Báo Đài Loan viết về nghĩa cử đẹp nơi đất khách của người phụ nữ gốc Việt_kết quả bóng đá nữ pháp

Báo Đài Loan viết về nghĩa cử đẹp nơi đất khách của người phụ nữ gốc Việt

(Dân trí) - Hãng tin Central News (CNA) của Đài Loan đã viết về một phụ nữ gốc Việt tự lực cánh sinh khởi nghiệp ở nơi đất khách quê người trong gần 20 năm và tích cực giúp đỡ những người phụ nữ Việt Nam tới hòn đảo lao động hoặc kết hôn.

Báo Đài Loan viết về nghĩa cử đẹp nơi đất khách của người phụ nữ gốc Việt - 1

Cô Huang Chun-chuang (Ảnh: CNA)

Khởi nghiệp trong ngành dịch vụ cạnh tranh cao tại Đài Loan không bao giờ là dễ dàng, nhất là với Huang Chun-chuang, một phụ nữ gốc Việt tới hòn đảo 18 năm trước và kết hôn với một người đàn ông Đài Loan thông qua sự mai mối của một người bạn chung.

Huang đến Đài Loan khi vẫn chưa hoàn thành chương trình trung học và không biết một chữ tiếng Trung, nhưng điều này không ngăn người phụ nữ này ngừng ước mơ có thể khởi nghiệp và làm chủ chính bản thân mình.

Quyết tâm của Huang mạnh tới mức cô đã có thể nuôi con trai trong khi phải làm 2 việc bán thời gian cùng lúc, học tiếng Trung, trải qua đổ vỡ trong hôn nhân, nhận chứng chỉ trong ngành làm đẹp và tự mở một thẩm mĩ viện nhỏ tại Xindian.

Huang hiện giờ đã trở thành nguồn cảm hứng cho những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan khác. Cô đã giành 1/4 thu nhập để mở lớp dạy tiếng Trung miễn phí cho người Việt Nam nhập cư, vì cô hiểu nỗi vất vả mà những phụ nữ Việt phải trải qua khi lấy chồng nơi xa xứ.

“Tôi không chỉ muốn dạy họ tiếng Trung mà còn muốn chia sẻ cho họ cách sống, sinh tồn ở Đài Loan để một ngày nào đó, họ có thể giống như tôi, tự chủ về mặt kinh tế”, Huang nói với CNA.

Khởi đầu vất vả

Khi mới lấy chồng, công việc chính của Hwang là ở nhà làm nội trợ. Tuy nhiên, cô vẫn muốn giúp đỡ kinh tế gia đình bằng cách kiếm thêm thu nhập bên ngoài.

Huang xin vào làm ở một nhà hàng địa phương, phát tờ rơi ở các trạm tàu điện ngầm. Tuy nhiên, công việc của cô khá vất vả vì không thông thạo ngoại ngữ.

Huang đã nhiều lần gặp khó khăn vì không hiểu khách hàng muốn gọi món gì. Điều này đã khiến cô quyết tâm đi học tiếng Trung ở nhà thờ gần nơi sinh sống. Cô thậm chí còn xin theo học tại một trường tiểu học để trau dồi hơn nữa các kỹ năng.

Sau nhiều năm làm việc ở nhà hàng, Huang đã được người chủ tin cậy tuyệt đối vì sự chăm chỉ và tận tụy của bản thân. Cô được thăng chức lên làm quản lý với đồng lương khá hơn.

Tuy nhiên, Huang mong muốn cô có thể học lấy một nghề nào đó để có thể tự lực cánh sinh sau này. Vì vậy, cô nghỉ việc và xin thực tập ở một cơ sở làm đẹp trong khi tiếp tục theo học một khóa về thẩm mỹ.

Mặc dù vậy, Huang gặp khó khăn khi khoản tiền học phí 70.000 Đài tệ (2.267 USD) là quá lớn. Cô đã may mắn khi một giảng viên biết được câu chuyện, cảm động trước sự hiếu học và quyết tâm của Huang, và trả tiền học cho cô.

Huang đã phải mất nhiều năm mới có thể trả lại được khoản nợ, nhưng cô đã không khiến giảng viên trên thất vọng.

Hôn nhân tan vỡ

Sau khi kết thúc quá học, với kinh nghiệm làm thực tập trước đó, Huang đủ điều kiện để mở một trung tâm làm đẹp. Cô thuê một mặt sàn nhỏ và bắt đầu khởi nghiệp.

Tuy nhiên, người chồng Đài Loan đã không thể thấu hiểu cho khát vọng tự chủ kinh tế của Huang mỗi khi cô phải làm việc muộn tới đêm mới có thể về nhà. Hai người nảy sinh mâu thuẫn không thể hàn gắn và chia tay.

Nỗi đau tăng lên gấp bội với Huang khi chồng cô giành được quyền nuôi cậu con trai. Huang vùi đầu vào công việc với kỳ vọng có thể thành công trong tương lai.

Thời điểm ly hôn chồng, Huang đã đủ điều kiện nhập tịch ở Đài Loan. Sau nhiều năm vất vả đi lên từ con số 0, Huang đã mở được một thẩm mĩ viên nhỏ ở Xindian hồi đầu tháng 4.

Nghĩa cử đẹp

Báo Đài Loan viết về nghĩa cử đẹp nơi đất khách của người phụ nữ gốc Việt - 2

Các học sinh trong lớp học mà Huang tổ chức miễn phí (Ảnh: CNA)

Khi sự nghiệp trở nên tốt hơn, Huang bắt đầu nghĩ tới việc giúp đỡ người khác để đáp trả những gì mà cô đã được hỗ trợ trong nhiều năm. Cô muốn giúp những phụ nữ chung hoàn cảnh tới Đài Loan lấy chồng.

Theo chính quyền Đài Loan, từ năm 2017, có 530.000 người nước ngoài đã trở thành công dân Đài Loan thông qua hôn nhân, trong đó có 100.000 người Việt Nam.

Huang cho biết nhiều người trong số họ không thể nói tiếng Trung và việc không thể giao tiếp khiến họ trở nên bị động và thu mình. Vì vậy, cô đã mở một trang Facebook để dạy tiếng cho những phụ nữ này. Cô đã giúp đỡ nhiều công nhân nhập cư, các “cô dâu” Việt Nam biết đọc, biết viết và giao tiếp tốt ở nơi xứ người.

“Thật ấm lòng khi biết được nhiều người sẵn lòng để được học tập. Điều này khiến tôi muốn làm thêm nhiều điều nữa”, Huang nói.

Từ năm ngoái, người phụ nữ và một người bạn đã mở lớp dạy tiếng Trung ở một ngôi đền tại khu Muzha, Đài Bắc và hướng dẫn khoảng 20 học sinh mỗi tuần.

Huang nói cô đóng góp 1/4  thu nhập vào lớp học miễn phí để mua sách giáo khoa, bút và các dụng cụ khác.

Cùng lúc đó, Huang cho biết cô rất hạnh phúc khi thấy nhiều người Đài Loan bắt đầu học tiếng Việt như là những bà mẹ chồng có con dâu Việt hay những người chồng. Họ muốn học để giao tiếp tốt hơn với người thân yêu trong gia đình và gạt bỏ đi những rào cản vô hình lẫn nhau.

Huang nói rằng dù hoạt động mở lớp tốn nhiều thời gian và tiền bạc, nhưng cô rất hạnh phúc vì cô là người theo Phật giáo và cô tin rằng đây là cách để báo đáp lại cho xã hội vì đã giúp cô theo đuổi và biến ước mơ thành sự thật.

Đức Hoàng

TheoCentral News