Ngoài đánh giá thực trạng công tác đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước thời gian qua,ỉlệtrúngtuyểnthấphơnnhiềusochỉtiêuđàotạotiếnsĩkeo bd hôm nay báo cáo cũng đưa ra kiến nghị, đề xuất nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ.
Theo báo cáo, việc mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ở những lĩnh vực ngành nghề đáp ứng xu thế phát triển của khu vực và thế giới (như năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ mới…) còn hạn chế.
Quy định về ngành và mã ngành đào tạo còn bất cập khi một số chuyên ngành được xếp ngang hàng với ngành đào tạo; một số mã ngành hẹp, mặc dù rất cần thiết nhưng nhu cầu số lượng không nhiều lại kén người học nên rất khó tuyển sinh. Nhiều ngành có nguy cơ phải đóng mã ngành vì không tuyển được nghiên cứu sinh sau thời gian 5 năm theo quy định.
Quy mô ngành đào tạo của các cơ sở còn khá nhỏ và phân tán. Có tới trên 70,1% cơ sở đào tạo đang tổ chức đào tạo dưới 5 mã ngành/chuyên ngành, trong đó có tới 32% chỉ mới đào tạo 1 mã ngành. 8 cơ sở hiện có trên 20 mã ngành đào tạo, chiếm tỉ lệ 4,12%.
Theo báo cáo, về quy mô tuyển sinh và đào tạo, giai đoạn 2000-2022, các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ đã thực hiện tuyển mới 32.517 nghiên cứu sinh. Tỉ lệ tuyển mới tăng gần 5,5 lần (từ 303 nghiên cứu sinh năm học 2000-2001 lên 1.661 người năm học 2021-2022). Quy mô đào tạo tăng gần 6 lần vào thời điểm cao nhất (năm học 2017-2018) và hiện gấp khoảng 3,5 lần so với thời điểm năm học 2000-2001. Số lượng nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình, được công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ hằng năm ở giai đoạn này cũng tăng hơn 10,5 lần.
Tuy nhiên, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, trung bình những năm gần đây chỉ đạt khoảng trên 32%, dẫn tới nhiều nơi không có sự cạnh tranh, nảy sinh sự dễ dãi trong tuyển chọn đầu vào, đặc biệt là về năng lực nghiên cứu chuyên môn.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề trong tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ có sự mất cân đối. Tỉ lệ nghiên cứu sinh đang học tập tại các cơ sở đào tạo tập trung nhiều vào các ngành thuộc khối ngành VII, các ngành Kinh doanh và quản lý thuộc khối ngành III và các ngành Kỹ thuật, Máy tính và công nghệ thông tin thuộc khối ngành V.
Trong khi đó, các ngành đào tạo lĩnh vực nghệ thuật (khối ngành II) và một số ngành khoa học (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, nông lâm thủy sản…) gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, mặc dù đây là những ngành truyền thống, thế mạnh của nhiều cơ sở đào tạo có uy tín và rất cần cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến năm 2022, toàn hệ thống có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, tăng 1,66 lần so với năm học 2014-2015, trong đó, 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành với tổng số 267 ngành và 1.110 lượt ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. |
Báo cáo cũng chỉ ra rằng quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam hiện còn nhỏ; việc thu hút nghiên cứu sinh quốc tế còn rất hạn chế. Tỉ lệ tiến sĩ của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0.05% dân số, chưa bằng 1/3 so với Malaysia, Thái Lan, bằng 1/2 so với Singapore, Philippines. Xét về tỉ trọng, đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam chỉ chiếm xấp xỉ 0,6% tổng quy mô đào tạo các trình độ giáo dục đại học, thấp hơn nhiều so với các nước OECD (4%) và Khối liên minh Châu Âu EU (4%).
Về tổ chức và quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ, việc xây dựng quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của một số cơ sở đào tạo còn có thiếu sót, chưa cụ thể hóa đầy đủ các nội dung theo yêu cầu. Chương trình đào tạo nhiều nơi chưa được thường xuyên cập nhật; chưa có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng thực tiễn, hiện đại, hội nhập. Hầu hết các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ hiện chưa được kiểm định.
Công tác quản lý hoạt động đào tạo có nơi còn chưa tốt. Tỉ lệ nghiên cứu sinh không hoàn thành chương trình, kế hoạch học tập, nghiên cứu trong khoảng thời gian 3 năm của đa số các cơ sở đào tạo còn cao.
Báo cáo cho rằng phát triển đội ngũ tiến sĩ với tư cách là bộ phận tinh hoa trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao, luôn được xác định là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược.
Để nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo tiến sĩ, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội định hướng cần quán triệt quan điểm coi đào tạo tiến sĩ là đào tạo tinh hoa. Từ đó, quan tâm phát triển về số lượng và chất lượng trong đào tạo tiến sĩ; kiểm soát chất lượng đầu vào, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đầu ra.
Ngoài ra, chúng ta cần cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ngành công nghệ cao, công nghệ cốt lõi.
Cùng đó, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng; Thực hiện tốt các chính sách thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên có năng lực. Nâng cao tiêu chuẩn, tiêu chí và ràng buộc trách nhiệm của người hướng dẫn, người phản biện và người tham gia hội đồng đánh giá chất lượng luận án.
"Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho các ngành khoa học cơ bản, các lĩnh vực nghiên cứu cần thiết mà Nhà nước có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng khó thu hút người học. Xây dựng chính sách hỗ trợ học bổng, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh có kết quả nghiên cứu, học tập xuất sắc, những đề tài/ luận án có tính ứng dụng cao.
Tập trung đầu tư cho các đơn vị đào tạo có uy tín, chất lượng, tránh tình trạng dễ dãi trong tổ chức tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng đào tạo", báo cáo đề xuất.