Steve Jobs. Nguồn: elcomercio.pe. |
Vài ngày sau khi công bố iPad vào tháng 1 năm 2010,ừngcốgắngcanngănGooglepháttriểtrực tiếp manchester Jobs tổ chức một cuộc họp toàn thể nhân viên tại “tổng hành dinh” của Apple. Tuy nhiên, thay vì hân hoan vui mừng với sản phẩm đột phá mới của mình, ông lại nguyền rủa Google vì đã sản xuất hệ điều hành đối thủ - Android. Jobs rất tức giận vì Google quyết định cạnh tranh với Apple trên thị trường điện thoại.
Ông nói: “Chúng ta không nhảy vào thị trường Tìm kiếm, nhưng họ lại nhảy vào thị trường điện thoại. Không có gì nhầm lẫn ở đây hết. Họ muốn tiêu diệt iPhone. Chúng ta sẽ không để họ làm được điều đó”. Vài phút sau, khi cuộc họp đã chuyển sang chủ đề khác, Jobs tiếp tục quay lại đả kích slogan nổi tiếng của Google: “Tôi muốn quay lại chủ đề ban đầu và bổ sung một điều. Cái câu thần chú ‘Đừng làm điều xấu’ thật quá nhảm nhí".
Cá nhân Jobs cảm thấy như mình bị phản bội. CEO của Google là Eric Schmidt từng là thành viên Ban Quản trị của Apple trong quá trình phát triển iPhone và iPad, còn các nhà sáng lập của Google là Larry Page và Sergey Brin từng coi Jobs là người thầy của mình.
Ông cảm thấy như bị mất cắp vậy. Giao diện màn hình cảm ứng của Android đang bắt chước ngày càng nhiều các tính năng mà Apple đã tạo ra như cảm ứng đa điểm, tính năng trượt bằng cách lướt đầu ngón tay và một khung lưới ô vuông các biểu tượng ứng dụng.
Jobs đã cố gắng can ngăn Google phát triển Android. Năm 2008, ông đến trụ sở chính của Google gần Palo Alto và có một cuộc tranh cãi với Page, Brin và trưởng nhóm phát triển Android là Andy Rubin. (Khi đó Schmidt vẫn nằm trong Ban Quản trị Apple nên không tham gia các cuộc tranh luận liên quan đến iPhone).
Ông hồi tưởng: “Tôi đã nói rằng nếu giữ được quan hệ tốt thì chúng tôi sẽ bảo đảm có phần truy cập Google trên iPhone cũng như dành cho Google một hoặc hai biểu tượng trên màn hình chủ”. Nhưng ông cũng đe dọa rằng nếu Google tiếp tục phát triển Android và sử dụng bất kỳ tính năng nào của iPhone, chẳng hạn như cảm ứng đa điểm, thì ông sẽ khởi kiện.
Ban đầu, Google tránh bắt chước các tính năng nhất định, nhưng tháng 1 năm 2010, HTC giới thiệu một chiếc điện thoại Android với tính năng cảm ứng đa điểm có rất nhiều điểm giống iPhone cả về diện mạo lẫn cảm nhận. Đó chính là hoàn cảnh để Jobs tuyên bố rằng slogan “Đừng làm điều xấu” của Google là “nhảm nhí”.
Vậy là Apple đâm đơn kiện HTC (và rộng ra là Android) vì đã vi phạm 20 bằng sáng chế của họ, bao gồm các sáng chế về ứng dụng cảm ứng đa điểm, vuốt để mở, nhấp đúp để phóng to, kéo hoặc nhúm để mở rộng, và các bộ cảm biến để quyết định cách cầm thiết bị. […]
Vài ngày sau Jobs nhận được cuộc gọi từ Schmidt, người đã rút khỏi Ban Quản trị Apple vào mùa hè năm trước. Ông ấy đề xuất một cuộc hẹn, và họ gặp nhau tại một quán cà phê ở Trung tâm Mua sắm Palo Alto. Schmidt nhớ lại: “Chúng tôi dành một nửa cuộc gặp hôm đó để bàn về các vấn đề cá nhân, và nửa còn lại về nhận định của Jobs rằng Google đã ăn cắp các thiết kế giao diện người dùng của Apple”.
