Xuất thân từ trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, NSƯT Hoàng Hải đã sớm chứng minh được năng lực diễn xuất của mình khi làm "kép phụ" cho cố NSND Hoàng Dũng. Tuy nhiên, đồng lương ít ỏi của nghệ sĩ đã khiến anh không thể trụ vững với nghề.
Để có tiền trang trải cho cuộc sống và lo cho gia đình, Hoàng Hải đành gác lại đam mê diễn xuất suốt một thời gian dài. Kể từ đó, anh tất tả ngược xuôi, làm đủ mọi việc để có tiền.
Nhắc về giai đoạn cực khổ nhất của cuộc đời, NSƯT Hoàng Hải không thể quên thập niên 1990, anh rời Hà Nội vào Đà Nẵng để sinh sống. Nam nghệ sĩ trải lòng, đó là những tháng ngày anh đi buôn lợn nhưng lợn bệnh rồi chết một nửa. Đi bán lạc, bán đỗ thì không qua được phà do trời bão, anh phải khắc phục bằng cách thuê bạt che.
Thế nhưng, 2 ngày sau, kéo bạt tới đâu, người anh nhũn ra tới đó, bởi mầm giá đã mọc hết lên. Chuyến xe khi ấy coi như mất trắng, anh chịu lỗ nặng, khó khăn ngày càng chồng chất.
Năm 1997, Hoàng Hải lấy vợ, năm 1998 thì đón con trai đầu lòng, rồi đến đứa con thứ 2. Khó khăn càng thêm khó khăn khi vợ chồng mới cưới chỉ có 2 bàn tay trắng.
"Tôi vẫn nhớ như in những ngày con ốm, vợ chồng tôi đi tìm lá thuốc nhai đắp cho con. Làm nghề diễn viên vô cùng thiếu thốn, không có tiền, không đủ ăn. Nhưng thật ra lúc đó, mọi người cũng khó khăn chứ không riêng gì mình", anh tâm sự.
Tôi hỏi Hoàng Hải: "Có bao giờ anh thấy chạnh lòng trong những tháng ngày vất vả, làm đủ nghề để kiếm sống?". Anh cười hiền, đáp: "Có chứ! Đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng nó chỉ là cảm giác nhất thời, diễn ra trong một khoảnh khắc nào đó thôi".
Với Hoàng Hải, cuộc sống vốn dĩ là vậy, phải mưu sinh và lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Cực khổ đủ đường đấy và cũng chạnh lòng đấy nhưng anh luôn trân trọng khoảng thời gian được va vấp, lăn lộn đủ nghề để tích lũy vốn sống, cũng như gặp gỡ nhiều kiểu người trong xã hội.
Anh nói, những cảm xúc và thăng trầm của cuộc sống ấy, những khi "lên bờ xuống ruộng" đó - một khi đã trải qua rồi mới thấy cuộc sống thú vị đến chừng nào, mới rèn giũa con người mình trở nên bản lĩnh, mạnh mẽ ra sao.
Những tưởng gánh nặng cơm, áo, gạo tiền sẽ khiến NSƯT Hoàng Hải phải rời xa nghiệp diễn. Tuy nhiên, sau một thời gian bôn ba với nghề lái xe đường dài, anh đã quay lại màn ảnh nhỏ.
Hoàng Hải cho biết, chính đạo diễn Quốc Trọng là người đã kéo anh trở về với nghề diễn. Anh kể, một hôm, đang chở hàng thì đạo diễn Quốc Trọng về tận Đà Nẵng để tìm anh và mời anh tham gia phim Huyền thoại mẹ.
Kể từ đây, anh liên tiếp nhận được những lời mời làm phim. Cứ thế, nam nghệ sĩ bị cuốn đi, không thể dứt ra khỏi nghiệp diễn. Anh cảm thấy hạnh phúc khi Tổ nghiệp thương, chưa cho bỏ nghề.
Hoàng Hải để lại dấu ấn đầu tiên và sâu đậm nhất với khán giả khi quay lại màn ảnh nhỏ là với vai trung úy Trần Minh trong loạt phim Cảnh sát hình sự (năm 1997).
Vai diễn ấn tượng, gắn liền với tên tuổi NSƯT Hoàng Hải: Thiếu úy Trần Minh phim "Cảnh sát hình sự" (trái) và Hải trong "Đường đời" (Ảnh: VTV).
