Bài ca thống nhất_tl bd anh
Bài 1: Bắt đầu cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ...
Bài 2: Đồng khởi!
Bài 3: Âm vang khí thế Tổng tiến công Mậu Thân
Bài 4: Ngày vui toàn thắng
Đón thời cơ giải phóng
Theàicathốngnhấtl bd anho lời kể của ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một, ngày 6-1- 1975 tỉnh Phước Long được giải phóng, chiến thắng Phước Long giúp Đảng ta đề ra chiến lược mới, mọi hoạt động đều hướng vào thực hiện chủ trương tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị họp nhận định thời cơ chiến lược đã tới; đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Đầu tháng 4, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị và chuẩn bị kế hoạch tác chiến với phương châm: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”... chủ động chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ giải phóng địa phương mình.
Ông Nguyễn Văn Hữu trò chuyện cùng các nguyên cán bộ, chiến sĩ Quân báo - Biệt động năm xưa
Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định và lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực hiện quyết tâm của Trung ương, từ ngày 14 đến 16- 4-1975, Tỉnh ủy mở hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh để phổ biến nhiệm vụ của quân và dân toàn tỉnh trong chiến dịch tiến công, nổi dậy giải phóng tỉnh và phối hợp với các quân đoàn chủ lực giải phóng Sài Gòn; trực tiếp giao nhiệm vụ cho các Huyện ủy và Thị ủy. Tỉnh ủy cũng quyết định chuyển Ban chỉ đạo, chỉ huy chống lấn chiếm thành Ban chỉ đạo, chỉ huy giải phóng thị xã; đồng thời quán triệt cho toàn Đảng, toàn quân trong tỉnh “đây là thời cơ ngàn năm có một để phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh nhà, cùng toàn miền Nam giành lấy chính quyền về tay nhân dân”. Về quân sự, tỉnh thành lập Ban chỉ huy tiền phương để trực tiếp chỉ huy chiến đấu do đồng chí Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Bùi Xuân Thuận (Năm Thuận) làm chính ủy, đồng chí Trần Văn Châu (Năm Châu) làm chỉ huy phó...
Ngày 29-4-1975, Tỉnh ủy tập trung hơn 400 cán bộ tại căn cứ Chiến khu Vĩnh Lợi (Rừng Tre xã Vĩnh Tân)... triển khai kế hoạch khởi nghĩa. Mục tiêu tiến công vào thị xã được xác định: Tiểu khu Phú Lợi, Chi khu quân sự Châu Thành, Tòa hành chính, Ty cảnh sát, Trường Sĩ quan Công binh, Nhà máy đường Bà Lụa, Kho bạc... Lực lượng tham gia kháng chiến các mục tiêu trong thị xã dưới sự chỉ huy của Ban chỉ đạo, chỉ huy giải phóng thị xã. Tại huyện Châu Thành, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, du kích các xã đồng loạt tiến công và nổi dậy bao vây bức hàng, bức rút nhiều đồn bót địch. Tại các xã Đông Nam của huyện Châu Thành được sự chi viện của lực lượng tỉnh, huyện sử dụng Đại đội 62 cùng du kích xã phát động quần chúng nổi dậy tiêu diệt, làm tan rã hoàn toàn lực lượng bảo an, dân vệ và bộ máy kìm kẹp .
Mờ sáng ngày 30-4-1975, pháo binh của ta đồng loạt bắn tấp nập vào Tiểu khu Phú Lợi, Chi khu Châu Thành mở màn cho trận đánh quyết định cuối cùng giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà. Đúng kế hoạch đã định, bên trong quần chúng nổi dậy rầm rộ với nòng cốt là đảng viên mật và du kích mật với cờ và khẩu hiệu ở khắp nơi. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 huyện Châu Thành, TX.Thủ Dầu Một hoàn toàn giải phóng.
Niềm vui lịch sử
Bà Nguyễn Thị Một, người vinh dự cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng trên nóc Nhà việc Phú Cường vào ngày 30-4-1975 lịch sử, xúc động nói: “Với những người từng vào sinh ra tử, bao ngày chờ đợi đất nước được giải phóng thì ký ức về những ngày cuối tháng 4-1975 lịch sử như sống mãi trong lòng, không thể nào quên”. Bà Một kể: “Tối 29-4, tôi cùng chị Hồng Nhung đến nhà chị Năm Xuân (chị ruột của chị Hồng Nhung, cũng là một cơ sở cách mạng) ở chợ Cây Dừa để may cờ. Suốt đêm không ngủ, chúng tôi cắt may cờ và 30 băng đỏ để sử dụng trong ngày giải phóng. Sáng hôm sau, tôi được lệnh tham gia giải phóng Thủ Dầu Một. Từ chợ Cây Dừa về trung tâm thị xã, hai bên đường vắng vẻ, ít người đi lại. Khi về đến ngã sáu Phú Cường, tôi thấy quần áo, quân trang quân dụng của lính ngụy vứt ngổn ngang hai bên đường. Trước sức mạnh của lực lượng ta, bọn chúng bỏ của chạy lấy người. Các cán bộ, chiến sĩ của ta đã nhanh chóng tiến lên chiếm lĩnh các vị trí, cơ quan then chốt của ngụy quân, ngụy quyền ở trung tâm tỉnh lỵ. Khi chúng tôi tiến vào Nhà việc Phú Cường thì đồng chí Bảy Tấn (nguyên Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một) cũng ở đó cùng với những cán bộ, chiến sĩ cách mạng khác để chiếm lĩnh mục tiêu”.
Tôi nhớ lúc ấy khoảng 9 giờ sáng, đúng như phân công, tôi và chị Hồng Nhung thực hiện việc treo cờ. Tôi đã tháo cờ của chế độ cũ xuống, bình tĩnh treo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng lên. Lá cờ tung bay trước niềm vui sướng của cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân Thủ Dầu Một. Khó có thể nói gì hơn cảm xúc của chúng tôi lúc đó, vui mừng đến rơi nước mắt. Bao năm đất nước lầm than, bao nhiêu chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống, tù đày… khiến cho nhiều gia đình ly tán; bà mẹ mãi mãi mất con, vợ mất chồng, con mất cha… Nhưng cuối cùng cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30-4-1975. Niềm vui sướng hân hoan không gì diễn tả được bởi chúng ta đã đánh đổi biết bao mồ hôi, xương máu và nước mắt để làm nên điều kỳ diệu ấy. Từ đây, lịch sử đất nước ta bước sang trang mới”.
Tiếp chúng tôi trong thời khắc của những ngày cuối tháng 4 lịch sử, bác sĩ Trương Trung Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sông Bé, nói: “Vui lắm, quên sao được. Ngày ấy, cả nước hừng hực khí thế, niềm vui vỡ òa”. Trên nét mặt hiện rõ niềm vui, miền ký ức của ngày 30-4-1975 lại trở về, ông kể, ngày 26-4-1975, ông nhận được lệnh đi chiến dịch Hồ Chí Minh ở Sài Gòn. Trong suy nghĩ của ông lúc này, trận đánh cuối cùng chắc cam go lắm nhưng ông không hề nao lòng. Với ông, được tham gia trận đánh cuối cùng này là niềm tự hào.
Bác sĩ Trương Trung Nghĩa nói: “Với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, từ lúc có lệnh xuống đường, đến khi vào Sài Gòn, cả đoàn không ai ngủ được. Bởi bao nhiêu năm, ai cũng vui mừng, háo hức chờ đợi giây phút này...”.
THU THẢO