Ở chủ đề thứ hai, Jobs là người nói chủ yếu. Ông nói với Schmidt: “Google đã ăn cắp của tôi. Chúng tôi đã bắt quả tang được các người. Tôi không muốn thương lượng. Tôi không cần tiền của các người. Có cho tôi 5 tỷ đôla, tôi cũng không thèm. Tôi chẳng thiếu gì tiền. Tất cả những gì tôi muốn là các người ngừng sử dụng các ý tưởng của chúng tôi cho Android”. Hôm đó, họ không giải quyết được điều gì.
Đằng sau tranh chấp này là một vấn đề còn cơ bản hơn, một sự cộng hưởng của những lo lắng từ một giai đoạn dài trước đây. Google cho ra mắt Android như một nền tảng “mở”; các nhà chế tạo phần cứng có thể sử dụng miễn phí mã nguồn mở của nó cho bất kỳ điện thoại hoặc máy tính bảng nào mà họ đang lắp ráp. […]
Sau này Schmidt nói với tôi: “Steve muốn điều hành Apple theo một cách riêng, cũng giống như hai mươi năm trước, đó là biến Apple thành một nhà cải tiến hệ điều hành đóng tuyệt vời. Họ không muốn người khác “đặt chân lên” nền tảng của họ khi chưa được phép. Ích lợi của nền tảng đóng chính là quyền kiểm soát. Nhưng Google thì tin rằng mở mới là cách tiếp cận hay hơn, bởi nó mang lại nhiều phương án hơn, cũng như nhiều sự cạnh tranh và nhiều lựa chọn cho khách hàng hơn.
Vậy Bill Gates đã nghĩ gì khi chứng kiến Jobs cùng chiến lược đóng của ông khai chiến với Google, cũng như những gì ông đã làm với Microsoft cách đấy hai mươi lăm năm? Gates nói: “Đóng kín cũng có một số ích lợi, nhất là về cách bạn kiểm soát trải nghiệm đó, và chắc chắn là đã có những lúc ông ấy đạt được lợi ích đó”.
Nhưng, Bill cũng nói thêm rằng, từ chối cấp phép sử dụng Apple iOS đã mang đến cho các đối thủ như Android cơ hội tăng doanh số bán hàng. “Các công ty này không phải đang xây dựng các kim tự tháp bên cạnh Central Park”, ông nói đùa về cửa hàng của Apple trên Đại lộ số Năm, “nhưng họ đang nghĩ ra các hướng cải tiến mới dựa trên sự cạnh tranh về khách hàng”.
Gates chỉ ra rằng hầu hết cải tiến ở máy tính cá nhân đều xuất hiện là vì khách hàng có rất nhiều lựa chọn, và đến một ngày nào đó, điều tương tự cũng sẽ xảy ra với thế giới thiết bị di động. “Tôi nghĩ rằng cuối cùng, mở sẽ là hướng đi thành công, nhưng đó là xuất phát điểm của tôi. Về lâu dài, những thứ gắn chặt với nhau đó, anh không thể dính lấy nó mãi được”.
Jobs tin tưởng vào “sự gắn chặt với nhau đó”. Niềm tin của ông vào một môi trường đóng kín và được kiểm soát không hề lay chuyển ngay cả khi thị phần của Android ngày càng tăng. Khi nghe tôi kể về những gì Schmidt đã nói, ông xỉ vả: “Google nói rằng chúng tôi lạm dụng kiểm soát hơn họ, rằng chúng tôi đóng còn họ thì mở. Giờ thì nhìn vào kết quả xem - Android là một mớ hổ lốn. Nó có các kích thước màn hình và phiên bản khác nhau, có đến hơn 100 biến thể”.
Dù cho hướng tiếp cận của Google cuối cùng có thể sẽ thắng lợi trên thị trường, Jobs vẫn thấy không chấp nhận được. “Tôi muốn chịu trách nhiệm đối với toàn bộ trải nghiệm của người sử dụng. Chúng tôi thực hiện điều đó không phải vì mục tiêu kiếm tiền, mà bởi chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm tốt hơn, chứ không phải thứ rác rưởi như Android”.