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 33.093 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD.
Tại Long An, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại An (2 công ty con của Vinhomes) là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Tân Mỹ tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Dự án có diện tích gần 931 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 74.406 tỷ đồng.
Hay liên danh Vinhomes - CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) được tỉnh Long An chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc. Dự án này có diện tích khoảng 1.090 ha, tổng vốn đầu tư 90.757 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.
Không đi theo hướng đấu thầu, đăng ký thực hiện dự án như Vingroup và các công ty thành viên, nhiều doanh nghiệp khác chọn hướng mua bán sáp nhập (M&A) dự án để mở rộng quỹ đất.
Công ty Nam Long định hướng mở rộng thị trường ở TPHCM và vùng ven, miền Bắc như Hải Phòng, tuy nhiên phía Nam vẫn là trọng tâm. Với 681ha đất hiện có, lãnh đạo Nam Long tiết lộ có thể tìm hiểu thêm đất nông nghiệp, khám phá cơ hội đầu tư mua lại công ty phù hợp để tạo tiền đề tăng trưởng.
Tương tự, Công ty An Gia cũng cho biết không ngừng tìm kiếm các cơ hội M&A dự án, mở rộng quỹ đất sạch, ưu tiên các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, phù hợp phát triển dự án vừa túi tiền, thời gian triển khai nhanh. Tập đoàn Đất Xanh cũng đưa ra chủ trương từ đầu năm về việc tiếp tục mua các dự án, chuẩn bị nguồn lực và quỹ đất phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Tập đoàn Danh Khôi cũng công bố cụ thể kế hoạch huy động vốn để mua dự án ngay cuối năm nay hoặc năm sau. Cụ thể, công ty muốn mua một phần dự án tại Khu dân cư Đại Nam (Quốc lộ 13, Chơn Thành, Bình Phước) của đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng "Lò Vôi") và mua Khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm (Bình Thuận).
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán MBS kỳ vọng hoạt động M&A các dự án bất động sản sẽ là một phần quan trọng trong năm nay. Bởi, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn còn yếu và chưa tiếp cận được nguồn vốn, chi phí phát triển dự án sẽ ngày càng gia tăng. Do đó, việc bán dự án cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực phát triển dự án tốt là cần thiết để có thể duy trì hoạt động và phát triển.
Báo cáo quý II của Bộ Xây dựng nhận định trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi còn chậm, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất để phát triển dự án. Theo đó, pháp lý, tính thanh khoản, tiền sử dụng đất… là những tiêu chí hàng đầu mà doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư.
Bộ Xây dựng cũng ghi nhận dấu hiệu các doanh nghiệp bất động sản có những chiến lược phát triển quỹ đất để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi của thị trường. Doanh nghiệp nghiêm túc và tính toán kỹ hơn về phương án, tìm hiểu thị trường để làm sao các dự án đất sạch hoàn chỉnh về mặt pháp lý, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất và có thể đưa vào khai thác trong các năm tới.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng và nghỉ dưỡng cũng hướng đến các quỹ đất phù hợp với lĩnh vực kinh doanh trong thời gian tới.
(责任编辑:World Cup)