Đến năm 2004, anh tiếp tục gặt hái thành công với vai Hải - một cựu bộ đội với số phận phiêu bạt, loay hoay trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thị trường của phim Đường đời. Chính vai diễn này đã mang về cho anh giải Diễn viên truyền hình được yêu thích nhất của Tạp chí Truyền hình.
Năm 2006, Hoàng Hải vào vai một tài xế xe container trong phim điện ảnh Hà Nội Hà Nội. Với trải nghiệm chạy xe đường dài, anh một lần nữa thể hiện xuất sắc vai diễn và dành giải Cánh diều vàng cho Nam diễn viên phụ xuất sắc và giải Bông sen vàng năm 2007.
Nam nghệ sĩ cũng thừa nhận, vai Hải và Trần Minh là những dấu ấn mạnh mẽ trong sự nghiệp diễn xuất của mình.
Những năm sau đó, Hoàng Hải vẫn miệt mài cho sự nghiệp diễn xuất với những vai diễn chính, phụ trong loạt phim giờ vàng của VTV như Tuổi thanh xuân 2, Chạy trốn thanh xuân, Đừng bắt em phải quên…
Vốn tạo dựng được thương hiệu qua dòng phim Cảnh sát hình sựnên ở độ tuổi trung niên, NSƯT Hoàng Hải vẫn tiếp tục được các đạo diễn "chọn mặt gửi vàng" trong các phim cùng thể loại như: Mê cung, Hồ sơ cá sấu, Mặt nạ gương...
Ở mỗi vai diễn, Hoàng Hải lại có những cách thể hiện khác nhau, minh chứng cho sự nghiên cứu kỹ lưỡng của anh về hình mẫu nhân vật ngoài thực tế.
Nam nghệ sĩ bộc bạch: "Cũng nhờ những chuyến đi từ Bắc vào Nam để chở hàng, những lần buôn lợn, bán đỗ không thành, tôi có thêm vốn sống, kinh nghiệm nuôi dưỡng cảm xúc cho những vai diễn sau này".
Anh chia sẻ, kinh nghiệm sống và quan sát quyết định tới 50-60% thành công của vai diễn. "Tôi thích trò chuyện với những người xung quanh, tìm những điểm thú vị riêng của họ. Một bác sĩ sẽ hành động, đối nhân xử thế khác một ông lái xe, một người công nhân hay một ông nhà giáo. Mỗi nhân vật có đời sống riêng và nghệ sĩ phải tìm tòi điểm riêng biệt, thu hút đó", anh nói.
Mặc dù sở hữu cả "gia tài" phim ảnh với nhiều vai diễn ấn tượng, nhưng nam nghệ sĩ chưa bao giờ coi những gì mình đã đạt được là đỉnh cao. Anh luôn xem mỗi dạng nhân vật vừa có nét "chính" lẫn nét "tà" để mình trải nghiệm. Và cứ kết thúc một vai diễn, điều đọng lại ở anh vẫn là một chút bâng khuâng, tiếc nuối.
Hoàng Hải chia sẻ, sau 20 năm kể từ vai Hải ở Đường đời, anh mới trở lại với hình tượng khắc khổ, nhiều màu sắc và gần gũi như nhân vật Lưu trong Cuộc đời vẫn đẹp sao.
NSƯT Hoàng Hải nói, vai Lưu "nát" đã mê hoặc anh ngay từ phút đầu tiên đọc kịch bản. Nhìn vẻ bề ngoài, ông Lưu là người nát rượu, xù xì gai góc, thường hay "cà khịa" người khác nhưng sâu bên trong lại là một người đàn ông nghĩa hiệp với tấm lòng độ lượng, tốt bụng.
Nam diễn viên chia sẻ, anh và nhân vật trong phim khác nhau rất nhiều. Điểm chung duy nhất là tính cách "cà khịa" người khác.
"Tôi là người hóm hỉnh, thích trêu mọi người trong đoàn phim và tôi luôn xem đó là cách truyền năng lượng tích cực cho mọi người, vì cuộc sống vốn dĩ đã quá căng thẳng, mệt mỏi rồi. Tôi nghĩ, đôi khi một câu nói của mình cũng khiến cho người khác vui vẻ, tất nhiên không để họ mất lòng", anh tâm sự.