Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2017,ĐàotạonhânlựcCNTTcũngcầncósựphântầkeo bing da Chính phủ nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai, có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng đưa đến thách thức đối với quá trình phát triển. Nghị quyết này cũng nêu rõ: “Việt Nam cần chủ động có định hướng, giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, trước hết là có bước đột phá về CNTT”. Nhiều chuyên gia có chung quan điểm xây dựng nguồn nhân lực số là một trong những việc mà Việt Nam cần tập trung để có thể bắt kịp “con tàu” CMCN 4.0. Trong chia sẻ tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và công bố, trao Danh hiệu Sao Khuê 2017 diễn ra hồi giữa tháng 4, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 bằng những hành động thiết thực, cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Cần phải làm rất nhiều việc nhưng chắc chắn rằng chúng ta phải có một bước phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn rất nhiều 15 năm hay 20 năm trước đây về CNTT”. Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một việc nhất định phải làm là thay đổi có tính cách mạng về đào tạo nhân lực CNTT để sao tăng số lượng những người làm CNTT hiện còn ít ỏi, với khoảng hơn 600.000 người, trong đó trực tiếp làm CNTT chỉ khoảng 300.000 người. “Phải làm sao trong một thời gian ngắn nhất nâng con số này lên gấp đôi, gấp ba; giải quyết được câu chuyện hàng trăm kỹ sư, cử nhân học các ngành nghề khác không tìm được việc làm thì trong lĩnh vực CNTT nhiều doanh nghiệp vẫn không có nhân lực”, Phó Thủ tướng nói. Câu chuyện thực trạng đào tạo nhân lực CNTT, mức độ sẵn sàng của đội ngũ nhân lực CNTT cho CMCN 4.0 nói chung, cho việc triển khai áp dụng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, Big Data... nói riêng là một trong những vấn đề được các chuyên gia bàn luận tại sự kiện công bố triển khai ứng dụng, đào tạo về Điện toán biết nhận thức tại Việt Nam được tổ chức ngày 20/4 vừa qua. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, về nguồn nhân lực CNTT, theo Sách trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2015, Việt Nam có khoảng 600.000 người làm trong các lĩnh vực CNTT, bao gồm cả phần cứng, phần mềm và nội dung số. Trong đó, nhân sự làm phần mềm có khoảng 300.000 người. “Có một câu chuyện là, hiện nay nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đang làm trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, tức là chúng ta "outsourcing" phần mềm cho các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Thắng chia sẻ. Nói về thị trường lao động ngành CNTT, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho hay, quan điểm của ông và nhiều đồng nghiệp ở các trường đại học là cần phải nhận thức rõ về level - thứ bậc, nhu cầu về nhân lực; không phải tất cả nhân lực được đào tạo ra, chúng ta đòi hỏi 100% đều là những nhân lực có kiến thức rất chuyên sâu, chất lượng cao. “Bởi lẽ, thực tế sử dụng lao động CNTT, với những công việc cụ thể tại các doanh nghiệp làm về gia công phần mềm, cần có những nhân sự có trình độ nghiên cứu ở mức độ nhất định nhưng lại đòi hỏi phải có các kỹ năng chuyên sâu để có thể phát triển phần mềm, coding… Trong khi đó, nhiều công việc khác lại yêu cầu những nhân lực rất chuyên sâu về thuật toán, trí tuệ nhân tạo, sự kết nối IoT… Như vậy rõ ràng nhu cầu đào tạo là khác nhau”, ông Thắng phân tích. Từ những phân tích trên, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, nhà trường, doanh nghiệp và cả Chính phủ cần phải hoạch định rất rõ về mặt chiến lược là phải có sự phân tầng trong đào tạo nhân lực CNTT như thế nào: “Nhà nước đã nói đến sự phân tầng trong giáo dục, tức là đào tạo ra không phải tất cả đều là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư mà chúng ta cũng cần cả những nhân lực ở bậc trung cấp, cao đẳng. Trong lĩnh vực đào tạo hiện nay, không chỉ với đào tạo nhân lực CNTT, những người làm giáo dục đại học chúng tôi đều nghĩ đến sự phân tầng ngay trong những người học của trường mình”. |